Chi tiết

10 dấu ấn nổi bật kinh tế – xã hội năm 2024

10 dấu ấn nổi bật kinh tế - xã hội năm 2024 - Ảnh 1
10 dấu ấn nổi bật kinh tế - xã hội năm 2024 - Ảnh 2

Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trút hơi thở cuối cùng lúc 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024, ở tuổi 80. Ông được đánh giá là “nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới”. (trích Điếu văn do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm đọc tại Lễ truy điệu cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 26/7/2024).

Để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, liên tục và xuyên suốt của Đảng, ngày 3/8/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nhất trí bầu đồng chí Tô Lâm giữ chức Tổng Bí thư.

Trước đó, ngày 22/5/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã nhất trí bầu đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Gần 5 tháng sau, ngày 21/10/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã bầu đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đại biểu Quốc hội (khóa XV), giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trước đó, ngày 20/5/2024, Quốc hội đã bầu đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV.

Với các kết quả bầu cử nêu trên, Ban lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước (gồm 4 nhà lãnh đạo chủ chốt: Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn) đã được kiện toàn, tạo điều kiện tiên quyết để ổn định tình hình chính trị – xã hội của đất nước, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, trong bối cảnh chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiếp tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, tạo đà để đất nước bước vào “Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

10 dấu ấn nổi bật kinh tế - xã hội năm 2024 - Ảnh 3

Phát biểu chỉ đạo hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 Khóa XIII, tổ chức tại Hà Nội ngày 20/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định: “Với những thành tựu vĩ đại sau gần 80 năm lập nước, với thế và lực đã tích lũy được, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…”.

 Tổng Bí thư Tô Lâm là người đầu tiên nêu ra và phát động Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của đất nước, khởi đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV (đầu năm 2026).

Đất nước ta, từ khi có Đảng (năm 1930), đã trải qua 2 kỷ nguyên: Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 – 1975) và Kỷ nguyên thống nhất, đổi mới, phát triển (1975 – 2025).

Những thắng lợi mang tính quyết định, giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong hai kỷ nguyên đầu, chính là tiền đề, là nền tảng vững chắc, tạo niềm tin và khơi dậy khát vọng phát triển để bước vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là một tuyên ngôn, thể hiện tư duy nhạy bén, sắc sảo và tầm nhìn chiến lược, có căn cứ khoa học của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Để tạo đà cho Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII,  tổ chức ngày 1/12/2024, yêu cầu sắp xếp lại bộ máy trong toàn hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả đã được đặt ra như một cuộc cách mạng và đang được triển khai thực hiện khẩn trương, quyết liệt theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Cũng nhằm tạo thêm cơ sở vững chắc cho “Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ngày 22/12/2024,  Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó có việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng Ban; thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Tuyên ngôn “Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” cùng việc phát động cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy và việc ban hành kịp thời quyết sách của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là những sự kiện tạo đà cho một thời kỳ phát triển mới của đất nước sẽ khởi đầu từ năm 2026.

10 dấu ấn nổi bật kinh tế - xã hội năm 2024 - Ảnh 4

Năm 2024, Việt Nam nâng cấp quan hệ hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện với 3 quốc gia. Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp (từ 6-7/10/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong cuộc hội đàm chính thức tại Paris ngày 7/10/2024, đã quyết định nâng cấp quan hệ chiến lược Việt Nam – Pháp lên đối tác chiến lược toàn diện. Pháp là quốc gia đầu tiên trong 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Tiếp đó, nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia từ ngày 21 – 23/11/2024, hai bên đã ra tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Malaysia.

Trước đó, tại cuộc hội đàm sáng 7/3/2024 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Australia (từ ngày 7-9/3/2024), Thủ tướng hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ chiến lược Việt Nam – Australia lên đối tác chiến lược toàn diện. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 9 quốc gia, gồm:  Trung Quốc (5/2008), Nga (7/2012), Ấn Độ (9/2016), Hàn Quốc (12/2022), Hoa Kỳ (9/2023), Nhật Bản (11/2023), Australia (3/2024), Pháp (10/2024) và Malaysia (11/2024).

Trong số 194 quốc gia thành viên Liên hợp quốc mà nước ta có quan hệ ngoại giao, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia, trong đó có 4/5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng quan hệ chiến lược với hàng chục quốc gia khác, đồng thời chủ động tham gia một cách tích cực và có trách nhiệm trong nhiều tổ chức quốc tế. Điều này thể hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam, theo tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Một chính sách đối ngoại như vậy đã tạo những điều kiện quốc tế thuận lợi nhất từ trước đến nay để Việt Nam tiếp tục hội nhập và phát triển khi bước vào “Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” theo định hướng chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV sẽ thông qua.

10 dấu ấn nổi bật kinh tế - xã hội năm 2024 - Ảnh 5

Vượt qua những ảnh hưởng từ những bất ổn của kinh tế thế giới và những thiệt hại nặng nề từ siêu bão Yagi, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 dự báo đạt hơn 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đặt ra. Cùng với đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế cũng khá tích cực với lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục với khoảng 800 tỷ USD và thu hút FDI vẫn duy trì được “sức nóng” cho dù dòng vốn đầu tư toàn cầu đang suy giảm.

Tăng trưởng của Việt Nam tiếp tục được các tổ chức quốc tế đánh giá khá tích cực so với các quốc gia trong khu vực. Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiếp tục duy trì quan điểm tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 lên 6,6%, từ mức 6,2% được dự báo hồi tháng 9/2024.

Trumg tâm Dự báo, phân tích kinh tế độc lập CEBR (Anh) cũng dự báo trong vòng 5 năm tới Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trung bình 5,8%/năm và giai đoạn 2030-2039 là 5,6%/năm. Với tốc độ này, quy mô GDP của Việt Nam sẽ tăng từ mức 450 tỷ USD năm 2024 lên 676 tỷ USD vào năm 2029 (vượt qua Singapore với 656 tỷ USD) và tiếp tục lên mức 1.410 tỷ USD vào năm 2039, đứng thứ 25 trên thế giới.

Đáng chú ý, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP được các tổ chức quốc tế đưa ra khá khác nhau, song nhìn chung các tổ chức này đều cho rằng công nghệ sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam bứt phá nhanh hơn.

10 dấu ấn nổi bật kinh tế - xã hội năm 2024 - Ảnh 6

Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu, rủi ro lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn sụt giảm, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt được con số kỷ lục 783 tỷ USD (vượt hơn 100 tỷ USD so với mức 681 tỷ USD của năm 2023).

Trong đó, xuất khẩu đạt 403 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2023. Xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD. Đáng chú ý, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đóng góp vào thành tích chung của xuất khẩu năm 2024, ngành nông nghiệp ghi dấu ấn đậm nét, khi lần đầu tiên xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023. Kết quả này là quá trình nỗ lực chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chuyển đổi xanh; đồng thời là kết quả của quá trình đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản chủ lực.

Điểm nhấn quan trọng và là bước đột phá trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam năm 2024, đó là ký kết thành công Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (Hiệp định CEPA) vào ngày 28/10/2024. Đây là Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả-Rập, mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Hiệp định có sức lan tỏa mạnh mẽ tạo tiếng vang, cuộc đua marathon mới trong ký kết các FTA với các nước Trung Đông – Châu Phi thời gian tới; trước mắt là các nước Saudi Arabia, Ai Cập, Qatar… Như vậy tính đến nay, Việt Nam đã ký kết và đàm phán 19 FTA; mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.

10 dấu ấn nổi bật kinh tế - xã hội năm 2024 - Ảnh 7

Giữa lúc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đang suy giảm trước những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn duy trì được “sức nóng”.

Theo Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến tháng 11 năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 31,88 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư giải ngân ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam tiếp tục là nền kinh tế hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế (nhờ độ mở nền kinh tế lớn với nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương) và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2024, Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Đầu tháng 12/2024, Nvidia chọn Việt Nam xây dựng trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Đài Loan.

Tháng 11/2024, Foxconn công bố khoản đầu tư 80 triệu USD vào hoạt động sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang, SpaceX của tỷ phú Elon Musk cũng dự định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, trong khi Tập đoàn Trump Organization sẽ đầu tư khoản tiền tương tự vào Hưng Yên. Amkor, một tập đoàn công nghệ có trụ sở tại Hoa Kỳ, công bố kế hoạch xây dựng nhà máy rộng 200.000m2 tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD vào tháng 6/2024.

Với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế cùng những động thái gần đây của nhà đầu tư nước ngoài, nhiều chuyên gia dự báo vốn đầu tư nước ngoài đổ về Việt Nam trong năm 2024 có thể chạm mức mục tiêu đặt ra là 40 tỷ USD.

10 dấu ấn nổi bật kinh tế - xã hội năm 2024 - Ảnh 8

Ngày 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 15 Chương với 210 Điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với các nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm góp phần đảm bảo hoạt động tài chính của các tổ chức tín dụng minh bạch, an toàn, ổn định; từng bước giải quyết tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng.

Trong đó, nổi bật là các nhóm chính sách: (1) cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay; (2) ngân hàng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ; (3) giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong các tổ chức tín dụng; (4) can thiệp sớm các tổ chức tín dụng yếu kém; (5) giảm tỷ lệ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan.

Ngày 29/11/2024, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật (Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia).

Các chính sách lớn được sửa đổi, bổ sung tập trung giải quyết những vướng mắc, điểm nghẽn trong hệ thống pháp luật tài chính. Có thể kể đến như tháo gỡ điểm nghẽn trong cơ chế chia sẻ, phân bổ, huy động nguồn lực ngân sách nhà nước, tài sản công nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước cho tăng trưởng kinh tế. Các nội dung này được thể hiện ở việc sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật về tài chính cũng góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp, để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Quan điểm này đã được thể hiện rất rõ trong nội dung sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Kế toán.

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế cũng có các giải pháp, biện pháp đồng bộ để quản lý chặt chẽ nguồn thu, mở rộng cơ sở thu để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; đảm bảo công bằng đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. 

Các chính sách hướng tới đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận lợi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, quyền tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán một cách bền vững… được thể hiện trong nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán.

10 dấu ấn nổi bật kinh tế - xã hội năm 2024 - Ảnh 9

Trong làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp bán dẫn và sự dịch chuyển sản xuất diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, đầu tháng 12/2024, chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của ông Jensen Huang, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Nvidia (Hoa Kỳ), với hàng loạt ký kết đầu tư, hợp tác của Nvidia, được xem là một trong những sự kiện ấn tượng nổi bật và dấu mốc đột phá về công nghệ của Việt Nam trong năm qua.

Cụ thể, Tập đoàn Nvidia và Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của Nvidia và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Cùng với đó là các hoạt động đầu tư, hợp tác quan trọng của Nvidia với các tập đoàn hàng đầu của Việt Nam, như: (1) hợp tác với FPT xây dựng nhà máy AI Factory đầu tiên ở Việt Nam, theo đó FPT dự kiến đầu tư 200 triệu USD để xây dựng AI Factory cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu phát triển AI và có chủ quyền tại Việt Nam. AI Factory đầu tiên tại Việt Nam được FPT trang bị hàng nghìn chip đồ họa Nvidia GPU H100, sẵn sàng cung cấp dịch vụ vào tháng 1/2025.

(2) Nvidia hợp tác với Trung tâm Dữ liệu AI của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ sử dụng các công nghệ do Nvidia cung cấp, sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ AI tiên tiến tại Việt Nam.

(3) Nvidia mua lại công ty khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe VinBrain, một công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup (VIC) để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn ở Việt Nam.

Các hoạt động ký kết hợp tác đầu tư trên là bước đi chiến lược và hướng phát triển mới của Nvidia, đồng thời là dấu mốc quan trọng để Việt Nam trở thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu châu Á, tạo ra những đột phá cho các ngành công nghệ then chốt.

Đặc biệt, việc ký kết thỏa thuận với Nvidia  – tập đoàn công nghệ số một thế giới hiện nay trong lĩnh vực công nghệ AI và bán dẫn, thể hiện tầm nhìn của Việt Nam trong việc “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo – một trong những ngành công nghệ có tiềm năng tạo đột phá, động lực mới thúc đẩy tăng năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế và góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững dựa trên đổi mới sáng tạo.

Việt Nam đang bước vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo Nghị quyết, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong Kỷ nguyên mới  – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Một trong những mục tiêu đến năm 2030 được đặt ra trong Nghị quyết là: Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Đồng thời, từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), chuỗi khối (Blockchain)…

Với những tiền đề đặc biệt quan trọng và có tính chiến lược trên, việc chọn Việt Nam là điểm đến và “biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia” mà Chủ tịch Nvidia Jensen Huang lựa chọn và đặt ra, sẽ là những viên gạch đầu tiên góp phần tạo ra sự đột phá về công nghệ tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy tăng năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế cho giai đoạn phát triển nhanh và bền vững.

10 dấu ấn nổi bật kinh tế - xã hội năm 2024 - Ảnh 10

Ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, Quốc hội ra Nghị quyết tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; đồng thời, giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.

Hiện nay, điện hạt nhân đã trở thành xu thế trên thế giới, khi vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giá thành thấp hơn điện khí và năng lượng tái tạo, lại vừa có tính ổn định cũng như được đánh giá là “sạch”, đảm bảo được mục tiêu cắt giảm khí phát thải carbon. Việt Nam kiên định mục tiêu Net Zero vào năm 2050, đồng thời đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tới, nên việc tái khởi động dự án điện hạt nhân vừa cần thiết với Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế thế giới.

Tính đến năm 2024, tổng công suất hệ thống điện Việt Nam khoảng 85.000 MW và sẽ tăng lên khoảng 150.000 MW vào năm 2030, đến năm 2050 cần đạt 400.000 – 500.000 MW. Vì vậy, phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng hóa nguồn cung điện, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26. Đồng thời, việc thực hiện dự án điện hạt nhân còn là cơ hội để đất nước phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.

10 dấu ấn nổi bật kinh tế - xã hội năm 2024 - Ảnh 11

Ngày 7/9/2024, cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) đổ bộ vào miền Bắc nước ta với sức gió giật trên cấp 17, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, gây ra lũ quét, lũ bùn, mưa lớn cực đoan nhất lịch sử.

Bão và mưa lũ sau bão đã làm 323 người chết, 22 người mất tích; 2.041 người bị thương; 5.647 nhà bị sập đổ, 256.923 nhà bị hư hại, tốc mái; 281.153 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 46.614 con gia súc, 4,8 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 805 sự cố đê điều; 2.524 công trình thủy lợi bị hư hại, sự cố; 194 tàu, thuyền, 18.220 lồng bè; 82.678 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại; 548 km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng, ách tắc với khối lượng sạt lở trên 15 triệu m3. Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế do bão số 3 gây ra là trên 83.746 tỷ đồng; trong đó thiệt hại về nông nghiệp ước tính 38.086 tỷ đồng, chiếm 45% tổng thiệt hại về kinh tế.

Ngay sau bão, Chính phủ đã có những hành động quyết liệt và kịp thời ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Đến nay, công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão ở các địa phương đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó sản xuất nông nghiệp đã và đang dần phục hồi, cuộc sống của người dân vùng bị thiên tai dần ổn định. Có được kết quả này là nhờ sự huy động của cả hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ đồng bào vùng bị thiên tai, huy động tổng nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội, sự hỗ trợ của các nước trên thế giới và tổ chức quốc tế… Đây là một kinh nghiệm quý báu cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

10 dấu ấn nổi bật kinh tế - xã hội năm 2024 - Ảnh 12

VnEconomy 30/12/2024 02:15

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 53-2024 phát hành ngày 30/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

10 dấu ấn nổi bật kinh tế - xã hội năm 2024 - Ảnh 13

Nguồn