Chi tiết

Các “ông bà chủ” khát thông tin ESG

Nhiều ngành xuất khẩu, nhất là dệt may, nếu chậm chuyển đổi xanh sẽ đối mặt với nguy cơ bị đối thủ giành mất đơn hàng.

(ĐTCK) Chưa năm nào, yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) lại được các cổ đông quan tâm nhiều như năm 2024. ESG đã trở thành vấn đề nóng của doanh nghiệp ở tất cả các ngành nghề trước yêu cầu phát triển bền vững.

ESG lan toả mọi nhóm ngành

Ngân hàng là ngành đi theo định hướng ESG từ sớm và năm 2023, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là đơn vị đầu tiên công bố báo cáo riêng về phát triển bền vững, thay vì lồng ghép trong báo cáo thường niên.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, trước câu hỏi của cổ đông về lợi ích mà ESG mang lại, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB cho biết, hầu hết các doanh nghiệp FDI hay quỹ nước ngoài hiện nay đều quan tâm đến báo cáo phát triển bền vững và đây là xu hướng rõ ràng trên thế giới.

ACB có báo cáo riêng về phát triển bền vững giúp Ngân hàng nhận được đánh giá tốt từ các cổ đông nước ngoài và các doanh nghiệp, từ đó phát triển thêm mảng tín dụng xanh theo đúng định hướng. Việc cung cấp vốn tín dụng xanh sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp có điều kiện phát triển bền vững.

“Đương nhiên, việc thực hành ESG tốn chi phí, nhưng tôi tin đây là chi phí phù hợp và đảm bảo sự phát triển trong thời gian dài”, ông Huy nói.

Tương tự, các cổ đông Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) quan tâm đến tình hình triển khai ESG của Ngân hàng. Ban lãnh đạo HDBank cho hay, năm nay, với yếu tố E (môi trường), Ngân hàng sẽ triển khai mạnh mẽ hoạt động báo cáo ESG đầy đủ, hướng đến mục tiêu ngân hàng phát thải ròng bằng 0. Với yếu tố G (quản trị), Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank đang là thành viên hội đồng quản trị độc lập. Với yếu tố S (xã hội), Ngân hàng đã và đang đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, đặc biệt trong phát triển các sản phẩm tài chính dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) do phụ nữ làm chủ.

Đối với Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam, cổ đông doanh nghiệp này quan tâm đến việc liên kết, hợp tác với các quỹ trong vấn đề kinh tế xanh.

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị BaF Việt Nam chia sẻ, xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Công ty xác định ngay từ đầu chiến lược sản xuất – kinh doanh bền vững, đảm bảo yếu tố môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, xử lý nước thải… Đây cũng là tiêu chí của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) khi đầu tư vào BaF Việt Nam, đồng thời là nền tảng để doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường quốc tế. Nhiều quỹ từ Pháp, Singapore, Thái Lan… đang quan tâm đến Công ty, dự kiến một số thương vụ sẽ được hiện thực hóa trong năm 2024, cung cấp nguồn vốn xanh với chi phí thấp.

Nói đến ESG, không thể không nhắc đến các doanh nghiệp dệt may. Đây là nhóm cảm nhận rõ nhất sự ảnh hưởng của ESG trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, khi các nhà sản xuất đối mặt với nguy cơ mất đơn hàng từ các đối tác quốc tế nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn ESG.

Theo ông Đào Đức Thanh, Trưởng ban Kiểm toán nội bộ, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), năm 2016, Hội đồng quản trị TNG đã thành lập tiểu ban quản lý các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.

Từ đó đến nay, TNG không ngừng triển khai các hoạt động phát triển bền vững để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Năm 2024, TNG dự kiến triển khai thêm 45 chuyền may, tương đương tăng 15% tổng công suất, các dự án đầu tư mới đều hướng đến đảm bảo tiêu chí ESG.

Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ, khách hàng chưa yêu cầu về ESG, nhưng doanh nghiệp vẫn đi trước một bước, đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững để không bị thụ động về sau. Với định hướng này, Sợi Thế Kỷ đã tham gia các chương trình giảm phát thải, thông qua sử dụng năng lượng sạch, tăng tỷ trọng sợi tái chế, tiết kiệm điện, tuần hoàn và tái sử dụng nước, tái sử dụng ống giấy…

Từ các ngân hàng, công ty sản xuất đến công ty dịch vụ đều nhận được sự quan tâm của cổ đông về ESG, khi nhận thấy vấn đề này đang có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực vận tải, Công ty cổ phần Vận tải sản phẩm khí quốc tế (Gas Shipping) cũng được cổ đông đề cập đến vấn đề tuân thủ ESG. Ban lãnh đạo Gas Shipping cho biết, việc thiết lập lộ trình đầu tư dài hạn với kế hoạch đầu tư các tàu mới và hiện đại, sử dụng nguồn nhiên liệu sạch và giảm mức tiêu thụ nhiên liệu là một trong các giải pháp của doanh nghiệp trong việc bước đầu đáp ứng các tiêu chí ESG, nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh, uy tín thương hiệu cả trong và ngoài nước.

ESG trên thế giới “hạ nhiệt”, nhưng vẫn cấp thiết với doanh nghiệp Việt

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến ESG, đây là xu hướng chung của thế giới. Các sản phẩm muốn xuất khẩu sang các thị trường quốc tế buộc phải đáp ứng đến các tiêu chuẩn về ESG, đặc biệt là ngành dệt may, da giày do chậm chuyển đổi xanh nên bị đối thủ giành mất nhiều đơn hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh.

“Chưa kể đến chiến lược chuyển đổi xanh của Việt Nam thì ESG đóng vai trò quan trọng, nên chắc chắn nhà đầu tư phải quan tâm và các doanh nghiệp cũng sẽ phải thực hành ESG”, ông Huân nói.

Liên quan đến dòng vốn xanh trên thế giới, theo nghiên cứu mới đây của Barclays – nhà cung cấp dịch vụ tài chính lớn trên toàn cầu, nhà đầu tư đã rút ròng khoảng 40 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán tập trung vào tính bền vững hay quỹ ESG trong năm nay – năm đầu tiên dòng vốn có xu hướng tiêu cực trên cả thị trường Mỹ và châu Âu.

Trong khi chỉ vài năm trước đó, các nhà đầu tư bị thu hút mạnh mẽ bởi những quảng cáo “có cánh” như quỹ ESG có thể giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn, đồng thời kiếm được nhiều tiền, thậm chí nhiều hơn cả danh mục chứng khoán truyền thống.

Báo cáo tháng 5/2024 của JPMorgan cho biết, trong 12 tháng trước đó, các quỹ đầu tư bền vững toàn cầu ghi nhận tỷ suất lợi nhuận 11%, thấp hơn mức 21% của các quỹ cổ phiếu thông thường, làm nản lòng một số nhà đầu tư.

Mặc dù dòng vốn có động thái rút khỏi các quỹ cổ phiếu ESG, song theo Barclays, các quỹ trái phiếu ESG có 13 tháng liên tiếp đón dòng vốn đổ vào tính đến tháng 4/2024, riêng 4 tháng đầu năm 2024 là 22 tỷ USD.

Việt Nam đang trong giai đoạn đầu thực hành ESG khi các thị trường xuất khẩu “khó tính” đòi hỏi sản phẩm xanh và để chứng minh được điều này, ông Huân cho rằng, chỉ số E trong ESG của doanh nghiệp phải cao.

Do đó, dù “cơn sốt” ESG trên thế giới có hạ nhiệt thì đây vẫn là xu hướng buộc các doanh nghiệp Việt phải tuân theo. Hiện tại, tỷ lệ các doanh nghiệp chủ động thực hiện ESG chưa cao, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn thực hiện. Một số doanh nghiệp có nhiều tuyên bố về ESG, nhưng mức độ thực hiện chưa tương ứng.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, các doanh nghiệp tiên phong thực hành ESG tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, đặc biệt liên quan đến chi phí. Việc này cho thấy, doanh nghiệp cần có chiến lược hiệu quả để thực hiện quá trình chuyển đổi xanh.

Các tiêu chuẩn ESG, nhất là liên quan đến phát thải, có thể khó thực hiện, các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp trở ngại nhiều hơn, nhưng nếu thực hiện tốt việc chuyển đổi số, quá trình này sẽ không khó.

Đồng quan điểm, ông Đào Đức Thanh cho hay, thách thức đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may là việc đầu tư kinh phí vào các hệ thống như hệ thống năng lượng mặt trời, xử lý nước thải, lọc không khí, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG, hoặc giảm lượng khí thải từ lò hơi đốt than bằng cách chuyển sang lò hơi điện hay sử dụng năng lượng sạch.

Với quy mô khoảng 20.000 lao động và 15 chi nhánh may tại nhiều địa bàn, TNG cần một lộ trình chi tiết để thực hiện các thay đổi này tại từng chi nhánh và đơn vị. Tổng mức đầu tư để chuyển đổi sang mô hình Net Zero rất lớn, nên TNG kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và tổ chức tín dụng, tài trợ cho việc chuyển đổi tiêu thụ năng lượng từ điện, than sang nguồn năng lượng sạch.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/cac-ong-ba-chu-khat-thong-tin-esg-post347392.html