(ĐTCK) Mùa công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 được dự báo sẽ tiếp tục cải thiện nhưng có sự phân hóa, các chuyên gia sẽ điểm tên những nhóm ngành được kỳ vọng tăng trưởng cao và dự báo có mức định giá cổ phiếu hấp dẫn.
Dù chưa có sự bứt phá mới nhưng khép lại tuần giao dịch vẫn ghi nhận mức tăng 2% trong trạng thái đối lập giữa phiên sáng khá hưng phấn nhưng sang phiên chiều lại có phần “tụt áp”. Đâu là góc nhìn của ông/bà về xu hướng của thị trường trong tuần tới?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, CTCK AgriBank
Nhìn lại kết quả giao dịch tuần qua, thị trường liên tục có những phiên tăng điểm sớm và tiến lên vùng 1.290 sau đó thu hẹp đà tăng về cuối ngày. Nhưng tổng quan lại, VN-Index vẫn di chuyển theo hướng Sideway Up khi có tới 4/5 phiên tăng và kết tuần tăng gần 26 điểm so với tham chiếu đầu tuần.
Thanh khoản giao dịch bình quân 3 sàn đạt mức gần 26.000 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ 2% so với tuần trước. Điểm nhấn là dòng tiền liên tục luân chuyển giúp các nhóm ngành đều có cơ hội tăng giá. Chúng tôi cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục lan tỏa cho đến khi dần ổn định nhờ tìm ra nhóm dẫn dắt sau quá trình phân hóa.
Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Trong tuần qua dòng tiền đổ vào thị trường vẫn tiếp tục được duy trì khá ổn định với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt khoảng 21.000 tỷ đồng, tuy vậy chỉ số thường xuyên đối diện với áp lực chốt lãi gia tăng khi tiệm cận vùng kháng cự tại 1.290 – 1.300 điểm.
Với việc các nỗi lo về tỷ giá USD/VND bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt khi tỷ giá tính đến ngày 07/06 đang ghi nhận ở mức 25.410 VND cho thấy các biện pháp can thiệp của NHNN đang phát huy hiệu quả đồng thời tâm lý của các nhà đầu tư cũng dần ổn định hơn, chỉ số VN-Index được dự báo sẽ áp sát kháng cự tại 1.300 điểm trong tuần tới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co quanh mức hiện tại và nếu chỉ số VN30 vượt được mức 1.310 điểm thì xu hướng ngắn hạn có thể tích cực hơn trong những phiên giao dịch tới.
Trong trường hợp việc vượt bất thành của chỉ số VN30 thì thị trường vẫn nghiêng về kịch bản đi ngang. Ở thời điểm hiện tại, kịch bản giảm sâu được đánh giá thấp khi rủi ro ngắn hạn từ lạm phát và lãi suất đang có xu hướng hạ nhiệt.
Ông Nguyễn Thế Minh |
Với diễn biến tích cực từ thị trường chứng khoán toàn cầu và tình hình vĩ mô trong nước có phần ổn định khiến nhiều chuyên gia cho rằng, VN-Index sẽ giữ vững đà tăng và có cơ hội vượt đỉnh 1.300 điểm trong một vài tuần tới. Quan điểm của ông/bà như thế nào?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, CTCK AgriBank
Những áp lực gần đây của thị trường liên quan tới tỷ giá, giá vàng đã phần nào hạ nhiệt. Trong khi đó, nền kinh tế vĩ mô trong nước đang trên đà hồi phục từ đầu năm với các điểm sáng như sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực hơn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023; hoạt động thương mại xuất nhập khẩu phục hồi trong đó kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 15%, kim ngạch nhập khẩu tăng 18% so với cùng kỳ.
Các yếu tố trên đều đang ủng hộ cho xu hướng tăng của thị trường sẽ tiếp tục được duy trì. VN-Index có thể sớm trở lại vùng 1.300 điểm, nhất là khi nhóm ngành vốn hóa lớn như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản đang dần hồi phục trở lại và có nhịp củng cố lại mốc hỗ trợ ngắn hạn.
Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Tại ngày 07/06, chỉ số VN-Index hiện đang giao dịch tại mức P/E 14.44 lần, khá gần với mức trung bình 5 năm qua của thị trường. Tuy vậy, bức tranh về nền kinh tế vĩ mô trong giai đoạn hiện nay đang mở ra nhiều triển vọng về việc lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng mạnh trở lại, qua đó kéo giảm mức P/E dự phóng trong tương lai, qua đó giúp khả năng chỉ số VN-Index vượt kháng cự mạnh 1.300 điểm trong một vài tuần tới là hoàn toàn khả thi.
Triển vọng đầu tiên đến từ việc các bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản (gồm Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản) dự kiến áp dụng sớm từ ngày 01/08 sẽ góp phần cải thiện sự phục hồi trở lại của thị trường bất động sản. Điều này không chỉ cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản mà còn giúp các ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng nợ xấu đồng thời tự tin hơn trong việc đẩy nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng (mới chỉ đạt khoảng 2,4% tính đến cuối tháng 5).
Ngoài ra, triển vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng dự kiến sẽ cải thiện từ nửa cuối năm 2024 khi ngày càng nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới bắt đầu phát đi các tín hiệu về việc hạ lãi suất, qua đó giúp nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu tăng trưởng trở lại. Đặc biệt, các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng được kỳ vọng gia tăng mức độ cạnh tranh về giá bán so với các đối thủ cạnh tranh khi Mỹ dự kiến công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vào tháng 7.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng kịch bản vượt 1.300 điểm của chỉ số VN-Index được đánh giá cao hơn, mặc dù thị trường vẫn có thể đi ngang quanh mức hiện tại thêm vài phiên tới. Hiện nay, rủi ro từ lạm phát và lãi suất đã hạ nhiệt dần, đặc biệt các ngân hàng trung ương đang bắt đầu giai đoạn nới lỏng trở lại, điều này sẽ củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư vào các tài sản rủi ro, trong đó có kênh cổ phiếu.
Tuy nhiên, hiện nay dòng tiền chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu Upcom khiến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang chưa xác nhận xu hướng rõ ràng, đây cũng chính là rào cản khiến chỉ số VN-Index chưa vượt được mức 1.300 điểm, tôi kỳ vọng hiện tượng “Fomo” ở nhóm Upcom này cũng sẽ sớm kết thúc và dòng tiền cũng sẽ sớm quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng 35.844 tỷ đồng, lớn hơn lượng bán ròng 22.800 tỷ đồng cả năm 2023. Xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp diễn trong tuần đầu tháng 6. Bất chấp áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại, thị trường chứng khoán ghi nhận hồi phục khá tốt cả về mặt điểm số và thanh khoản cho thấy, dòng vốn nội đang “cân” cả thị trường. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về chuyển động dòng vốn ở thời điểm hiện tại?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, CTCK AgriBank
Ông Nguyễn Anh Khoa |
Trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 6, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng và tính từ đầu năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 37.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Điều này cho thấy động thái bán ròng của khối ngoại đã kéo dài từ đầu năm 2024 và thậm chí từ năm 2023. Vốn ngoại cũng đang rút ròng mạnh tại hầu hết các quỹ ETF với hơn 8.000 tỷ đồng từ đầu năm 2024 tới hết tháng 4.
Mặc dù vậy, VN-Index vẫn có diễn biến tích cực khi tăng khoảng 14% từ đầu năm với động lực đến từ dòng vốn nội. Tôi cho rằng với quy mô thanh khoản tăng nhanh như hiện tại cùng với sự phát triển của nhóm nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đã không còn tác động đến thị trường nhiều như trước.
Nhà đầu tư không nên quá lo lắng về động thái bán ròng của khối ngoại, thay vào đó tập trung vào các doanh nghiệp và ngành nghề có lợi nhuận tăng trưởng, còn nhiều tiềm năng tăng giá trong thời gian sắp tới.
Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Với việc giá vàng trong nước giảm mạnh sau khi NHNN thay đổi phương pháp để bình ổn thị trường vàng đồng thời lãi suất huy động tại các ngân hàng chỉ vừa trở về mức trung bình nhiều năm, hiện dòng tiền có hai kênh đầu tư chính để hướng đến là chứng khoán và bất động sản.
Trong đó, với lợi thế có thanh khoản cao và có hiệu suất sinh lời khá tốt tính từ đầu năm 2024 (khoảng 13,95%), kênh chứng khoán dự báo vẫn là kênh thu hút được sự tham gia đông đảo của giới đầu tư.
Theo dữ liệu từ VSD, thị trường đã có hơn 132,000 tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 5, nâng tổng số tài khoản lên mức hơn 7,9 triệu – mức cao nhất trong lịch sử. Sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân là động lực chính giúp thị trường hấp thụ được lực bán mạnh từ khối ngoại khi nhóm này bán ròng hơn 35.000 tỷ đồng tính từ đầu năm 2024.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng khối ngoại có thể giảm bán ròng dần trong thời gian tới khi áp lực tỷ giá USD/VND đang có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi đó dòng tiền nội của các nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm vai trò dẫn dắt thị trường trong thời gian tới. Ngoài ra, dòng vốn ngoại có thể sẽ quay trở lại thị trường trong thời điểm cuối năm khi tỷ giá tiếp tục hạ nhiệt.
Ở thời điểm hiện tại, có thể dự báo kết quả kinh doanh quý 2 của các nhóm ngành như thế nào, theo ông? Điều này có thể tác động đến diễn biến của từng nhóm cổ phiếu?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, CTCK AgriBank
Tiếp đà phục hồi về lợi nhuận của thị trường kéo dài từ quý IV/2023, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý II/2024 sẽ tiếp tục cải thiện nhưng có sự phân hóa rõ nét hơn.
Bước sang quý II/2024, cơ hội tìm kiếm các nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận cao dần khan hiếm hơn, yếu tố nền kết quả kinh doanh thấp cùng kỳ sẽ không còn là câu chuyện chính.
Tuy nhiên tôi vẫn duy trì đánh giá một số nhóm ngành có thể tăng trưởng tích cực nhờ các yếu tố sau. (1) Hoạt động thương mại xuất nhập khẩu phục hồi với tổng trị giá xuất khẩu tăng 15% và tổng trị giá nhập khẩu tăng 18% so với cùng kỳ; (2) Mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp giúp kích cầu tiêu dùng và tiết giảm chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp; (3) Nhiều doanh nghiệp tăng quy mô nguồn vốn, tài sản, mở rộng công suất đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế.
Qua đó, một số nhóm ngành kỳ vọng có lợi nhuận tăng trưởng cao trong quý II/2024 có thể kể đến như nhóm Bán lẻ; Thép; Xuất khẩu; Xây dựng; Công nghệ thông tin – Viễn thông và Dầu khí.
Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Ông Lâm Gia Khang |
Hiện nay nhà đầu tư có thể chia kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý II sắp tới của các doanh nghiệp niêm yết thành hai nhóm. Nhóm một bao gồm các ngành có mức nền so sánh thấp trong năm 2023 (như nhóm bán lẻ, ô tô, bất động sản, xây dựng, thép, dệt may, thủy sản…).
Với nhóm này, kết quả kinh doanh quý II năm nay chắc chắn sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, tuy vậy nhà đầu tư cần theo dõi chất lượng lợi nhuận từ các số liệu trong báo cáo tài chính để đánh giá khả năng phục hồi trong các khung thời gian dài hơn.
Trong đó, nhóm hai sẽ bao gồm các nhóm ngành đã phát đi các tín hiệu phục hồi sớm hơn (như nhóm ngân hàng, chứng khoán, dầu khí…). Đối với nhóm này, nhà đầu tư cần đánh giá triển vọng dài hạn của nhóm các doanh nghiệp và theo dõi mức định giá P/E để xem các yếu tố này đã được phản ánh đầy đủ vào giá cổ phiếu hay chưa để có hành động phù hợp khi số liệu này được công bố.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Nhìn chung, các doanh nghiệp đang giữ đà tăng trưởng trong năm nay. Tín hiệu tích cực từ nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nhóm xuất khẩu và FDI khi hưởng lợi từ đà hồi phục các nền kinh tế lớn và sự dịch chuyển FDI cho nên tôi đánh giá tăng trưởng sẽ duy trì ở nhóm doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, dệt may và vật liệu xây dựng.
Đồng thời, nhóm lĩnh vực sản xuất công nghệ, dịch vụ dầu khí, thực phẩm, hóa chất, vận tải và bán lẻ cũng có thể hồi phục tăng trưởng so với cùng kỳ. Ngoài ra, trong nhóm tài chính thì chứng khoán vẫn là nhóm dẫn đầu tăng trưởng, trong khi đó nhóm Ngân hàng có thể phân hóa.
Vậy dựa trên các yếu tố đã phân tích trên, đâu là nhóm cổ phiếu vẫn còn mức định giá hấp dẫn, theo các ông/bà?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, CTCK AgriBank
Kể từ đầu năm 2024, thị trường chứng khoán đang trong xu hướng tăng điểm với mức tăng của VN-Index đạt khoảng 14%. Trong đó nhiều nhóm ngành đã có mức tăng mạnh từ đầu năm có thể kể đến như Công nghệ thông tin (+44%); Bán lẻ (+40%); Dầu khí (+23%)…
Với việc nhiều nhóm ngành có mức tăng mạnh của giá cổ phiếu trong khi mức độ phục hồi và tăng trưởng của lợi nhuận chưa theo kịp khiến định giá của một số nhóm ngành đã không còn ở mức thấp.
Một trong số những nhóm ngành có định giá còn ở mức thấp so với thị trường có thể kể đến là nhóm ngân hàng với P/E 9,8x lần và P/B 1,5x lần. Đây là mức định giá tương đối hấp dẫn của nhóm ngân hàng so với thị trường chung và so với quá khứ nhiều năm gần đây của nhóm ngành này.
Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Dựa theo các phân tích trên, nhà đầu tư có thể cân nhắc tham gia vào nhóm cổ phiếu bất động sản nhà ở và xây dựng dân dụng, với kỳ vọng các bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản được áp dụng từ ngày 1/8 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ bán hàng (với nhóm bất động sản nhà ở) và cải thiện các khó khăn về nguồn vốn của chủ đầu tư, qua đó cải thiện tiến độ xây dựng các dự án (với nhóm xây dựng dân dụng).
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc vào nhóm các cổ phiếu xuất khẩu như dệt may và thủy sản, đặc biệt là xuất khẩu vào thị trường Mỹ, với kỳ vọng chính đến từ câu chuyện Mỹ chính thức công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vào tháng 7/2024.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Xét về định giá thì hiện nay tôi cho rằng nhóm định giá thấp có thể như Ngân hàng, chứng khoán, sản xuất thực phẩm, hóa chất, thép, công nghệ.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/goc-nhin-chuyen-gia-chung-khoan-tuan-moi-don-song-mua-cong-bo-tai-chinh-quy-ii2024-post346890.html