Chi tiết

Doanh nghiệp có thể nộp đơn kiện và giải quyết tranh chấp bằng…iPad, điện thoại

Kinh tế số là 1 trong 3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia. Các chỉ số thương mại điện tử mới đây cho thấy tiềm năng rất lớn của nền kinh tế số Việt Nam. Một trong những thành tố quan trọng của kinh tế số là hợp đồng điện tử. Đây là thông tin được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nhấn mạnh tại sự kiện thường niên “Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh kinh tế biến động: Tranh chấp và trọng tài”, do VIAC và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức ngày 26-6.

Doanh nghiệp có thể nộp đơn kiện và giải quyết tranh chấp bằng... iPad, điện thoại- Ảnh 1.

Các đại biểu thảo luận về ứng dụng công nghệ trong giải quyết tranh chấp hợp đồng

Theo ông Vũ Tiến Lộc, chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 411/QĐ-TTg đã đặt mục tiêu đến năm 2025, trên 80% doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng hợp đồng điện tử. Để ứng phó với những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động kinh doanh dẫn đến tranh chấp hợp đồng, các doanh nghiệp cần phải quan tâm tới hoạt động trọng tài điện tử.

Nhằm cung cấp cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp để đảm bảo thực thi hợp đồng điện tử, một trong những yếu tố cốt lõi của nền kinh tế số, ông Vũ Tiến Lộc ho biết sau 5 năm nghiên cứu, xây dựng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, VIAC đã chính thức công bố triển khai nền tảng Nộp đơn điện tử và quản lý các vụ tranh chấp trực tuyến (VIAC eCase). “Nền tảng VIAC eCase là cơ chế bảo đảm thực thi phù hợp cho các hợp đồng điện tử góp phần mục tiêu hướng tới kinh tế số của đất nước”- ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Đánh giá về việc doanh nghiệp có thể nộp đơn kiện và giải quyết tranh chấp trực tuyến, ông Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, cho biết những năm gần đây, nhiều quốc gia quan tâm ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực tài phán, kể cả tài phán công và tài phán tư đều đạt nhiều hiệu quả tích cực. Có thể kể tới Mỹ, Thụy Điển, Singapore, Thái Lan…

Theo ông Hưng, thông thường để yêu cầu trọng tài giải quyết 1 vụ việc, các đương sự phải đến trung tâm trọng tài hoặc ra bưu điện để gửi đơn. Tuy nhiên với nền tảng nộp đơn trực tuyến, doanh nghiệp có thể ngồi ngay tại nhà hoặc tại công ty, sử dụng thiết bị công nghệ kết nối mạng Internet như máy tính, iPad, điện thoại thông minh… cũng có thể gửi đơn tới cơ quan hữu quan yêu cầu giải quyết. “Việc áp dụng nền tảng này sẽ tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, tránh rủi ro giao thông và nhiều tác động tiêu cực xã hội khác”- ông Hưng nói.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp), cũng nhìn nhận nhu cầu giải quyết tranh chấp bằng thương mại điện tử hiện nay đang là vấn đề tất yếu. Tuy nhiên, những quy định pháp luật về thương mại điện tử hiện nay vẫn còn đang rải rác, chưa có văn bản quy định chính thức về quy trình giải quyết tranh chấp thông qua công nghệ đầy đủ.

Ông Tuấn cũng chỉ ra những thách thức trong quá trình áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trọng tài giải quyết tranh chấp. Cụ thể, việc giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ được xác định giá trị pháp lý thế nào, chứng cứ điện tử liệu có được công nhận không và quan trọng nhất là địa điểm giải quyết trọng tài ở đâu khi Luật Trọng tài hiện nay quy định địa điểm xét xử là địa điểm pháp lý.

Source link