Chi tiết

Doanh nghiệp Trung Quốc muốn tăng đầu tư đường sắt Việt Nam

Các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc muốn tăng rót vốn vào hệ thống hạ tầng chiến lược Việt Nam, như đường sắt đô thị, tốc độ cao.

Sáng 27/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược giao thông Việt Nam và vai trò doanh nghiệp Việt – Trung, tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược giao thông Việt Nam, sáng 27/6, tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Đoàn Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược giao thông Việt Nam, sáng 27/6, tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Đoàn Bắc

Nhiều doanh nghiệp nước này bày tỏ mong muốn đầu tư, triển khai các dự án kết nối giao thông chiến lược Việt – Trung.

Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh nhắc đến câu “muốn làm giàu, trước tiên hãy làm đường”, để nói về định hướng xây dựng một hệ thống giao thông an toàn, bền vững. Ông Thanh nhấn mạnh Trung Quốc coi phát triển hạ tầng là hướng ưu tiên, đồng thời khẳng định nước này đang thúc đẩy hợp tác giao thông trên phạm vi toàn cầu và xem Việt Nam là đối tác quan trọng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Tôn Vinh Khôn – Chủ tịch Tập đoàn toa xe Trung Quốc (CRCC) – cho rằng tương lai Việt Nam sẽ hình thành tuyến đường sắt cao tốc là trục chính Hà Nội – TP HCM và các tuyến đường sắt nhanh kết nối xung quanh trục này. Vì thế, CRCC muốn hợp tác, liên doanh với các đối tác Việt Nam để xây dựng, sản xuất thiết bị về đường sắt, phát huy chuỗi cung ứng.

Ông cho rằng hai nước có thể chọn hệ thống hoặc thiết bị thích hợp để xây dựng chuỗi cung ứng ngay tại Việt Nam. Việc này sẽ giúp Việt Nam hình thành ngành công nghiệp đường sắt. Ngoài ra, theo Chủ tịch CRCC, Việt Nam cần phát triển đường sắt kết hợp mục tiêu bền vững, nâng cao năng lực vận hành, bảo trì.

“Hợp tác cởi mở mới có thể chia sẻ cơ hội. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác trong lĩnh vực đường sắt, năng lượng mới để tham mưu cho Việt Nam xây dựng hệ thống đường sắt hiện đại, góp phần xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai”, ông Tôn Vinh Khôn nói.

Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh phát biểu tại Hội nghị hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược giao thông Việt Nam, sáng 27/6, tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Đoàn Bắc

Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh phát biểu tại Hội nghị hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược giao thông Việt Nam, sáng 27/6, tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Đoàn Bắc

Ông Ngụy Tân Cử, Phó tổng giám đốc bộ phận truyền thông và các cơ quan nhà nước Tập đoàn Huawei, cũng nhận định đường sắt là lĩnh vực mang tính chiến lược quốc gia, công ty mong muốn tham gia vào số hóa giao thông vận tải ở Việt Nam.

Ông cho biết tập đoàn này đã tham gia phát triển nhiều tuyến đường sắt ở châu Á với hệ thống công nghệ liên lạc không dây, tích hợp kỹ thuật số thông minh trong vận hành. Theo ông, số hóa sẽ giúp xây dựng hệ thống đường sắt thông minh, vận hành an toàn, bảo trì hiệu quả.

Lãnh đạo Tập đoàn Huawei lưu ý thêm, ngoài ứng dụng công nghệ cao, số hóa trong ngành đường sắt cần tính tới thiết kế mô hình giải quyết các bài toán, tình huống cụ thể xuất phát từ yêu cầu của người dân. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp, nhà chức trách đưa ra giải pháp phù hợp để quản lý, vận hành công trình hạ tầng giao thông, nhất là đường sắt.

Chia sẻ về hợp tác trong xây dựng hạ tầng chiến lược, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết nhu cầu vốn cho phát triển giao thông của Việt Nam từ nay đến năm 2045 rất lớn.

Chẳng hạn, về đường bộ, Việt Nam cần khoảng 600.000 tỷ đồng (tương đương 471 tỷ nhân dân tệ) để phát triển hơn 9.000 km đường bộ cao tốc. Trong số này, nhu cầu vốn huy động từ doanh nghiệp tối thiểu 360.000 tỷ đồng, tức 102 tỷ nhân dân tệ, theo ông Thắng.

Việt Nam cũng cần khoảng 4,8 triệu tỷ đồng (tương đương 1.400 tỷ nhân dân tệ) để phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị của Hà Nội, TP HCM. Số vốn này dự kiến dành để nâng cấp 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440 km; xây 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài hơn 2.600 km, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dài 1.545 km, tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ dài trên 175 km.

Ông Thắng cũng nhắc tới định hướng đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị tại TP HCM (6 tuyến) và Hà Nội (8 tuyến). “Tuyến Văn Cao – Láng – Hòa Lạc ở Hà Nội đang tập trung kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) với nguồn vốn khoảng 65.000 tỷ đồng, tương đương 20 tỷ nhân dân tệ”, ông Thắng thông tin.

Bên cạnh đó, nhu cầu vốn cho phát triển hệ thống cảng biển, hàng không lần lượt khoảng 100.000 tỷ và 20.000 tỷ đồng.

“Nhu cầu vốn về giao thông của Việt Nam rất lớn và đa dạng trên cả 5 lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông. Đây là thách thức với Chính phủ và các bộ ngành của Việt Nam nhưng là cơ hội của doanh nghiệp Trung Quốc cũng như Việt Nam”, Bộ trưởng Giao thông vận tải chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay Việt Nam muốn hợp tác triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, gồm tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Lạng Sơn – Hà Nội, Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng.

Theo ông, 3 tuyến đường sắt này giúp Việt Nam kết nối với Trung Á, châu Âu qua Trung Quốc và giúp Trung Quốc kết nối với ASEAN qua Việt Nam. Các tuyến đường sắt này sẽ góp phần giúp hai nước Việt – Trung giảm chi phí logistics, hạ giá thành, tăng cạnh tranh của hàng hóa và tạo sinh kế, phát triển kinh tế – xã hội.

“Quan điểm của Việt Nam là tập trung làm 3 tuyến này với tinh thần ‘không nóng vội, làm đến đâu chắc đến đó’. Nếu làm được việc này, chúng ta sẽ hoàn thiện khuôn khổ kết nối hợp tác ‘hai hành lang, một vành đai’ với Vành đai và con đường”, ông nói.

Về đường sắt đô thị, Việt Nam cũng khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tham gia đầu tư theo hình thức PPP. Chính phủ dự kiến giao các cơ quan liên quan nghiên cứu sớm báo cáo, đề xuất Hiệp định liên Chính phủ về phối hợp, triển khai 3 dự án đường sắt phía Bắc, sau đó mở rộng các tuyến khác do nhu cầu rất lớn.

Ông cho biết Việt Nam sẽ phát hành trái phiếu, huy động nguồn lực ngân sách để phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Trung Quốc cho vay vốn ưu đãi và chuyển giao công nghệ đường sắt, đào tạo nhân lực. Với các doanh nghiệp hai nước, ông cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác liên kết theo hình thức liên doanh thông qua đầu tư BOT, PPP với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và cùng làm, cùng thắng”

“Chúng ta phải điều chỉnh cách làm, đổi mới tư duy, hoàn thiện quy hoạch, xây dựng đề án, dự án cụ thể nhằm đưa ra giải pháp tài chính, quản lý, huy động nguồn lực ngày càng có nhiều hơn công trình biểu tượng hai nước”, ông nói.

Hiện tại Trung Quốc là cường quốc về phát triển giao thông, với trên 6 triệu km. Nước này cũng kiên trì quan điểm ưu tiên cho môi trường, phát triển carbon thấp; mục tiêu phát triển hệ thống giao thông liên vận kết hợp giữa đường bộ, biển và thúc đẩy thiết bị giao thông sử dụng năng lượng sạch. Trung Quốc đã phát triển 1,8 triệu trạm sạc pin cho xe điện trên hệ thống đường cao tốc, ứng dụng công nghệ Big data, trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực giao thông.

Hoài Thu


Hoài Thu

Nguồn tin: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-trung-quoc-muon-tang-dau-tu-duong-sat-viet-nam-4763318.html