Theo báo cáo về thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) mới đây của công ty KPMG, tổng giá trị giao dịch M&A trong 9 tháng đầu năm nay tại thị trường Việt Nam đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 45,9% so với cùng kỳ, dù khối lượng giao dịch giảm 11,6% so với cùng kỳ.
Đây là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh ảm đạm của thị trường Đông Nam Á (tổng giá trị giao dịch của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines giảm 11,3%).
Báo cáo nêu, tăng trưởng giá trị giao dịch chủ yếu được thúc đẩy bởi một số giao dịch lớn từ các nhà đầu tư trong nước, cho thấy các doanh nghiệp nội địa có thể đang điều chỉnh chiến lược kinh doanh cũng như tối ưu hóa để tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt của mình trong bối cảnh môi trường kinh doanh vẫn đang có nhiều thách thức.
Đáng chú ý, Vingroup đã hoàn tất 2 giao dịch lớn, với tổng giá trị khoảng 1,4 tỷ USD, chiếm gần một nửa giá trị giao dịch thị trường Việt Nam trong 9 tháng.
Nếu không có 2 thương vụ này, giá trị giao dịch tại Việt Nam sẽ giảm 18,7% so với cũng kỳ.
Hai thương vụ đó bao gồm: 982 triệu USD là giao dịch giữa nhóm công ty có trụ sở tại Việt Nam mua lại 55% cổ phần của Công ty Phát triển Đầu tư và Thương mại SDI, một công ty con của Vingroup sở hữu gián tiếp 41,5% cổ phần tại Vincom Retail; và VinFast Auto Ltd. ký hợp đồng mua lại Công ty Cổ phần VinES Energy Solutions từ ông Phạm Nhật Vượng với giá trị 440 triệu USD.
Nhìn chung, 10 thương vụ lớn nhất chiếm khoảng 2,8 tỷ USD, tương đương với khoảng 87% tổng giá trị giao dịch đã được công bố.
So với 3 năm trước, giá trị trung bình các giao dịch được công bố đã tăng đáng kể, đạt 56,3 triệu USD mỗi thương vụ trong 9 tháng đầu năm khi các thương vụ lớn chiếm lĩnh thị trường.
Trong thời gian này, các nhà đầu tư trong nước đóng vai trò chính trong thị trường M&A Việt Nam khi chiếm 53% tổng giá trị giao dịch được công bố, gần gấp đôi tổng giá trị đóng góp của 4 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cộng lại.
“Đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa. Xu hướng này còn cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang có sự tiếp cận thị trường M&A ở Việt Nam thận trọng hơn”, báo cáo nêu.
Bất động sản và Tiêu dùng thiết yếu chiếm ưu thế về giá trị giao dịch
Hoạt động giao dịch M&A 9 tháng đầu năm nay chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực Bất động sản (53%), Tiêu dùng thiết yếu (14%), và Công nghiệp (21%), chiếm tổng cộng 88% giá trị giao dịch và nằm trong top 5 thương vụ M&A lớn nhất.
So với năm trước về giá trị giao dịch, ngành Tiêu dùng thiết yếu và Công nghiệp đã thay thế Dịch vụ tài chính và Chăm sóc sức khỏe là những ngành đóng góp lớn nhất, trong khi Bất động sản tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu năm nay.
Hoạt động M&A vẫn diễn ra trong ngành Bất động sản, Tiêu dùng thiết yếu, và Công nghiệp phần lớn cho thấy hoạt động tái cấu trúc kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa. Xu hướng này phản ánh việc tập trung chiến lược vào việc củng cố hoạt động kinh doanh cốt lõi nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với những biến động thị trường.
Động lực từ chính sách hỗ trợ
KPMG nhận định, số lượng thương vụ M&A dự kiến sẽ tăng lên trong các lĩnh vực then chốt như Công nghệ và Bất động sản nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Xu hướng đầu tư đang dịch chuyển sang lĩnh vực công nghệ và các dịch vụ có ứng dụng công nghệ, nhóm ngành dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng đáng kể trong các giao dịch M&A từ 2025.
Xu hướng này được thúc đẩy bởi các sáng kiến và cải cách chủ động từ Chính phủ, bao gồm ưu đãi thuế cho ngành công nghệ cao và tối ưu hóa các quy trình đầu tư nước ngoài giúp giảm bớt rào cản với các nhà đầu tư quốc tế.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản dự kiến sẽ có động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần ổn định, kết hợp với việc thi hành Luật Đất đai mới. Luật này sẽ làm rõ phương pháp định giá đất và ban hành các quy định mới về sử dụng đất, nâng cao tính minh bạch cho thị trường.
Cùng với sự phục hồi của ngành này, nhu cầu trong nước dự kiến sẽ được củng cố hơn khi tâm lý đầu tư và nhu cầu tiêu thụ được cải thiện hơn.