Việc thi hành sớm hơn 5 tháng các luật liên quan bất động sản sẽ tạo áp lực lớn cho địa phương khi ban hành văn bản hướng dẫn, nhất là với Luật Đất đai, theo Ủy ban Kinh tế.
Chiều 19/6, thừa ủy quyền Chính phủ, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đọc tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật: Đất đai 2024, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản 2023 và Các tổ chức tín dụng 2023.
Theo đó, Chính phủ đề xuất cho phép 3 luật liên quan thị trường bất động sản, là Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và hai điều (200 và 210) Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/8, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội tại kỳ họp hồi tháng 1. Riêng một số quy định chuyển tiếp tại 7 điều (từ điều 253 đến 260) Luật Đất đai vẫn có hiệu lực từ 1/1/2025.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho hay, việc cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn sẽ khắc phục những tồn tại trong định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư – vốn là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm. Về phía doanh nghiệp, người dân sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.
Tuy vậy, khi thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lo ngại việc thi hành sớm hơn 5 tháng các luật này sẽ tạo áp lực lớn cho các địa phương về tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn trước ngày 1/8, nhất là với Luật Đất đai.
“Trường hợp các địa phương không thể hoàn thành các văn bản hướng dẫn có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thi hành luật, nhất là Luật Đất đai, do có nhiều nội dung quan trọng đã được phân cấp cho địa phương”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận xét.
Chẳng hạn, quy định các tiêu chí để quyết định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương quy định tại khoản 1 Điều 126… Thậm chí, theo ông Thanh, một số địa phương quan ngại việc khó ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn khi luật có hiệu lực sớm, nên đề nghị giữ nguyên hiệu lực của luật.
Luật Đất đai có 16 văn bản quy định, trong đó 9 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng và 6 thông tư. Đến nay, Chính phủ mới ban hành được một nghị định. Với Luật Nhà ở, 7 văn bản quy định chi tiết cũng chưa có. Luật Kinh doanh bất động sản có 4 văn bản hướng dẫn, hiện chưa ban hành văn bản nào.
Nêu ý kiến tại tổ chiều nay, nhiều đại biểu băn khoăn tính cấp thiết khi thi hành sớm các luật liên quan bất động sản. Ông Nguyễn Thành Nam (Phó đoàn Phú Thọ) cho rằng điều kiện thi hành Luật từ ngày 1/8, như tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật… là chưa rõ ràng.
Ông Nam cho biết hiện mới có tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Trung ương, còn địa phương thì chưa. “Chính phủ báo cáo là địa phương đang triển khai nhưng địa phương có căn cứ gì mà làm? Hiện nay nghị định của Chính phủ chưa có, thông tư của các bộ ngành cũng chưa, địa phương không biết thế nào mà triển khai”, ông Nam nói.
Tương tự, ông Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ nói việc thực thi các luật, đặc biệt là Luật Đất đai, là rất khó khi địa phương phải chờ xây dựng nghị định, thông tư.
“Tôi là Bí thư, vừa là Chủ tịch HĐND, nhưng chưa thấy mặt ngang mũi dọc một văn bản nào của Trung ương. Các đồng chí báo cáo các địa phương đang triển khai, vậy triển khai trên cơ sở gì?”, ông Châu nói.
Nếu đưa các luật liên quan bất động sản hiệu lực sớm từ 1/8, ông Châu nói các địa phương còn đúng một tháng nữa từ khi kết thúc kỳ họp này. Trong khi, họ phải tuân thủ quy trình, quy định để triển khai các luật này, như thông qua từ cơ quan chuyên môn, ban cán sự đảng, sau đó đến Thường trực, Ban thường vụ Tỉnh ủy, rồi HĐND thực hiện.
“Làm tắt mà sai thì chúng ta phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây là thực, nếu Ủy ban Kiểm tra kết luận chúng ta vi phạm nghiêm trọng quy chế làm việc. Ai dám nghĩ, dám làm, dám tự quyết như thế. Không ai dám cả”, ông Châu nói.
Ngoài lo ngại về hiệu quả khi thi hành sớm các luật, Ủy ban Kinh tế khi thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ đánh giá tác động việc sử dụng đất, sở hữu nhà của người nước ngoài và kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp có một phần vốn nước ngoài.
“Chính phủ cần phân tích, so sánh chi phí, lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, cũng như tác động tiêu cực với phát triển kinh tế xã hội trong trường hợp thi hành sớm các luật này”, ông Vũ Hồng Thanh nêu. Theo ông, việc đó nhằm làm rõ tính tối ưu và ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khi trình trước Quốc hội cho biết Chính phủ đã giao các bộ rà soát, đánh giá tác động vướng mắc có thể phát sinh, gồm doanh nghiệp đang làm dự án đầu tư có sử dụng đất, để có phương án phù hợp. Việc này đảm bảo không gây khó khăn, vướng mắc cho quản lý đất đai, nhà ở, thị trường bất động sản, cũng như quyền lợi của tổ chức, cá nhân.
“Các văn bản quy định chi tiết đã được xây dựng theo đúng trình tự, được rà soát nhiều lần, nhiều vòng để hoàn thiện, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi khi dự thảo luật được thông qua”, ông Khánh nói.
Dù vậy, ông Trần Công Phàn (Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam) nhận xét “không biết cái lợi của việc rút ngắn này so với việc thực hiện theo hiệu lực cũ ở chỗ nào”. Ông đề nghị Quốc hội cân nhắc giữa được và mất khi các luật này có hiệu lực sớm hơn 5 tháng.
“Các luật có hiệu lực sớm nhưng không đủ điều kiện để thực hiện thì không giải quyết vấn đề gì. Thời điểm này cũng không phải quá cấp bách để làm việc này”, ông Phàn lưu ý.
Dự kiến ngày 29/6 Quốc hội sẽ biểu quyết, thông qua dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đất đai 2024, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Các tổ chức tín dụng 2023.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/uy-ban-kinh-te-dia-phuong-chiu-ap-luc-lon-khi-thi-hanh-som-3-luat-bat-dong-san-4760225.html