Chi tiết

Giá vàng giằng co chờ loạt số liệu kinh tế Mỹ

Giá vàng thế giới khởi động tuần giao dịch mới vào sáng nay (24/6) trong trạng thái biến động nhẹ, sau những pha giằng co mạnh trong tuần trước. Giới phân tích dự báo giá vàng sẽ tiếp tục trồi sụt trong vùng biên độ hẹp trong ngắn hạn, nhưng sẽ tăng trong trung hạn và dài hạn do các yếu tố nền tảng hỗ trợ giá kim loại quý này vẫn duy trì.

Lúc gần 8h sáng theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,5 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tại thị trường New York, tương đương tăng 0,02%, giao dịch ở mức 2.321,5 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này của vàng thế giới tương đương khoảng 71,2 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với cuối tuần.

Giá vàng đã có những pha tăng cao rồi giảm sâu trong tuần vừa rồi, khi tâm lý nhà đầu tư bị chi phối rõ rệt bởi biến động kỳ vọng lãi suất. Các số liệu kinh tế Mỹ thiếu đồng nhất đã liên tục làm dịch chuyển kỳ vọng về thời điểm mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất, cũng như số lần cắt giảm lãi suất, trong năm nay.

Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích, những tháng mùa hè hàng năm thường là khoảng thời gian khối lượng giao dịch trên thị trường vàng giảm xuống mức thấp. Sự thưa thớt của giao dịch khiến giá càng dễ biến động mạnh hơn.

Với triển vọng lãi suất còn bấp bênh, giá vàng thế giới đã giảm khoảng 0,5% trong tuần vừa rồi, trong khi đồng USD tăng khoảng 0,3% so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác.

Trong tuần này, nhiều báo cáo kinh tế quan trọng của Mỹ sẽ được công bố, nên giá vàng có khả năng sẽ tiếp tục biến động mạnh. Trong đó, sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư sẽ dành cho báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5, dự kiến được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu. PCE – là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng – được dự báo sẽ tiếp tục cho thấy sự giảm tốc của lạm phát.

Ngoài ra, các báo cáo kinh tế Mỹ khác khác gồm dữ liệu niềm tin người tiêu dùng tháng 6, chỉ số giá nhà tháng 4, doanh số bán nhà mới, báo cáp GDP quý 1 điều chỉnh, số đơn đặt mua hàng hoá lâu bền… cũng đều có thể ảnh hưởng tới kỳ vọng lãi suất Fed và diễn biến giá vàng.

Nhìn về trung và dài hạn, giới phân tích dự báo giá vàng sẽ tiếp tục được nâng đỡ bởi rủi ro địa chính trị ở mức cao và nhu cầu mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương.

Diễn biến giá vàng thế giới 10 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến giá vàng thế giới 10 năm qua. Đơn vị: USD/oz – Nguồn: Trading Economics.

Chuyên gia Paul Marino của công ty GraniteShares cho rằng vàng “đã quay trở lại vị thế một kênh đầu tư an toàn” trong một môi trường địa chính trị nhiều bấp bênh, cùng với việc các ngân hàng trung ương – nhất là Trung Quốc – mua ròng vàng để dự trữ.

Trong một cuộc khảo sát thường niên của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), có 29% số ngân hàng trung ương được hỏi cho biết có ý định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới – tỷ lệ cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát này bắt đầu vào năm 2018. Năm 2022 và 2023, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu mua ròng tương ứng 1.082 và 1.037 tấn vàng, lượng mua ròng lớn nhất và lớn thứ hai trong lịch sử.

Trong một báo cáo công bố vào tuần vừa rồi, các nhà phân tích của ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase cho biết họ có “sự lạc quan mang tính cấu trúc” về triển vọng giá vàng và giá bạc trong trung hạn, đồng thời xem sự tích luỹ của giá các kim loại quý này trong thời gian gần đây là một cơ hội để mua cho các nhà đầu tư dài hạn.

JPMorgan Chase dự báo từ nay đến cuối năm, giá vàng có thể tăng thêm 8-10%, và sang năm 2025, giá vàng sẽ đạt mục tiêu 2.600 USD/oz.

Nhà phân tích Neils Christensen của trang Kitco News nhận định việc giá vàng tích luỹ trong vùng hẹp 2.300-2.350 USD/oz thời gian gần đây giúp loại bỏ rủi ro bong bóng và giúp nhà đầu tư tập trung vào bức tranh lớn hơn. “Xung lực tăng của giá vàng đang chững lại, nhưng điều quan trọng là phải thấy rằng các yếu tố phía sau sự tăng giá của vàng vẫn chưa biến mất”, ông Christensen viết.

Vị chuyên gia cho rằng những yếu tố này bao gồm bất ổn địa chính trị, nhất là trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chưa kể, địa vị của đồng USD với tư cách đồng tiền dự trữ của thế giới tiếp tục bị thách thức và rủi ro lạm phát toàn cầu ở mức cao.

“Tôi cho rằng các thị trường mới nổi sẽ dịch chuyển khỏi đồng USD khi họ đa dạng hoá tài sản dự trữ. Đây không phải là chuyện đáng ngạc nhiên nếu chúng ta nhìn vào khối nợ khổng lồ của Mỹ. Tuần vừa rồi, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo thâm hụt ngân sách liên bang sẽ lên tới 1,9 nghìn tỷ USD trong năm tài khoá 2024, tương đương 6,7% GDP, nhiều hơn 400 tỷ USD so với dự báo đưa ra hồi tháng 2”, ông Christensen nhấn mạnh.

Source link