Bình luận Thị trường vàng tháng 5 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) nêu rõ đà tăng liên tục của giá vàng trong tháng 5, với mức tăng 2% lên 2.348 USD/ounce, đánh dấu mức tăng hàng tháng thứ ba liên tiếp.
Mặc dù có mức tăng nhẹ hơn so với tháng 3 và tháng 4, giá vàng vẫn đạt mức cao nhất lịch sử là 2.427 USD/ounce vào giữa tháng 5 trước khi quay đầu giảm. Tình hình sôi động trên thị trường đã đưa vị thế tiền được quản lý dài hạn của các nhà đầu tư trên sàn COMEX (sàn giao dịch hàng hóa tương lai tại Mỹ) lên mức cao nhất trong 4 năm qua, và các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF) ghi nhận dòng vốn ròng chảy vào đạt 529 triệu USD, lần đầu tiên kể từ tháng 5-2023.
Mô hình Phân bổ Lợi nhuận Vàng (GRAM) của WGC không chỉ ra một biến số nào chi phối hiệu suất của vàng trong tháng 5. Các yếu tố tích cực bao gồm đà tăng giá vàng và đồng đô la Mỹ yếu, nhưng tác động không đáng kể. Yếu tố lớn nhất vẫn là thành phần không thể giải thích, có thể do hoạt động mua bán vàng phi tập trung, không qua sàn giao dịch và sức mua mạnh mẽ của khối ngân hàng trung ương.
Các quỹ ETF được hỗ trợ bằng vàng đã ghi nhận dòng tiền chảy vào hàng tháng đầu tiên kể từ tháng 5-2023 với tổng giá trị đạt 529 triệu đô la Mỹ, làm tăng danh mục tổng tài sản được quản lý (AUM) lên 2% đạt 234 tỉ đô la Mỹ, mức cao nhất kể từ tháng 4-2022. Tuy nhiên, số lượng vàng trong quỹ vẫn còn thấp hơn 8,2% so với mức trung bình trong năm 2023.
Các quỹ ETF ở châu Âu và châu Á đã thúc đẩy dòng tiền toàn cầu, trong đó châu Á ghi nhận dòng tiền hàng tháng thứ 15 liên tiếp với số tiền 398 triệu đô la Mỹ trong tháng 5 dù được xem là mức thấp nhất kể từ tháng 11-2023. Trong khi đó, Trung Quốc dẫn đầu về nhu cầu vàng trong khu vực do giá vàng trong nước đạt mức cao kỷ lục và đồng nội tệ suy yếu, trong khi Nhật Bản ghi nhận dòng tiền chảy vào mạnh mẽ nhờ giá vàng trong nước hấp dẫn.
Châu Á đã thu hút 2,6 tỉ đô la Mỹ đến thời điểm này trong năm 2024, trở thành khu vực duy nhất có dòng tiền vào các quỹ ETF, và tổng tài sản quản lý của các quỹ châu Á đã tăng 41%, mức cao nhất trong lịch sử.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới cho biết “Tình hình thị trường vàng phụ thuộc vào dữ liệu về tăng trưởng và lạm phát của Mỹ. Vào tháng 5, đồng đô la Mỹ đã đảo chiều sau nhiều đợt tăng giá kéo dài từ đầu năm 2024 khi lạm phát có xu hướng giảm, giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh lãi suất. Sự suy yếu của đồng đô la Mỹ có thể có lợi cho vàng. Ngoài ra, đồng đô la Mỹ bị chi phối mạnh bởi dữ liệu kinh tế kém lạc quan hơn và tốc độ tăng trưởng toàn cầu đang diễn ra bên ngoài Mỹ có thể làm giảm hiệu suất của đồng tiền này.”
Gần đây, vàng gần như đã vượt qua đồng đô la Mỹ khi người mua ở các thị trường mới nổi dường như ít chú ý hơn đến đồng đô la Mỹ hoặc những kỳ vọng về chính sách tiền tệ của phương Tây, đồng đô la suy yếu trong tương lai có thể thu hút các nhà đầu tư phương Tây quay lại thị trường vàng, những người đang chờ đợi một cú hích.