Chi tiết

“Chìa khóa” phòng chống lừa đảo qua mạng

Nhức nhối lừa đảo tài chính

Tình trạng lừa đảo của tội phạm công nghệ mạng ngày càng tinh vi về thủ đoạn, quy mô số vụ, số tiền mất của người dân ngày càng lớn, thậm chí lừa đảo xuyên biên giới…

Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) – Bộ Công an, cho biết trong năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng (tương đương 3,6% GDP). Theo thống kê, có tới 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính, 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.

Cảnh giác cao vẫn bị lừa

Chị Lê Ngọc (ngụ TP Hà Nội) từng mất hơn 500 triệu đồng vì thủ đoạn mạo danh công an phường cập nhật định danh tài khoản VNeID. Lần đầu tiên kẻ gian điện thoại, chị nghe xong đoán lừa đảo nên cúp máy. Tuy nhiên, 1 lần, 2 lần… rồi đến lần thứ 5, kẻ gian tiếp tục kiên trì chiêu thức: “Cả phường đã cập nhật thông tin định danh tài khoản trên ứng dụng (app) VNeID rồi, chỉ còn mình chị chưa cập nhật. Chị đang làm ảnh hưởng tiến độ chung của mọi người và cơ quan quản lý”.

“Trong lúc công việc bận rộn, nghe vậy tôi cả tin “thôi làm cho xong” và nhấp vào đường link mà kẻ gian gửi. Vậy là bị đánh cắp mật khẩu, tài khoản và đến khi thấy tài khoản ngân hàng (NH) trừ tiền mới sực tỉnh mình đã bị lừa đảo” – chị Ngọc kể lại.

Trường hợp của chị Ngọc không hiếm bởi rất nhiều người cũng bị mất tiền với chiêu thức lừa đảo nói trên, dù đã liên tục được cảnh báo. Cái bẫy mà kẻ xấu tung ra là lợi dụng chủ trương của cơ quan nhà nước về việc chuẩn hóa thông tin số điện thoại, tài khoản NH, kê khai khấu trừ thuế, định danh tài khoản VNeID… (có chứa mã độc) để yêu cầu người dân làm theo hướng dẫn.

Tiếp đến, chúng chiếm quyền kiểm soát điện thoại, từ đó chiếm đoạt tài sản trong các tài khoản (ví điện tử, NH, chứng khoán) của người dân. Một số chuyên gia công nghệ nhận định người bị chiếm quyền kiểm soát điện thoại sẽ khó xử lý kịp khi tiền trong tài khoản liên tục “bốc hơi”, dù điện thoại vẫn đang trên tay…

Dù liên tục cảnh báo nhưng nhiều người vẫn sập bẫy những thủ đoạn lừa đảo tinh vi của tội phạm mạng. Minh họa AI: THÁI PHƯƠNG

Dù liên tục cảnh báo nhưng nhiều người vẫn sập bẫy những thủ đoạn lừa đảo tinh vi của tội phạm mạng. Minh họa AI: THÁI PHƯƠNG

Đáng chú ý, số vụ lừa đảo, quy mô số tiền và thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ trên không gian mạng ngày càng nhiều. Cuối tháng 5-2024, nhiều người hết sức bất ngờ khi trong quá trình đăng ký chạy marathon trên mạng xã hội, một phụ nữ ở Bình Định đã bị nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 30 tỉ đồng. Trước đó, đầu tháng 3-2024, thông tin chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bị lừa hơn 170 tỉ đồng trong tài khoản cũng gây chấn động dư luận xã hội…

Không chỉ chủ động tiếp cận nạn nhân để lừa đảo, các đối tượng tội phạm còn lôi kéo, dụ dỗ, trả thù lao, cung cấp cho học sinh, sinh viên điện thoại có sẵn sim để đăng ký mở tài khoản thanh toán, dịch vụ Internet Banking, SMS Banking. Sau đó, chúng yêu cầu học sinh trả lại điện thoại, cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu xác thực (OTP)… Đặc biệt, các đối tượng này còn thu thập dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt) của học sinh, sinh viên để ứng phó khi NH yêu cầu xác minh danh tính nhằm thực hiện hành vi phạm tội.

Để ngăn chặn tình trạng này, NH Nhà nước cho biết qua theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế cùng với phản ánh từ Bộ Công an cho thấy các tài khoản liên quan học sinh, sinh viên thường được lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố. Do đó, NH Nhà nước đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phối hợp ngăn chặn hoạt động mua bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên.

Xây dựng kịch bản, phân vai… để lừa đảo

Thống kê của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy hiện có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) gắn liền 24 thủ đoạn. Trong đó, một số phương thức, thủ đoạn phạm tội chủ yếu diễn ra trong thanh toán không dùng tiền mặt nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thực tế cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước, NH thương mại, công ty chứng khoán… liên tục cảnh báo, cập nhật những thủ đoạn lừa đảo mới. Thế nhưng, thời gian gần đây vẫn có rất nhiều người bị lừa đảo, số tiền mất từ vài triệu đồng đến cả trăm tỉ đồng.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trên thế giới và tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, quy mô tổ chức xuyên biên giới (có dấu hiệu kết nối giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài).

Đặc biệt, tội phạm tấn công vào hệ thống công nghệ thông tin, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong lĩnh vực tài chính – NH đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho an ninh tiền tệ gây thiệt hại rất lớn. Tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 – 10.000 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.

Ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc mảng doanh nghiệp của hãng bảo mật Kaspersky tại Việt Nam, thông tin chỉ trong quý I/2024, tần suất các cuộc tấn công mạng gia tăng với các phương thức hết sức tinh vi. Những cuộc tấn công này nhắm vào các tổ chức tài chính, chứng khoán và tài khoản NH của nhiều cá nhân. Thống kê của Kaspersky trong năm 2023 có 36.130 trường hợp bị lừa đảo tài chính và đang là mối đe dọa phổ biến đối với các doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam.

Thủ đoạn lừa đảo không dừng lại ở những chiêu thức truyền thống như trước đây mà ngày càng tinh vi, xâm nhập cả các nhóm chat gia đình, đóng giả thành viên trong gia đình để thu thập thông tin. Không ít trường hợp khách hàng bị mất tiền trong tài khoản là tài sản để dành dụm nhiều năm chuẩn bị cho con học hành; mua nhà hoặc lương hưu… nhưng vì tin lời kẻ gian dụ dỗ hoặc nhấp vào các đường link giả mạo NH thương mại, công ty tài chính hay ví điện tử dẫn đến mất tiền.

“Các nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động có tổ chức, xuyên biên giới, lợi dụng kẽ hở pháp luật của các nước. Chúng hoạt động mang tính chuyên nghiệp, xây dựng kịch bản và phân công vai trò cụ thể, triệt để lợi dụng khoa học – công nghệ; trú chân tại các nước Campuchia, Myanmar…; đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài” – Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang nói. 

Liên tục sập bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Một thủ đoạn dù được cảnh báo thường xuyên nhưng vẫn có nhiều người bị lừa liên quan đến “việc nhẹ, lương cao”. Theo A05, hoạt động lừa đảo thông qua hoạt động kêu gọi làm cộng tác viên của các sàn thương mại điện tử như Shoppe, Lazada, Tiki… khiến nhiều người bị lừa khi kẻ gian thông qua mạng xã hội, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia với công việc nhẹ nhàng và hưởng hoa hồng cao. Người tham gia sẽ được tạo tài khoản trên các website, app do các đối tượng tạo ra, sau đó thực hiện công việc như đặt đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử và hưởng hoa hồng theo số lượng đơn đã đặt được.

Để nhận được tiền hoa hồng, những người tham gia phải có đủ số lượng và phải nạp tiền vào tài khoản. Tuy nhiên, khi đã nạp tiền vào tài khoản, những người này vẫn không nhận được tiền và mất luôn số tiền đã nạp.

Theo các chuyên gia công nghệ, hình thức lừa đảo này đang lôi kéo rất nhiều người tham gia, do không hiểu biết và bị các đối tượng dụ dỗ bằng những lời lẽ hấp dẫn “việc nhẹ, lương cao”. Kết quả, nhiều người đã bị mất từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

(Còn tiếp)

Source link