Chi tiết

9 thách thức phát triển bền vững cho dịch vụ logistics hàng không

Vận tải hàng không phục hồi mạnh mẽ

Chia sẻ tại “Diễn đàn Dịch vụ logistics hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam” tổ chức sáng 26/12 tại Hà Nội, ông Võ Huy Cường – nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, năm 2024 ngành HKVN đã đạt lại được mức phát triển của năm 2019 – vốn được xem là đỉnh cao của ngành trước khi bước vào giai đoạn suy thoái do dịch COVID-19.

Theo đó, sản lượng vận chuyển quốc tế cả năm 2024 ước tính đạt hơn 41 triệu khách (tăng khoảng 27% so năm 2023; tương đương sản lượng năm 2019). Về thị phần khai thác vận chuyển quốc tế, các hãng HKVN vẫn duy trì ổn định trên 42%; trong đó, Vietnam Airlines chiếm 18% và Vietjet chiếm khoảng 24% thị phần với hệ số sử dụng ghế bình quân đạt gần 80%. Dự báo thị trường vận tải hàng không quốc tế đến/đi từ Việt Nam trong năm 2025 tiếp tục tăng trưởng trên 10% so với 2024.

Lý giải về nguyên nhân của sự phục hồi này, ông Cường cho biết trước hết là việc Việt Nam đã tạo lập và duy trì được vị thế, hình ảnh một điểm đến an toàn, đặc biệt là bảo đảm an ninh, an toàn hàng không;

Ngành HKVN cũng đã được trao chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 – Category 1 (CAT 1). Với chứng chỉ này, các hãng bay nước ngoài cảm thấy an tâm khi đến Việt Nam.

Cùng với đó, thủ tục cấp thị thực của Việt Nam hiện nay được đánh giá thông thoáng so với các nước trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam.

Quang cảnh Diễn đàn (ảnh: Thanh Thanh)

Đặc biệt, kể từ sau đại dịch, Chính phủ, Bộ GTVT và nhà chức trách HKVN đã tích cực trao đổi với các đối tác nước ngoài để khôi phục các đường bay quốc tế bị đứt gãy do dịch bệnh. Điều này góp phần tạo dựng niềm tin của các hãng bay nước ngoài về sự đồng hành và trách nhiệm của Việt Nam

Cơ sở hạ tầng hàng không cũng không ngừng được nâng cấp, mở rộng. Các cơ quan quản lý quan tâm, quyết liệt triển khai tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không khai thác phân bổ lịch bay, điều phối khai thác phù hợp; tạo thuận lợi cho hành khách trong việc di chuyển bằng đường hàng không như nâng cao chất lượng phục vụ tại Cảng hàng không sân bay, đơn giản hoá các thủ tục xuất nhập cảnh quốc tế…

Nguyên Phó Cục trưởng Cục HKVN cũng đặc biệt nhấn mạnh sự cạnh tranh và nỗ lực tăng khai thác, mở đường bay mới của các hãng HKVN và nước ngoài. Ông cho biết, chỉ có 4 hãng hàng không với 2 hãng chủ lực (Vietnam Airlines, Vietjet) nhưng đã khai thác đến 98 đường bay quốc tế đến 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong khi đó, có đến 72 hãng bay nước ngoài của 30 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác 124 đường bay quốc tế đi và đến Việt Nam (trong đó Trung Quốc có 13 hãng, Hàn Quốc có 10 hãng; Đài Loan và Hồng Kông có 5 hãng…

“Chúng ta có đủ năng lực cạnh tranh quốc tế và sẵn sàng cạnh tranh. Có 2 hãng có sức cạnh tranh rất lớn là Vietjet Air và Vietnam Airlines đều đang đàm phán với các đối tác để bổ sung đội tàu…”, ông Cường cho biết thêm.

Các hãng HKVN sẵn sàng cạnh tranh quốc tế (ảnh; ITN)

9 thách thức phát triển bền vững

Bên cạnh thuận lợi như cơ sở hạ tầng hàng không không ngừng được nâng cấp, mở rộng, xây mới, đặc biệt là dự án trọng điểm quốc gia xây mới Cảng HKQT Long Thành; Năng lực vận tải và cạnh tranh của các hãng từng bước phục hồi và nâng cao sau các đợt tái cấu trúc thì HKVN vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể như sau:

Thứ nhất, tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt khả năng xung đột vũ trang cục bộ có thể leo thang, lan rộng ở châu Âu và Trung Đông tiếp tục có ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế toàn cầu giai đoạn phục hồi sau Dịch COVID-19.

Thứ hai, các biện pháp cấm vận kinh tế, đóng cửa không phận tiếp tục tác động tiêu cực tới hoạt động vận tải hàng không liên lục địa (Việt Nam đi châu Âu, Bắc Mỹ). Việc phải bay vòng tránh không phận Nga, không phận các vùng có xung đột vũ trang sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng cho việc kết nối giữa Việt Nam với châu Âu và Bắc Mỹ.

Thứ ba, đứt gãy các chuỗi cung ứng về nguyên liệu làm giảm đáng kể năng lực cung cấp các tàu bay thế hệ mới an toàn, tiết kiệm nhiên liệu thay thế đội tàu bay cũ lần lượt phải đưa ra khỏi khai thác do yêu cầu về bảo vệ môi trường, hiệu quả khai thác. Ông Cường cho biết, nếu đặt mua tàu bay Boeing hôm nay, lịch giao tàu có thể khả thi từ năm 2032…

Thứ tư, chi phí khai thác các chuyến bay chắc chắn sẽ tăng cao do yêu cầu thực hiện nhiên liệu hàng không bền vững – SAF để giảm phát khí thải. “Hiện tại giá nhiên liệu SAF đang cao hơn nhiên liệu hàng không từ đến 2 lần là thách thức không nhỏ đối với các vận chuyển hàng không nội địa và quốc tế. Do đó, giá vé máy bay khó có điều kiện giảm…”- ông Cường nhận định.

Hành khách làm thủ tục hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: NIA

Thứ năm, các yêu cầu đảm bảo an ninh hàng không không chỉ giới hạn trong sân bay, các cơ sở hạ tầng trọng yếu của ngành hàng không, tàu bay mà mở rộng ra phạm vi không giới hạn với nguy cơ tấn công vào hàng không dân dụng từ tội phạm mạng đến các loại UAV… (như sự cố sập mạng ở HK Mỹ, sập nguồn ATC…)

Thứ sáu, biến đổi khí hậu có bão, nhiễu động bất thường….

Thứ bảy, nguy cơ các dịch bệnh quy mô lớn vẫn hiện hữu. (Vụ 323 lọ vi rút ở Úc, các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học ở Ukraina…).

Thứ tám, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong ngành HKVN (đặc biệt lực lượng lao động đặc thù gồm phi công, kỹ sư, thợ máy tàu bay, kiểm soát viên không lưu) luôn luôn là thách thức thường trực, trong đó có việc đảm bảo đủ nguồn nhân lực cho khai thác Cảng HKQT Long Thành trong tương lai…

Thứ chín, sự thay đổi bức tranh về thị trường nguồn khách truyền thống đòi hỏi phải có sự nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp và linh hoạt khai thác trở lại khi điều kiện cho phép…

“Đây là những khó khăn, thách thức mà chúng ta, đặc biệt các Hàng hàng không phải có sự chuẩn bị để có phương án chủ động…”- nguyên Phó Cục trưởng Cục HKVN lưu ý.

Diễn đàn là nơi để các doanh nghiệp lữ hành, hãng hàng không, và các đơn vị logistics chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng sáng tạo (ảnh: Thanh Thanh)

Logistics hàng không hỗ trợ phát triển du lịch
Tại Diễn đàn, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng BCSI nhấn mạnh vai trò của dịch vụ logistics hàng không trong việc mở rộng thu hút du lịch khách quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam.
Viện trưởng BCSI cho biết, trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút khách du lịch quốc tế, Việt Nam đang tích cực khai thác các điểm mạnh chiến lược để tăng cường khả năng cạnh tranh.
Điển hình là ngày 18/05/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch, trong đó có việc cải thiện hạ tầng và dịch vụ logistics, bao gồm logistics hàng không, để nâng cao trải nghiệm du khách và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam.
Ngày 24/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị Về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững. Trong đó, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, bao gồm Bộ GTVT, nghiên cứu và triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không và logistics, hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam.
Chính vì vậy, Diễn đàn là nơi để các doanh nghiệp lữ hành, hãng hàng không, và các đơn vị logistics chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng sáng tạo nhằm tối ưu hóa dịch vụ du lịch và logistics, thảo luận các mô hình hợp tác hiệu quả, phát triển các gói dịch vụ tích hợp logistics và du lịch để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách quốc tế. Bên cạnh đó, diễn đàn sẽ giúp định hình rõ hơn chiến lược phát triển logistics hàng không nhằm hỗ trợ du lịch, đề xuất các chính sách hỗ trợ và các mô hình liên kết nhằm thúc đẩy ngành du lịch và logistics phát triển bền vững…



Nguồn