LPBank thay đổi phương án tăng vốn, dự kiến trả cổ tức 16.8% bằng cổ phiếu
Ngày 25/06, Ngân hàng TCMP Bưu điện Liên Việt (LPBank, HOSE: LPB) thông báo sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ năm 2024.
Theo quyết định của HĐQT LPBank, Ngân hàng sẽ tạm dừng thực hiện các thủ tục triển khai phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ năm 2024.
Thay vào đó, HĐQT LPBank sẽ trình ĐHĐCĐ phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2023 tại phiên họp ĐHĐCĐ gần nhất nhằm đảm bảo tối đa lợi của cổ đông và LPBank. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 16.8%.
Nếu phương án tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu trả cổ tức được thông qua, vốn điều lệ của LPBank dự kiến tăng thêm gần 4,297 tỷ đồng, từ hơn 25,576 tỷ đồng lên gần 29,873 tỷ đồng.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPBank đã thông qua việc tăng vốn thêm tối đa 8,000 tỷ đồng, bằng cách chào bán thêm 800 triệu cp cho cổ đông hiện hữu (sau khi được NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận) với giá 10,000 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ phát hành 31.3%. Sau khi hoàn tất chào bán, vốn điều lệ LPBank dự kiến tăng từ 25,576 tỷ đồng lên 33,576 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu LPB từ đầu năm đến phiên 26/06/2024 | ||
|
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu LPB đã tăng 79% so với đầu năm 2024. Phiên chiều 26/06, LPB là cổ phiếu ngân hàng hiếm hoi ghi nhận sắc xanh, tăng 1.23%, đạt 28,700 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu LPB trong phiên chiều 26/06/2024
|
Năm 2024, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10,500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023. Tổng tài sản dự kiến đạt 427,260 tỷ đồng, tăng 11.6%.
Kết thúc quý đầu năm, LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng hơn 84%, đạt 2,889 tỷ đồng, nhờ thu nhập từ lãi tăng 25% và thu từ dịch vụ gấp 3.6 lần cùng kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Ngân hàng góp mặt trong top 10 ngân hàng có lãi cao nhất hệ thống. Kết quả quý 1 tăng trưởng nhờ LPB đẩy mạnh tín dụng ngay từ những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng thúc đẩy bán chéo các sản phẩm dịch vụ, đặc biệt phải kể đến sản phẩm kinh doanh ngoại tệ, kiều hối, xuất nhập khẩu…