Giá vàng thế giới giảm liên tục trong phiên đêm qua tại Mỹ và sáng nay (26/6) tại thị trường châu Á, do tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tăng sau khi một nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra quan điểm cứng rắn. Nhiều nhà phân tích cho rằng giá vàng khó tìm được động lực tăng giá trong ngắn hạn chừng nào triển vọng Fed hạ lãi suất còn thiếu rõ ràng.
Lúc hơn 9h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại châu Á giảm 6,3 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, tương đương giảm 0,27%, giao dịch ở mức 2.314,2 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Mức giá này tương đương khoảng 71 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giảm 500.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Phiên New York ngày thứ Hai, giá vàng giao ngay đóng cửa ở mức 2.320,5 USD/oz, giảm 14,8 USD/oz, tương đương giảm hơn 0,6%.
Vàng giảm giá dưới áp lực từ tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng đi lên.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,11%, chốt phiên ở mức hơn 105,6 điểm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ trong phiên đêm qua và tiếp tục tăng trong sáng nay, đạt gần 4,27%.
Giá vàng đã giằng co liên tục trong thời gian gần đây, với những phiên giảm xen kẽ với những phiên tăng. Vàng giảm giá do động lực tăng trong ngắn hạn đang cạn, nhưng lực bắt đáy nhanh chóng xuất hiện bởi nhiều nhà đầu tư vẫn tin vào triển vọng tăng giá trong dài hạn của kim loại quý này.
“Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương vẫn còn lớn, chưa kể nhu cầu vàng vật chất ở khu vực châu Á. Bên cạnh đó, kỳ vọng rằng Fed rồi sẽ đến lúc cắt giảm lãi suất cũng khiến nhà đầu tư không muốn bán khống vàng”, chiến lược gia cấp cao Ryan McKay của công ty TD Securities nhận định.
Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trong tuần trước, các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng mua ròng 2,1 tấn vàng, trị giá 212 triệu USD.
Giới chuyên gia dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giằng co quanh vùng 2.350 USD/oz trong những phiên tới. Tâm lý nhà đầu tư sẽ còn bấp bênh trước khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày thứ Sáu tuần này – điểm dữ liệu có thể giúp định hình rõ nét hơn các kỳ vọng về đường đi lãi suất của Fed.
“Giá vàng sẽ tiếp tục chịu sự chi phối chính của kỳ vọng lãi suất Fed. Sự giằng co của giá vàng những phiên gần đây phản ánh thực tế đang thiếu những số liệu kinh tế cụ thể để định hình chính sách của Fed trong nửa sau của năm nay”, nhà phân tích cấp cao Ricardo Evangelista của ActivTrades nhận định trong một báo cáo. Theo vị chuyên gia này, các kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Fed đang rất cân bằng, nên báo cáo PCE sắp tới sẽ có ảnh hưởng lớn đối với giá vàng.
“Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 đã cho thấy lạm phát dịu đi, nhưng chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lại mạnh hơn dự báo và cho thấy tình trạng vững vàng của kinh tế Mỹ. Điều đó có nghĩa là giữ lãi suất cao hơn lâu hơn vẫn là một khả năng đối với Fed. Trong bối cảnh như vậy, số liệu PCE vào ngày thứ Sáu tuần này có thể khiến thị trường chuyển động, đưa giá vàng bứt phá khỏi vùng biên độ hiện tại”, ông Evangelista nhận định.
Nhà phân tích Barbara Lambrecht của ngân hàng Commerzbank dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giằng co trong vùng hẹp cho tới khi có một cái nhìn rõ ràng hơn về chính sách tiền tệ của Fed. “Chúng tôi cho rằng khả năng tăng giá của vàng trong ngắn hạn là hạn chế, vì đợt giảm lãi suất đầu tiên của Mỹ chỉ có thể diễn ra vào cuối năm nay”, bà Lambrecht nói.
Phát biểu ngày thứ Ba, Thống đốc Fed Michelle Bowman nhắc lại quan điểm rằng việc duy trì lãi suất “thêm một thời gian” có thể sẽ đủ để đưa lạm phát về tầm kiểm soát. Nhà hoạch định chính sách tiền tệ thuộc phe cứng rắn này cũng một lần nữa nói rằng bà sẵn sàng ủng hộ việc tăng lãi suất thêm nếu cần thiết.
Sau phát biểu này của bà Bowman, đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đồng loạt đi lên.
Giá vàng thế giới đã lập kỷ lục ở mức gần 2.450 USD/oz vào hôm 20/5 và hiện đã tăng 12% kể từ đầu năm. Động lực cho giá vàng năm nay là kỳ vọng Fed giảm lãi suất, nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương và căng thẳng địa chính trị.