>>> Quản lý gia sản cá nhân: Tạo nền tảng dân trí tài chính
Câu hỏi được đặt ra để tìm câu trả lời và giải pháp nào cho vấn đề này, là yêu cầu “không lúc này thì bao giờ” đối với cả ngành bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam.
TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), cho biết qua nhiều năm hình thành và xây dựng, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã từng bước phát triển, dần thay đổi nhận thức của người dân, các tổ chức đơn vị kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước.
Đến nay, tỷ lệ dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ ngày càng tăng; các hãng bảo hiểm hàng đầu quốc tế đều đã có mặt tại Việt Nam, mạng lưới hoạt động của nhiều tập đoàn bảo hiểm đã phủ khắp 63 tỉnh, thành phố, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ ngày càng đa dạng và phong phú, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng, tạo số lượng việc làm lớn cho người lao động, nộp thuế cho ngân sách nhà nước không ngừng tăng lên.
Phát biểu tại diễn đàn “Hoạch định tài chính cá nhân 2024 – Giải pháp nâng cao chất lượng nhân sự của ngành bảo hiểm nhân thọ” vừa được Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) cùng Trường Đại học Văn Lang tổ chức, TS Lê Minh Nghĩa nhận định, với dân số 100 triệu người, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh suốt hơn 1 thập kỷ vừa qua, thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ tầng lớp trung lưu trở lên trong tổng dân số cũng tăng khá nhanh, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh những năm tới.
Tuy vậy, Chủ tịch VFCA đặt câu hỏi: “Mặc dù lợi ích của bảo hiểm nhân thọ mang lại cho mỗi cá nhân, gia đình người dân, quốc gia lớn và đã được khẳng định, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đang dần trở thành sản phẩm tài chính thiết yếu của mỗi cá nhân sau cái đói, cái rét, cái thất học, nhưng tại sao ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn không thể phát triển, bứt tốc đúng với tiềm năng?”.
Theo đó, ông cho rằng có nhiều nguyên nhân để lý giải vấn đề này. Trong đó, nguyên nhân chính cho sự thăng trầm của thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 2023-2024 chính là niềm tin bị đánh tráo bởi cả người bán lẫn người mua và người thụ hưởng.
Chính các hãng bảo hiểm cũng nhận định thị trường hiện nay là giai đoạn: “Bán hàng phải đi cùng tư vấn tài chính chuẩn”, tức là người bán (nhà tư vấn bảo hiểm nhân thọ) buộc phải nâng cao tính chuyên nghiệp, nâng tầm hiểu biết về hoạch định tài chính cá nhân, tư vấn cho khách hàng lựa chọn giải pháp/sản phẩm phù hợp nhất với bức tranh tài chính toàn diện của khách hàng”
TS Nghĩa cho rằng đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của 4 bên: cơ quan quản lý Nhà nước, các hãng bảo hiểm, người hành nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ và dân trí tài chính. Để khơi thông dòng chảy cho các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của các hãng bảo hiểm đến được với cá nhân thụ hưởng, thúc đẩy xã hội phát triển văn minh và bền vững, Chủ tịch VFCA nhân mạnh đã đến lúc câu chuyện nâng tầm chất lượng tư vấn bảo hiểm nhân thọ đến đúng chuẩn cho khách hàng cần phải được thảo luận và tìm giải pháp tháo gỡ một cách căn cơ và đồng bộ.
>>> ĐIỂM BÁO NGÀY 22/3: Quản lý gia sản cá nhân
Tăng cường niềm tin khách hàng
Ở góc độ của cơ quan quản lý, ông Đào Trung Kiên, Phó Viện trưởng Viện phát triển bảo hiểm Việt Nam (Cục quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính), cho biết, việc áp dụng hoạch định tài chính cá nhân mang lại nhiều lợi ích trong việc cải thiện năng lực của các tư vấn viên bảo hiểm và đại lý bảo hiểm, cũng là một trong những giải pháp hiệu quả cho thực trạng hiện tại của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.
Theo đó, các tư vấn viên không chỉ cần nâng cao kiến thức chuyên môn về bảo hiểm mà còn cần mở rộng hiểu biết toàn diện về đầu tư, tín dụng, thuế và hưu trí để đưa ra những tư vấn chính xác, phù hợp với tình hình tài chính và nhu cầu thực tế của khách hàng, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường niềm tin của khách hàng vào sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
“Để đảm bảo một thị trường kinh doanh bảo hiểm phát triển lành mạnh, minh bạch và hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế”, ông Đào Trung Kiên chia sẻ.
Ông cũng khẳng định hiện Bộ Tài chính đang tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật để răn đe, tăng tính tuân thủ của các doanh nghiệp; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về lĩnh vực bảo hiểm.
Mặt khác, Bộ Tài chính cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc giám sát hoạt động các đại lý bảo hiểm, đặc biệt các đại lý bảo hiểm là các ngân hàng để đảm bảo kênh phân phối này phát triển lành mạnh, đúng hướng, trong đó có ký kết quy chế phối hợp công tác giữa Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm) và Ngân hàng Nhà nước.
Tháo điểm nghẽn, nâng cấp tư vấn
Theo ông Ngô Thành Huấn, Thạc sĩ ngành Hoạch định tài chính cá nhân (Financial Planning) tại Úc, đồng thời là Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT, để đánh giá thực trạng ngành, trước hết phải nhìn nhận bối cảnh phát triển trong nước và quốc tế.
Ông Huấn cho biết trên thế giới, ngành bảo hiểm nhân thọ trên thế giới cơ bản được chia thành 3 giai đoạn với phương thức và chất lượng tư vấn được nâng cấp khác nhau.
Cụ thể, giai đoạn 1 – thuần sản phẩm là giai đoạn người tư vấn chỉ thuần tập trung vào lợi ích sản phẩm cho người dùng, đóng vai trò giải thích tính năng sản phẩm, do đó không thể kỳ vọng nhiều vì ở giai đoạn này thị trường tài chính và nhu cầu quản lý tài chính của người dân chưa phát triển. Phần lớn các quốc gia tại châu Phi hay tại Đông Nam Á là Campuchia, Lào và Myanmar được xếp ở giai đoạn 1.
Giai đoạn 2 – bán sản phẩm có tư vấn tài chính, là giai đoạn sản phẩm cần đi cùng với bức tranh tài chính cá nhân toàn diện của khách hàng, được người tư vấn nêu ra và là một phần tất yếu của dịch vụ tư vấn. Để làm được điều này, ông Ngô Thành Huấn cho rằng năng lực của người đại lý bảo hiểm cần được nâng lên một tầm cao mới với tên gọi chuyên viên tư vấn tài chính.
Khi đó, người tư vấn được trang bị kiến thức, kỹ năng về hoạch định tài chính cá nhân để giúp khách hàng xây dựng kế hoạch bảo vệ tài chính phức tạp hơn trong mối tương quan với đầu tư, quản lý dòng tiền. Khi nhu cầu từ thị trường cao hơn thì các yếu tố về đạo đức nghề nghiệp cũng sẽ được thiết lập ở mức nghiêm ngặt.
Việt Nam được các định chế bảo hiểm hàng đầu thế giới như Prudential xếp vào giai đoạn 2 kể từ năm 2021, so với Singapore hay Đài Loan đã vào giai đoạn 2 trong vài chục năm qua.
Sau cùng, giai đoạn 3 – bảo hiểm được phân phối từ các nhà hoạch định tài chính cá nhân chuyên nghiệp (tiếng Anh là Financial Planner), các cường quốc như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,… là đang trong giai đoạn này. Ở giai đoạn 3, các sản phẩm bảo hiểm sẽ tự chảy trong dòng chảy của tài chính theo nhu cầu của người dân.
Ông Huấn cũng nhận định Việt Nam đang có 3 điểm nghẽn lớn trong hoạt động tư vấn tài chính. Một là chênh lệch về cán cân năng lực. Theo đó, Giám đốc FIDT cho rằng, đang có một sự mất đối xứng trong đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ, các chương trình đào tạo đang nghiêng về người bán hơn là người mua. Ngoài ra, vẫn tồn tại nhiều khoảng cách giữa tiêu chuẩn đầu vào của đại lý bảo hiểm so với khung năng lực của tư vấn tài chính (Financial Planner).
Thứ hai là đang có tình trạng thiếu tiêu chuẩn hành nghề phù hợp với giai đoạn thúc đẩy tư vấn tài chính cá nhân, đơn cử như chứng chỉ kiến thức tài chính cá nhân, khung năng lực và đạo đức hành nghề, hành lang pháp lý,…
Thứ ba là điểm nghẽn về trì hoãn giải quyết vấn đề cốt lõi. Theo ông Ngô Thành Huấn, tâm lý khai thác giai đoạn 1 đang trì hoãn việc thúc đẩy thị trường lên giai đoạn 2. Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở việc trì hoãn xây dựng chính sách và năng lực tư vấn tài chính cá nhân cho đội ngũ nhân lực.
PGS.TS Nguyễn Tiến Hoàng, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng trường Đại học Văn Lang, cũng bày tỏ, trên thế giới đã có nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Hoạch định tài chính cá nhân, tuy nhiên ở Việt Nam hiện tại chưa có ngành này. Hiện Trường Đại học Văn Lang đang chuẩn bị để sớm nhất trong năm học tới kỳ vọng sẽ chính thức đưa vào chương trình đào tạo ngành học này để không những cung ứng cho thị trường lao động nhân sự có chất lượng cao mà còn tham gia hữu ích vào việc nâng cao kiến thức về quản lý tài chính trong cộng đồng, hướng đến hoàn thành mục tiêu phát triển tài chính toàn diện theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đánh giá của bạn: