Đạm Cà Mau: Nhà máy Hàn Việt đã có lãi sau 1 tháng tiếp quản, sắp tiến đến miền Trung
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC hay Đạm Cà Mau, HOSE: DCM) đã thông qua kế hoạch kinh doanh thận trọng, đi lùi cả về doanh thu và lợi nhuận so với thực hiện năm trước.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Đạm Cà Mau. Ảnh: Châu An
|
Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Trần Ngọc Nguyên cho biết năm 2023 sản lượng ure đạt kỷ lục với 956 ngàn tấn sản xuất, cao hơn năm trước 4%; sản lượng tiêu thụ hơn 866 ngàn tấn, tăng nhẹ.
Tuy nhiên do giá phân bón giảm mạnh, lợi nhuận của DCM lùi sâu so với cùng kỳ. Dẫu vậy, mức lãi ròng hơn 1 ngàn tỷ (bằng 1/4 năm trước) vẫn giúp ROE đạt trên 10%, mức “cao hơn lãi suất ngân hàng”, theo ông Nguyên.
Nguồn: DCM
|
Với kết quả từ năm trước, DCM đặt mục tiêu thận trọng hơn với doanh thu gần 11.9 ngàn tỷ đồng, giảm 6% so với thực hiện năm trước. Lãi sau thuế kế hoạch gần 795 tỷ đồng, giảm hơn 28%. Mục tiêu nộp ngân sách gần 228 tỷ đồng.
Kết quả các năm và kế hoạch 2024 của DCM |
Theo Doanh nghiệp, năm 2024, nền kinh tế thế giới dự báo còn nhiều khó khăn, khi các động lực tăng trưởng toàn cầu đều đã tới hạn. Dự báo lạm phát sẽ giảm, nhưng xung đột địa chính trị vẫn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt đối với ngành năng lượng và lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam được dự báo khá lạc quan, và Doanh nghiệp cho rằng đây là thời điểm để tăng tốc, thực hiện các mục tiêu đề ra theo kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Chỉ tiêu sản lượng năm nay dự tính 892 ngàn tấn sản xuất Urê quy đổi, và 180 ngàn tấn NPK. Về sản lượng kinh doanh, kế hoạch Urê đạt 789 ngàn tấn, đạm chức năng 110 ngàn tấn, NPK 180 ngàn tấn, và phân bón tự doanh 248 ngàn tấn.
Nguồn: DCM
|
Dù đặt mục tiêu thận trọng, kết quả quý 1/2024 của DCM tươi sáng so với mức nền thấp năm trước. Trong quý 1, DCM đạt hơn 2.7 ngàn tỷ đồng doanh thu, gần như đi ngang so với cùng kỳ; lãi ròng 346 tỷ đồng, tăng hơn 51%. Doanh nghiệp thực hiện được 24% kế hoạch doanh thu và 44% mục tiêu lãi sau thuế năm.
Nhà máy phân bón Hàn – Việt có lãi sau 1 tháng tiếp quản, tháng 7 vào thị trường miền Trung
Theo thông cáo nhà đầu tư tháng 4/2024, DCM cho biết sản lượng sản xuất Urê trong tháng đã giảm nhẹ so với tháng trước, đạt gần 83 ngàn tấn; tiêu thụ giảm 56%, đạt hơn 63 ngàn tấn. Xét theo thị trường tiêu thụ, sản lượng tiêu thụ Urê trong nước đạt hơn 44 ngàn tấn, tăng 46% so với tháng trước; sản lượng xuất khẩu giảm 83%, còn 19 ngàn tấn.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, sản lượng Urê sản xuất đạt 333 ngàn tấn, sản lượng tiêu thụ đạt 325 ngàn tấn, tương ứng thực hiện 37% và 43% kế hoạch năm. Trong khi đó, sản lượng sản xuất NPK đạt hơn 63 ngàn tấn, tiêu thụ đạt hơn 8.4 ngàn tấn, tương ứng thực hiện gần 34% và 5% kế hoạch cả năm.
Trong tháng 5/2024, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu sản lượng sản xuất và tiêu thụ Urê lần lượt gần 81 ngàn tấn và 65 ngàn tấn, đồng thời dự kiến sản lượng sản xuất gần 25 ngàn tấn NPK và tiêu thụ đạt 30 ngàn tấn.
Năm nay, DCM dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1.6 ngàn tỷ đồng, với gần 58% là vốn chủ. Toàn bộ được sử dụng để đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị.
Trong tháng 4, DCM đã tiếp quản 100% vốn tại Công ty TNHH Phân bón Hàn – Việt (KVF) – đơn vị có vốn điều lệ 2.1 ngàn tỷ đồng, sở hữu nhà máy phân bón có tổng mức đầu tư 60 triệu USD. Tại đại hội, Tổng Giám đốc Văn Tiến Thanh cho biết việc mua lại KVF nhằm mục đích tăng sản lượng sản xuất phân bón NPK. Bên cạnh đó là vì KVF có vị trí chiến lược, nằm cách cảng Hiệp Phước chỉ 500 m, thuận lợi trung chuyển hàng hoá và đóng góp cho quá trình hoàn thiện nền tảng logistics.
Nhà máy phân bón Hàn-Việt
|
Ông Thanh chia sẻ nhà máy này đã có lợi nhuận sau 1 tháng tiếp quản. Dự kiến, việc có thêm nhà máy KVF sẽ giúp DCM có thêm khoảng 60-70 ngàn tấn NPK trong năm 2024.
“Công suất thiết kế của KVF là 180,000 tấn/dây chuyền, tổng 2 dây chuyền, được đưa vào vận hành từ 2018, lỗ liên tục, chỉ 1 năm có lãi gộp. Nhưng sau khi tái cấu trúc và đưa vào hệ sinh thái chung của DCM thì đã có lãi trong tháng 5” – trích chia sẻ của ông Thanh.
Bên cạnh đó, ông Thanh cho biết Công ty đã mua lại, tu sửa một kho có diện tích 1.4ha, (tổng diện tích 2.9ha). Dự kiến sẽ đưa kho này vào khai thác trong tháng 7, để xâm nhập vào thị trường miền Trung. Ngoài ra, DCM đã đầu tư vào kho Nhơn Trạch, gần nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4, có quy hạch cảng quốc tế 30,000 tấn. Đây là nền tảng để hoàn thiện logistics.
Doanh nghiệp cho biết sẽ đẩy mạnh các dự án đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm các sản phẩm khí công nghiệp từ nguồn khí off-gas hiện hữu, nghiên cứu các sản phẩm “xanh hóa” như CO2 thực phẩm, Hydro xanh, Amoniac xanh, Methanol xanh… theo xu thế chuyển dịch năng lượng. Trước mắt, tháng 12/2024 sẽ có sản phẩm đầu tiên về thu hồi và sản xuất CO2 chất lượng cao. Ngoài ra là nâng công suất phân xưởng amonia lên 125% công suất thiết kế. Hydro xanh cũng sẽ được nghiên cứu sản xuất để đưa vào sản xuất, thay vì hydro từ nguồn hydrocarbon.
Đối với kế hoạch phân phối lợi nhuận, đại hội thông qua mức 20% cho năm 2023, và 10% cho năm 2024.
Chính sách thuế VAT giúp thu về 230-270 tỷ đồng
Theo chia sẻ của ông Thanh, vấn đề thuế VAT phân bón đã được các doanh nghiệp trong ngành được đề nghị nhiều năm. Trong cuộc họp đầu năm, Quốc hội đã thảo luận, và hiệp hội tài chính đã thông qua Hiệp hội Phân bón để thu thập thông tin từ các đơn vị kinh doanh phân bón, qua đó dự kiến sẽ áp dụng thuế VAT phân bón vào đầu năm 2025.
“Khi chưa áp dụng, toàn bộ chi phí không được khấu trừ. Khi áp dụng VAT sẽ được khấu trừ, ít nhất là dôi ra 2%, để giảm giá thành xuống. Năm 2024 hoặc 2025 có thể được hoàn 230-270 tỷ đồng”, theo ông Thanh.