Chi tiết

6 yếu tố giúp tăng trưởng GDP cả năm đạt và vượt 7%

Nền kinh tế phục hồi rõ nét

Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 sáng 07/10, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù tình hình thế giới, trong nước khó khăn, đặc biệt cơn bão số 3 đã ảnh hưởng lớn đến người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, đạt tốc độ tăng trưởng cao trong Quý III.

Nổi bật là tăng trưởng GDP quý III ước đạt 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn 0,7% so với kịch bản tại Nghị quyết 01 (6,7%), tương đương với kịch bản tăng trưởng cả năm 7% đã báo cáo tại Phiên họp Chính phủ tháng 6. Tăng trưởng GDP 09 tháng đạt 6,82%, trong đó: khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,2%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, dịch vụ tăng 6,95%.

Các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao như Bắc Giang (13,89%), Thanh Hóa (12,46%), Lai Châu (11,63%), Hà Nam (10,89%)… Một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 vẫn giữ được đà tăng trưởng cao như Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Phú Thọ (9,56%), Lào Cai (7,71%), Cao Bằng (7%), Yên Bái (7,15%)…

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép.

Theo đó, chỉ số CPI 09 tháng tăng 3,88% so với cùng kỳ trong bối cảnh đã thực hiện việc tăng lương từ ngày 01/7/2024, điều chỉnh giá một số dịch vụ. Tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời. Thu NSNN 09 tháng ước đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 09 tháng tăng 16,3%, 15,4% và 17,3%; xuất siêu ước đạt 20,8 tỷ USD. Các cân đối lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm.

Phiên họp được tổ chức trực tuyến với 63 địa phương (ảnh: MPI)

Các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực

Phân tích về các động lực tăng trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Khu vực dịch vụ tăng khá, tích cực hơn qua từng tháng, từng quý. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng kinh tế; các địa phương đã kịp thời khắc phục các sự cố về điện, viễn thông, giúp doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại ngay sau bão lụt.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Quý III tăng 11,4% so với cùng kỳ, cao nhất từ năm 2019 đến nay; chỉ số tiêu thụ tăng 12,5%, tỷ lệ tồn kho giảm.

Trong tháng 9, có khoảng 17,7 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tính chung 09 tháng có khoảng 183 nghìn doanh nghiệp, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (163,8 nghìn doanh nghiệp). Khoảng 82,6% doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo đánh giá tình hình kinh doanh trong Quý IV sẽ ổn định hoặc tốt lên so với Quý III, cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào sự phục hồi tích cực của nền kinh tế trong năm 2024.

Cùng với đó, các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội phục hồi qua từng quý, Quý III tăng 7,0% so với cùng kỳ; 09 tháng tăng 6,8%, trong đó đầu tư tư nhân tăng 7,1%.

Thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng, tổng vốn FDI đăng ký 09 tháng khoảng 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới khoảng 13,6 tỷ USD, tăng 11,3%; vốn FDI thực hiện khoảng 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 7,6% so với cùng kỳ, 09 tháng tăng 8,8%; khách quốc tế 09 tháng khoảng 12,7 triệu lượt người, tăng 43%. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng cao.

Thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng (Ảnh:Baovinhphuc.com.vn)

Hai “đầu tàu” phải làm tốt vai trò dẫn dắt cho tăng trưởng GDP cả nước

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả Quý III, 9 tháng, dự báo cả năm, Bộ KH&ĐT kiến nghị phấn đấu tăng trưởng Quý IV khoảng 7,6-8%, giúp tăng trưởng GDP cả năm đạt và vượt 7%.

Theo Bộ trưởng, có 06 yếu tố để Bộ đưa ra mức dự báo đó:

Thứ nhất, xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc cần sớm khắc phục hậu quả bão số 3, phục hồi nhanh hơn;

Thứ hai, đầu tư của khu vực nhà nước phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn;

Thứ ba, các điểm sáng về thu hút FDI và xuất khẩu giữ vững tốc độ tăng tích cực;

Thứ tư, thúc đẩy và khai thác hiệu quả hơn thị trường nội địa; đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế;

Thứ năm, ban hành và triển khai hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật mới;

Thứ sáu, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương…

“Đặc biệt là 02 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, mặc dù đã rất nỗ lực, quyết tâm thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thu NSNN, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong Quý III, nhưng cần phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong Quý IV để giúp tăng trưởng cả nước vượt 7%…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý.

Trong đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Quý IV, 1 vấn đề cụ thể được Bộ trưởng đề cập đến là phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn, bền vững; thúc đẩy tiến độ triển khai Đề án đầu tư 01 triệu căn nhà ở xã hội, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội; nghiên cứu xây dựng gói 30 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội từ nguồn trái phiếu chính phủ và ngân sách địa phương cho vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Phát triển thị trường bất động sản là nút thắt cần tháo gỡ (ảnh: TL)

Liên quan đến phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, Bộ KH&ĐT cho biết, đến ngày 30/9/2024, các bộ, cơ quan và địa phương đã phân bổ chi tiết 664,9 nghìn tỷ đồng, đạt 98,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 13,03 nghìn tỷ đồng. Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh 8,4 nghìn tỷ đồng từ các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hoặc không giải ngân được sang các bộ, ngành, địa phương khác.
Ước thanh toán đến 30/9/2024 đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 51,38%). Bên cạnh các bộ, địa phương giải ngân tốt như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Yên Bái, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Tiền Giang, Long An… còn 31 bộ, cơ quan và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình cả nước…



Nguồn