Chi tiết

Vì sao chỉ khách hàng lớn được mua điện trực tiếp không qua EVN?

 

Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA). Trong đó, cho phép các nhà máy điện gió, điện mặt trời được phép bán trực tiếp cho khách hàng thông qua đường dây riêng hoặc lưới quốc gia.

Năng lượng tái tạo giúp thúc đẩy nhiều mặt kinh tế - xã hội tại Ninh Thuận

Khách hàng lớn mới được mua “điện sạch” trực tiếp không qua EVN

Tại dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương cho hay nguồn cung ứng là các nhà máy năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) công suất trên 10 MW nếu nối lưới hoặc không giới hạn công suất nếu qua đường dây riêng.

Đáng chú ý, Dự thảo quy định bên mua trong cả 2 trường hợp là tổ chức, cá nhân dùng điện sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng từ 500.000 kWh.

Góp ý dự thảo Nghị định trên, Sở Công Thương Yên Bái đề nghị Bộ Công Thương làm rõ hơn với các khách hàng sử dụng điện thấp hơn mức quy định sử dụng điện lớn sẽ được mua điện trực tiếp như thế nào, nhất là một số nơi tập trung nhiều các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ, các cơ sở nằm ngoài khu, cụm công nghiệp…

Tuy nhiên, Bộ Công Thương phản hồi, với các khách hàng sử dụng điện thấp hơn mức quy định sử dụng điện lớn sẽ không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này.

Theo Bộ Công Thương, sản lượng trung bình hàng tháng đã có trong định nghĩa khách hàng sử dụng điện lớn (hiện tại khách hàng sử dụng điện lớn lưới điện phân phối đang được định nghĩa khoản 17 Điều 3 Thông tư số 39/2015/TT-BCT có sản lượng từ 1.000.000 kWh/tháng trở lên.

Tuy vậy, để mở rộng số lượng đối tượng khách hàng tham gia cơ chế, đơn vị này giảm mốc sản lượng tiêu thụ xuống mức tối thiểu 500.000 kWh/tháng.

Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị, với mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, tác động đến hệ thống điện quốc gia không đáng kể. Do đó, VCCI đề nghị mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu tham gia, thay vì giới hạn vào nhóm khách hàng sử dụng điện lớn.

Theo Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC), việc sớm ban hành cơ chế DPPA là vô cùng cấp thiết đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có các công ty Hoa Kỳ.

Vì vậy, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tha thiết khuyến nghị Bộ Công Thương nhanh chóng hoàn thành các thủ tục liên quan để Nghị định này được ban hành sớm nhất có thể.

Về mặt nguyên tắc, USABC nhấn mạnh DPPA cần tạo độ mở và linh hoạt cho các bên tham gia, tránh đưa vào các yêu cầu kĩ thuật quá chi tiết gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực tế.

“Bên mua nên được trao quyền tự thương thảo đối với hầu hết các điều khoản trong hợp đồng mua bán. Xác định chi phí lưới điện được hạch toán rõ ràng trong một khoảng thời gian xác định” – USABC đề nghị.

Báo cáo đánh giá tác động của DPPA, Bộ Công Thương cho biết khảo sát cho thấy 24 dự án năng lượng tái tạo (công suất đặt 1.773 MW) mong muốn tham gia; 17 dự án (công suất đặt 2.836 MW) cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng và 26 dự án trả lời không có nhu cầu tham gia.

Về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của bên mua điện (khách hàng sử dụng điện là các tổ chức đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên): Phiếu khảo sát đã gửi tới 41 khách hàng, trong đó có 20 khách hàng trả lời mong muốn tham gia cơ chế DPPA với tổng nhu cầu 996MW (ước tính).

Source link