Chuyển động tại Legamex: Chủ mới lộ diện có giúp xoay chuyển tình thế?
CTCP Giày da và May mặc Xuất khẩu (Legamex, UPCom: LGM) vừa chứng kiến sự thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông. Điểm nhấn là màn trao tay gần 73% cổ phần LGM giữa nhóm cổ đông lớn và doanh nghiệp “2 tháng tuổi” của nam CEO 9x.
Dịch chuyển cơ cấu cổ đông lớn
Ngày 10/05, nhóm cổ đông lớn gồm 5 cá nhân nắm giữ tổng cộng 72.67% vốn LGM đã chuyển nhượng toàn bộ, qua đó thoái sạch vốn khỏi Legamex. Bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Dệt may và Thương mại Hà Nam (gọi tắt là Công ty Hà Nam).
Cụ thể, bà Dư Nguyễn Khánh Linh đã chuyển nhượng gần 1.69 triệu cp LGM, tương đương 22.77% vốn; ông Đỗ Văn Huy chuyển nhượng gần 1.66 triệu cp (tỷ lệ 22.41%); bà Bùi Thị Thủy Chung chuyển gần 1.34 triệu cp (tỷ lệ 18.08%) và ông Nguyễn Hoàng Vi chuyển 696,000 cp (tỷ lệ 9.41%). Chiều ngược lại, Công ty Hà Nam nhận chuyển nhượng gần 5.4 triệu cp (72.67% vốn LGM). Trước đó, Công ty không sở hữu cổ phiếu nào.
Phiên 10/05, thị trường ghi nhận gần 5.4 triệu cp LGM giao dịch thỏa thuận, bằng đúng lượng nêu trên. Giá trị thương vụ 81.2 tỷ đồng, tương đương hơn 15,000 đồng/cp, cao hơn 14% so với giá đóng cửa cùng ngày là 13,300 đồng/cp.
Trước đó, Công ty Hà Nam đã được ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Legamex (diễn ra ngày 25/04) chấp thuận việc nhận sở hữu cổ phần mà không phải chào mua công khai, căn cứ thư kiến nghị ngày 02/04 của nhóm cổ đông lớn sở hữu 72.67% vốn và đây cũng là bên chuyển cổ phần.
Công ty Hà Nam chỉ mới được thành lập vào ngày 25/03/2024, trước thời gian tổ chức đại hội 1 tháng; địa chỉ tại 265 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM; hoạt động chính trong lĩnh vực hoạt động tư vấn quản lý; vốn điều lệ 90 tỷ đồng.
Đứng sau doanh nghiệp non trẻ này là ông Đỗ Văn Huy, sở hữu 80% vốn (tương ứng góp 72 tỷ đồng) và bà Bùi Thị Thủy Chung 20%. Ông Đỗ Văn Huy, sinh năm 1992, đang làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật Công ty.
Đáng nói, ông Huy và bà Chung cũng chính là 2 cá nhân trong nhóm cổ đông lớn chuyển quyền sở hữu cổ phần của Legamex cho Công ty Hà Nam. Như vậy, đây được xem là giao dịch chuyển từ sở hữu cá nhân sang tổ chức liên quan.
Bà Chung chỉ mới làm cổ đông lớn của Legamex vào ngày 02/01/2024, sau khi mua gần 1.1 triệu cp và nâng sở hữu từ 3.3% lên 18.08%. Cùng thời gian bà Chung thành cổ đông lớn, từ ngày 25/12/2023 – 02/01/2024, CTCP Dệt may Gia Định (Giditex) đã thoái toàn bộ gần 1.9 triệu cp LGM, tương ứng 25.5% vốn và không còn là cổ đông của Legamex vào ngày 03/01.
Trước đó, Giditex quyết bán sạch 50% cổ phần Legamex từ ngày 28/04 – 19/05/2023 nhưng bất thành, do không đạt mức giá như phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Phải tới lần giao dịch thứ hai, từ 15 – 20/06/2023, tổ chức này mới bán thành công một nửa cổ phần đăng ký.
Đây cũng là thời điểm, Legamex đón thêm 2 cổ đông lớn cá nhân gồm ông Đỗ Văn Huy và ông Nguyễn Hoàng Vi. Ngày 20/06/2023, ông Huy báo cáo mua vào 1.65 triệu cp LGM và nâng sở hữu từ 0.11% lên 22.41%; còn ông Vi mua 552,500 cp, nâng sở hữu từ 1.78% lên 9.25%.
Nhiều biến động ở thượng tầng lãnh đạo
Từ sự kiện Giditex rời đi, ngày 05/01/2024, loạt lãnh đạo cấp cao của Legamex đã nộp đơn xin từ nhiệm, gồm ông Lê Xuân Khanh – Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Thị Diễm My – Thành viên HĐQT, ông Phạm Ngọc Hiếu – Trưởng Ban kiểm soát, ông Lâm Thanh Xuân – Thành viên Ban kiểm soát và bà Tạ Thị Hồng Thắm – Thành viên Ban kiểm soát.
Trước đó, bà Dư Nguyễn Khánh Linh – Thành viên HĐQT Legamex cũng xin từ nhiệm vào ngày 13/07/2023. Như vậy, toàn bộ thành viên HĐQT và Ban kiểm soát Legamex nhiệm kỳ 2021-2026 đã từ nhiệm.
5 cá nhân từ nhiệm ngày 05/01 đều là người có liên quan Giditex. Trong đó, ông Lê Xuân Khanh là Chánh Văn phòng HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Giditex; bà Nguyễn Thị Diễm My là Kế toán trưởng; ông Phạm Ngọc Hiếu là Trưởng Ban kiểm soát; ông Lâm Thanh Xuân là Chuyên viên kế toán tổng hợp và bà Tạ Thị Hồng Thắm là Kiểm soát viên.
Với tình hình trên, ngày 27/02, HĐQT Legamex đã triệu tập ĐHĐCĐ bất thường 2024 và nhất trí thông qua miễn nhiệm Thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, ĐHĐCĐ đã bầu bổ sung 3 Thành viên HĐQT cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ, gồm ông Nguyễn Hoàng Vũ, bà Nguyễn Lê Hồng Ngọc và ông Lê Hồng Chiến.
Trong đó, ông Vũ làm Chủ tịch HĐQT kiêm Thành viên Ủy ban Kiểm toán trực thuộc HĐQT, bà Ngọc làm Thành viên độc lập HĐQT kiêm Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán.
Đến ngày 05/03, HĐQT Legamex quyết định tái bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc Công ty đối với ông Lê Hồng Chiến, thời hạn 12 tháng, kể từ ngày 11/03/2024. Ông Chiến cũng là Tổng Giám đốc Giditex và người liên quan hiếm hoi của tổ chức này tại Legamex sau khi Giditex rút chân.
Cùng ngày, HĐQT Legamex miễn nhiệm chức Người phụ trách quản trị Công ty đối với bà Trần Thị Xuân Mẫn và Đỗ Thị Hồng.
Chủ mới có giúp xoay chuyển tình thế thua lỗ kéo dài?
Giữa loạt biến động, Legamex trải qua chuỗi ngày kinh doanh đầy khó khăn. Từ khi trở thành công ty đại chúng, doanh thu hàng năm duy trì trăm tỷ đồng, nhưng lợi nhuận vô cùng khiêm tốn, thậm chí là lỗ.
Năm 2023, Legamex đánh dấu lỗ năm thứ 5 liên tiếp với mức lỗ kỷ lục gần 63 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2023 lên trên 133 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 46 tỷ đồng.
Nguồn cơn bắt đầu từ cuối tháng 9/2022, Legamex đứt gãy đơn hàng gia công tủ vải cho Gilimex (hệ quả liên đới từ lùm xùm Gilimex khởi kiện Amazon).
Thời điểm đó, Công ty tập trung chuyển đổi toàn bộ nguồn lực sang sản xuất gia công may mặc thời trang, dẫn đến năng suất sản xuất thấp, doanh thu không đủ bù lương và các khoản phúc lợi của sản xuất, lợi nhuận gộp âm. Năm 2023, doanh thu của Legamex chỉ đạt hơn 31 tỷ đồng, lao dốc 76% so với năm trước.
Năm 2024, Legamex đặt mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập hơn 56.6 tỷ đồng, dự kiến lỗ gần 41 tỷ đồng, trên cơ sở duy trì các đơn hàng may mặc hiện có, giữ chân người lao động và chờ thị trường dệt may hồi phục.
Vào cuối tháng 5, HĐQT Legamex thông qua ký kết 3 hợp đồng gia công với Giditex để giao hàng gia công hàng may mặc thời trang, gồm quần dài nữ (jean), áo, quần học sinh. Tổng giá trị hợp đồng dự kiến 3 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của ông Lê Hồng Chiến – Tổng Giám đốc Legamex tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, điều kiện tiên quyết để Công ty duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, không bị cưỡng chế hóa đơn và thực hiện được kế hoạch đề ra là phải thu hồi công nợ từ Giditex.
Tính tới 31/12/2023, Giditex nợ Legamex 16.26 tỷ đồng. Đây là số tiền cần phải thu hồi sớm để Công ty có tiền trả nợ thuế cho Nhà nước, để không bị cưỡng chế hóa đơn, bổ sung dòng tiền nhằm tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển đổi đa dạng mặt hàng.
Hiện nay, Legamex đang nợ thuế hơn 50 tỷ đồng; trong đó, số tiền thuê đất tính đến ngày 31/12/2023 là gần 43 tỷ đồng, tiền chậm nộp tiền thuê đất hơn 7 tỷ đồng.
Công ty đã bị Cơ quan thuế áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng để cưỡng chế thuế. Trong năm 2023, Legamex đã nộp khoảng 18 tỷ đồng tiền thuê đất và hơn 1 tỷ đồng tiền khác, nhưng số nợ đến cuối năm 2023 vẫn còn rất lớn.
Ông Chiến cũng nhấn mạnh về khả năng Cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế mạnh hơn đối với Legamex, đặc biệt là cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn. Khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty sẽ bị ngưng toàn bộ, khách hàng chấm dứt hợp đồng, không tiếp tục giao đơn hàng, vì Legamex vi phạm pháp luật về thuế và không thể xuất hóa đơn.
Cổ phiếu LGM bị HNX “tuýt còi”
Sau nhiều lần bị nhắc nhở vì chậm lên sàn, 7.4 triệu cp LGM lần đầu giao dịch trên UPCoM vào ngày 18/12/2019, với giá tham chiếu 7,400 đồng/cp. LGM từng đạt đỉnh hồi giữa tháng 3/2022, quanh vùng 28,000 đồng/cp (giá điều chỉnh), gần gấp 2 lần thị giá hiện tại (15,000 đồng/cp).
Trong bối cảnh trên, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoàng Vũ đã đăng ký mua 300,000 cp LGM từ ngày 16/05 – 14/06, nhằm mục đích đầu tư cá nhân để nâng sở hữu từ 0% lên 4.054%. Tạm tính theo giá hiện tại, lượng cổ phiếu trên có giá khoảng 4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cổ phiếu LGM hiện chỉ được phép giao dịch vào phiên chiều các ngày trong tuần, do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định đưa mã này vào diện cảnh báo và hạn chế giao dịch kể từ ngày 09/04/2024.
Nguyên nhân do BCTC năm của Legamex bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ 3 năm liên tiếp trở lên và vốn chủ sở hữu âm trong BCTC kiểm toán 2023. Cụ thể, kiểm toán có ý kiến ngoại trừ về việc Công ty vốn hóa chi phí tiền thuê đất trong năm, liên quan đến dự án Lega Fashion House tại địa chỉ số 106 đường 3/2, phường 14, quận 10, TPHCM trong thời gian dự án tại khu đất đã tạm ngừng triển khai.
Tổng Giám đốc Lê Hồng Chiến cho biết, hiện tại, tiền thuế đất phải trả hàng năm cho Nhà nước hơn 8.9 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn, vượt khả năng tài chính hiện nay của Công ty, trong khi dự án chậm triển khai do vướng mắc về quy hoạch từ năm 2013 đến nay. Định hướng trong thời gian tới, Công ty sẽ tìm kiếm đối tác mới có năng lực để hợp tác đầu tư, giải quyết các vướng mắc tồn đọng và triển khai dự án.
|