Chi tiết

3 công ty niêm yết “hiếm hoi” có dự án khu công nghiệp mới trong nửa đầu năm 2024

Quỹ đất bất động sản khu công nghiệp thu hẹp và chỉ có 3 công ty niêm yết được phê duyệt dự án mới trong nửa đầu năm 2024. Lợi thế mở rộng đang nghiêng về nhóm có quỹ đất cao su hoặc thu hút được tập đoàn quốc tế đầu tư.

Theo ACBS Research, tính đến cuối tháng 6/2024, Việt Nam có 429 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích đất hơn 134.500ha.

Tuy nhiên, thị trường có sự phân mảnh, VSIP (liên danh giữa Becamex IDC và Sempcorp) dẫn đầu khi sở hữu 7.500ha đất KCN, chiếm 5,6% thị phần. Tiếp đến là Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) sở hữu 7.000ha đất KCN, chiếm 5,2% thị phần. Đứng sau là nhiều ông lớn khác như Viglacera (VGC), Sonadezi, Kinh Bắc (KBC), IDICO (IDC)…

3 công ty niêm yết 'hiếm hoi' có dự án khu công nghiệp mới trong nửa đầu năm 2024
Nguồn: VCBS Research

ACBS dự kiến, giá thuê trong giai đoạn năm 2024 – 2026 tiếp tục tăng trưởng 6 – 7%/năm ở miền Bắc và 3 – 7% ở miền Nam.

Nguồn cung mới sẽ dịch chuyển đến thị trường cấp 2 gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Phước. Đây là khu vực có giá thuê thấp hơn và có kết nối giao thông cải thiện nhờ các dự án cao tốc và đường vanh đai đang và sẽ triển khai trong thời gian tới.

Quỹ đất khu công nghiệp thu hẹp dần

Hiện tại, quỹ đất KCN có thể cho thuê không còn nhiều, đặc biệt là khu vực phía Nam, nên các công ty đang tích cực mở rộng quỹ đất. ACBS cho rằng lợi thế nghiêng về các công ty có đất cao su được phép chuyển đổi sang đất công nghiệp như GVR, PHR hoặc các doanh nghiệp đã thu hút các tập đoàn quốc tế lớn trong nhiều năm qua như KBC, VGC và IDC.

3 công ty niêm yết 'hiếm hoi' có dự án khu công nghiệp mới trong nửa đầu năm 2024
Nguồn: ACBS Research

Sài Gòn VRG (SIP) có quỹ đất thương phẩm còn lại có thể cho thuê cao nhất trong số các công ty niêm yết, đạt hơn 1.000ha tập trung tại Tây Ninh (772ha), Đồng Nai (133ha) và TP.HCM (130ha). Kế tiếp là Becamex (BCM) và VGC cùng còn 848ha.

Trong nửa đầu năm 2024, có 3 công ty niêm yết được phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư KCN mới là: VGC được phê duyệt dự án Sông Công 2 ở Thái Nguyên (296ha) và Dốc Đá Trắng ở Khánh Hòa (288ha); GVR được phê duyệt dự án Hiệp Thạnh – giai đoạn 1 ở Tây Ninh (495ha); IDC được phê duyệt KCN Tân Phước 1 tại Tiền Giang (470ha).

“Tay chơi” lớn nhập cuộc

Ngày 13/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 639/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Vinhomes Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh cho chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (công ty con của Vinhomes).

Dự án này có quy mô 964,84ha, tổng vốn đầu tư 13.276,5 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 1.991,473 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm.

Kế hoạch phát triển bất động sản KCN được Chủ tịch HĐQT Vingroup – ông Phạm Nhật Vượng công bố tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020. Ông Vượng từng nhận định bất động sản công nghiệp thời điểm ấy chỉ là mảng bổ trợ, nhưng trong tương lai, đây sẽ là mảng chính của Vinhomes, mang lại dòng tiền thường xuyên cho công ty.



Nguồn tin