Chi tiết

3 nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán Việt Nam bị bán tháo

Nhiều thông tin quan trọng theo hướng tiêu cực xuất hiện vào cuối tuần trước được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc VN-Index giảm sâu trong phiên thứ Hai (ngày 5/8).

Phiên giao dịch ngày 5/8 (thứ Hai), VN-Index giảm 48,53 điểm (-3,92%) về 1.188,07 điểm. Thị trường chứng khoán thế giới phiên cũng đồng loạt giảm mạnh như: Nikkei (-12,4%), Kospi (-8,77%), Nasdaq (-3,98%)…

Theo Agriseco Research, việc thị trường Việt Nam bị bán tháo ngay phiên thứ Hai có thể đến từ 3 sự kiện tiêu cực xảy ra vào cuối tuần trước. Cụ thể:

Việt Nam chưa được Bộ Thương mại Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường: Việt Nam nằm trong danh sách nền kinh tế phi thị trường của Mỹ kể từ năm 2002 và sẽ tiếp tục gặp phải các cuộc điều tra chống bán phá giá, trợ cấp đối với các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ như đã diễn ra trong các năm vừa qua.

Về mặt đầu tư, Agriseco đánh giá sự kiện này không làm xấu đi triển vọng kinh doanh, tuy nhiên có thể làm giảm sự kỳ vọng đối với diễn biến giá cổ phiếu trong tương lai. Trường hợp Việt Nam được vào danh sách kinh tế thị trường, sẽ giúp gia tăng vị thế của quốc gia trên thị trường quốc tế và lợi ích song phương giữa 2 nước.

Mỹ công bố chỉ số thất nghiệp cao hơn dự kiến: Tỷ lệ thất nghiệp được công bố tiếp tục tăng tháng thứ 4 liên tục và đạt mức 4,3%, cao hơn mức dự báo là 4,1%. Điều này đang làm dấy lên lo ngại của nhà đầu tư về việc Mỹ đang có nguy cơ xảy ra suy thoái và khiến thị trường chứng khoán đồng loạt giảm điểm.

Agriseco cho rằng sẽ cần thêm những chỉ báo tiếp theo để đo lường khả năng này và việc thị trường Mỹ giảm điểm chủ yếu vì đã tăng cao từ quý IV/2023 tới hiện tại (Dow Jones tăng 20%, S&P tăng 25%).

3 nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán Việt Nam bị bán tháo
Nhật Bản thay đổi chính sách tiền tệ, buộc nhiều nhà đầu tư phải đóng vị thế carry trade đang được xem là nguyên nhân quan trọng hàng đầu dẫn đến sự sụt giảm của chứng khoán toàn cầu

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất sau hơn 10 năm nới lỏng: Đây sự thay đổi mang tính trọng yếu về chính sách tiền tệ của Nhật Bản khi đã duy trì mặt bằng lãi suất ổn định trong suốt nhiều năm qua. Điều này có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư toàn cầu và nhiều lớp tài sản khác nhau (hiệu ứng Squeeze từ vị thế carry trade). Thông thường khi có hiện tượng này thì thị trường tài chính sẽ xảy ra những phiên giao dịch với biên độ giao dịch lớn.

Carry trade là chiến lược giao dịch mà các nhà đầu tư bán hoặc vay các đồng tiền có lãi suất thấp để thu lại lợi nhuận từ việc mua vào các đồng tiền có lãi suất cao hơn.

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, các ngân hàng trung ương sẽ sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng để hạ lãi suất nhằm kích cầu nền kinh tế. Khi lãi suất giảm xuống, các nhà đầu cơ vay tiền và mua vào các tiền tệ có lãi suất cao với hy vọng có thể bán khống các cặp tiền này trước khi lãi suất đi vay tăng lên.

Ví dụ tiêu biểu nhất là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) duy trì chính sách lãi suất âm và kiểm soát lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản ở mức thấp để đối phó với giảm phát nghiêm trọng, đã khiến chi phí vay đồng Yên (JPY) trở nên rất rẻ. Ngược lại, cổ phiếu Mỹ là tài sản đầu tư được ưa chuộng nhờ đà tăng đáng nể và sức mạnh của đồng USD.

Hiệu ứng Squeeze xảy ra khi các nhà giao dịch buộc phải đóng vị thế bởi chính sách tiền tệ đảo chiều. Hiện nay, chưa có tổ chức nào xác định được quy mô của các giao dịch carry trade bằng đồng yên. Tuy nhiên, chắc chắn rằng quy mô này là không hề nhỏ.

Agriseco lưu ý, thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam đang diễn biến khó lường trong bối cảnh các yếu tố địa chính trị, kinh tế và dòng tiền khó đoán định, đẩy rủi ro tăng cao. Bên cạnh đó, thị trường có thể đối diện với áp lực bán giải chấp margin trong các phiên tới. Nhà đầu tư nên bán hạ tỷ trọng những mã mang tính đầu cơ, nâng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục.



Nguồn tin