Các chuyên gia dự báo, cổ phiếu SHB – Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội tiếp tục tích luỹ vùng đáy trước nhịp tăng mới.
>>> Dòng tiền khối ngoại đổ vào cổ phiếu ngân hàng có thị giá thấp
Trong 06 tháng đầu năm 2024, cổ phiếu SHB nằm trong rổ VN30, tiếp tục tích luỹ quanh vùng đáy 11.000 đồng/cp. Liệu cổ phiếu này có tiếp tục bứt phá khi quá trình tạo đáy thành công?
Phiên giao dịch ngày 28/6, dòng tiền khối ngoại đổ vào mua cổ phiếu SHB, trong khi bán ròng toàn thị trường. Cụ thể khối ngoại mua vào 1,367 triệu cổ phiếu SHB với tổng giá trị giao dịch lên 15,6 tỷ đồng. Đây cũng là phiên mua ròng đầu tiên với khối lượng lớn của khối ngoại sau thời gian cổ phiếu này bị bán dòng.
Theo dòng thông tin mà thị trường đón nhận, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có quyết định về việc sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của SHB. Theo đó, vốn điều lệ của SHB được ghi nhận ở mức hơn 36.629 tỷ đồng. Quyết định của NHNN được ban hành sau khi SHB hoàn tất phát hành hơn 43,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Với vốn điều lệ hơn 36. 629 tỷ đồng, SHB tiếp tục giữ vị trí trong Top 4 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất hệ thống. Đây sẽ là cơ sở để Ngân hàng tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2024 được ĐHĐCĐ thông qua.
>>> Ngân hàng trực 24/7 để triển khai xác thực sinh trắc học
HĐQT của SHB nhận định năm 2024, tình hình thế giới và khu vực còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế có những thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen. Nền kinh tế Việt Nam được nhiều chuyên gia dự báo sẽ phục hồi nhờ những động lực cho tăng trưởng kinh tế.Trong bối cảnh đó, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 11.286 tỷ đồng, tăng 22,2% so với mức thực hiện của năm 2023. Tổng tài sản dự kiến sẽ tăng 11,2%, lên 701.000 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ cấp tín dụng tăng 14%, đạt 518.555 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ được kiểm soát dưới mức 3%.
Để thực hiện kế hoạch trên, SHB sẽ triển khai 6 nhóm giải pháp, bao gồm: quản trị điều hành; thúc đẩy tài chính xanh, phát triển bền vững; phát triển khách hàng; cơ chế, chính sách quản trị rủi ro; tổ chức bộ máy, nhân sự và chuyển đổi số. Cụ thể, dựa trên kết quả kinh doanh năm 2023 và mức lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là hơn 5.900 tỷ đồng. HĐQT Ngân hàng SHB thực hiện phương án chia cổ tức với tổng tỷ lệ 16% vốn điều lệ (tương ứng 5.859 tỷ đồng), gồm 5% bằng tiền mặt và 11% còn lại bằng cổ phiếu.
Dự kiến sau khi hoàn tất chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên gần 40.658 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn tăng thêm sẽ được dùng chủ yếu vào mục đích cho vay doanh nghiệp, bao gồm cho vay bổ sung vốn lưu động, tài trợ tài sản cố định và cho vay sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án. Quá trình này đang được SHB rốt ráo triển khai nhanh trong quý tới.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2024, SHB dự tính tiếp tục trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 18% và sẽ thực hiện chia trong năm 2025. Tại đại hội cổ đông năm nay, SHB còn trình tới cổ đông một số nội dung quan trọng khác, trong đó có kế hoạch niêm yết trái phiếu SHB phát hành ra công chúng với số lượng 5.000 tỷ đồng mệnh giá để tăng vốn cấp 2 nhằm tăng nguồn vốn trung và dài hạn để cấp tín dụng cho khách hàng và doanh nghiệp.
Có thể thấy, kết quả kinh doanh của SHB từ 2020 – 2024 có sự tăng trưởng tốt, tuy năm 2023 có sự thụt lùi về lợi nhuận ròng so với 2022 nhưng không chênh lệch quá nhiều. Với nhiều nỗ lực tiết giảm chi phí mà tỷ lệ tổng chi phí hoạt động/tổng thu nhập hoạt động của SHB chỉ ở mức 23%, nằm trong top những ngân hàng kiểm soát chi phí tốt nhất liên tiếp nhiều quý. Tại thời điểm ngày 31/3/2024, tổng tài sản của SHB ghi nhận ở mức 621.144 tỷ đồng, giảm 1,5% so với hồi đầu năm.
Hiện các chỉ số về an toàn, thanh khoản, quản trị rủi ro đều được SHB thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định của NHNN và các chuẩn mực quốc tế. Bắt đầu từ năm 2023, SHB đã áp dụng các tiêu chuẩn Basel III trong quản lý rủi ro thanh khoản, tiếp nhận sự đánh giá tiêu chuẩn từ một công ty tư vấn quốc tế để đảm bảo luôn phù hợp với những thông lệ quốc tế và yêu cầu của Ủy ban Basel. Đến thời điểm hiện tại, 90% các nghiệp vụ trọng yếu của SHB đã thực hiện hoàn toàn trên kênh số, vượt mục tiêu so với kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 của ngành ngân hàng đã đề ra.
Nhận định về diễn biến giao dịch cổ phiếu SHB, các chuyên gia Công ty Chứng khoán CTS cho rằng, đang đi vào pha tích luỹ quanh vùng giá 11.000-11.400 đồng/cp. Hiện tại giá của cổ phiếu SHB đang duy trì tích lũy tốt sau khi quay trở lại quanh nền giá 11.000 – 12.000đ. Ngoài ra, xu hướng trung dài hạn trên đồ thị tuần đang cho thấy dấu hiệu của một pha tăng giá mạnh có thể sắp diễn ra.
Nhà đầu tư có thể tham khảo kịch bản tăng giá dự kiến của cổ phiếu SHB: Vùng giá chờ mua: 11.600 – 11.900 đồng; Ngưỡng giá chốt lời mục tiêu 1: 13.000 đồng/cp, lợi nhuận dự kiến 9,2% – 12%; Ngưỡng giá chốt lời mục tiêu 2: 15.000 đồng/cp lợi nhuận dự kiến 26% – 29,3%, ngưỡng cắt lỗ giá SHB đóng cửa dưới 11.000 đồng/cp.