Giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (13/6) do đồng USD mạnh lên, dù khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tăng đáng kể sau một báo cáo nữa cho thấy lạm phát dịu đi. Một số chuyên gia cho rằng hoạt động chốt lời cũng là một nguyên nhân khiến giá vàng thiếu chút nữa không giữ được mốc chủ chốt 2.300 USD/oz.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch tại New York, giá vàng giao ngay giảm 20,6 USD/oz so với chốt phiên trước, tương đương giảm gần 0,9%, chốt ở mức 2.304,9 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Lúc gần 9h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 2,4 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, tương đương tăng 0,1%, giao dịch ở mức 2.304,7 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 70,7 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Vàng tụt giá do đồng USD mạnh lên. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng hơn 0,5%, chốt phiên ở mức 105,2 điểm.
Về phần mình, đồng USD được hỗ trợ bởi sự cứng rắn của Fed và nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh thuế quan giữa châu Âu và Trung Quốc.
Hôm thứ Tư, Fed dự báo chỉ giảm lãi suất 1 lần trong năm nay, thay cho dự báo sẽ có 3 lần giảm lãi suất trong cả năm mà ngân hàng trung ương này đưa ra trong lần cập nhật hồi tháng 3.
Cùng ngày thứ Tư, Liên minh châu Âu (EU) áp thuế quan mới lên tới 38% đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Giới quan sát lo ngại động thái này có thể dẫn tới sự trả đũa từ Bắc Kinh và dẫn tới một cuộc chiến thương mại tàn khốc giữa hai bên. Thị trường chứng khoán châu Âu và đồng euro đã giảm mạnh trong phiên ngày thứ Năm, với chỉ số Stoxx 600 sụt hơn 1,3% và euro mất giá 0,64% so với USD.
Tuy nhiên, mức giảm của giá vàng đã được hãm lại và mốc chủ chốt 2.300 USD/oz được duy trì nhờ một báo cáo thống kê nữa cho thấy lạm phát ở Mỹ tiếp tục dịu đi.
Báo cáo đến từ Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Năm cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 5 giảm 0,2% so với tháng trước, thay vì tăng 0,1% như dự báo mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Và theo dữ liệu hàng tuần của cơ quan này, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng – một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động bớt thắt chặt.
Trước đó một ngày, một báo cáo khác từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng yếu hơn so với dự báo.
Mặc dự báo cứng rắn của Fed về lãi suất, đặt cược của thị trường vào khả năng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 đang tăng lên. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, thị trường đang đặt cược khả năng 60,5% Fed hạ lãi suất vào tháng 9.
Cùng với đó, khả năng Fed hạ lãi suất 2 lần trong năm nay, với tổng lượng giảm 0,5 điểm phần trăm, cũng tăng cao hơn so với phiên trước.
Phản ánh những dịch chuyển này trong kỳ vọng lãi suất, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm tụt về 4,2442%, từ mức 4,295% ở thời điểm cuối phiên trước.
“Việc giá vàng không thể tăng sau các số liệu kinh tế có lợi trong tuần này nói lên một điều rằng đang có hoạt động chốt lời trên diện rộng”, nhà giao dịch kim loại quý độc lập Tai Wong ở New York nhận định với hãng tin Reuters.
“Trung Quốc có thể quay trở lại mua vàng khi giá giảm, nhưng không rõ đâu là mức giá mà họ sẽ mua vào. Họ đã không mua từ khi giá vượt 2.300 USD/oz”, ông Wong nói thêm.