Chi tiết

Mảng sáng lợi nhuận quý II

Khoản đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng vững mạnh cho hiệu suất sinh lời cao trong thời gian qua

(ĐTCK)  Bức tranh lợi nhuận quý II/2024 của khối doanh nghiệp niêm yết được dự báo sẽ khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm 2023, cùng với đó là sự phân hóa khá rõ nét.

Ghi nhận từ một số doanh nghiệp niêm yết cho thấy lợi nhuận quý II tăng trưởng khá tích cực. Đơn cử, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng – DIC Corp (mã DIG) ước tính, quý vừa qua, doanh thu đạt 874 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 160 tỷ đồng, lần lượt tăng 439% và 815% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận năm 2024 của DIC Corp chủ yếu đến từ việc hạch toán chuyển nhượng sản phẩm tại các dự án: Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước (Đồng Nai), Khu nhà ở Lam Hạ Center Point (Hà Nam), Khu đô thị mới DIC Nam Vĩnh Yên City (Vĩnh Phúc), Khu đô thị DIC Victory City (Hậu Giang), Khu dân cư Hiệp Phước, Chung cư Vũng Tàu Gateway. DIC Corp cho biết, Công ty sẽ nỗ lực hơn trong 6 tháng cuối năm để có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận hợp nhất cả năm là 1.010 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, trong quý II/2024, nhóm ngành bất động sản phục hồi nhưng có sự phân hóa. Kết quả kinh doanh của nhóm bất động sản dân cư chưa chứng kiến sự đột phá do thiếu dự án để bàn giao và tình trạng pháp lý của các dự án vẫn chưa thay đổi nhiều. Các yếu tố như lãi suất, chi phí bán hàng giảm sẽ hỗ trợ phần nào cho lợi nhuận quý II của các doanh nghiệp trong nhóm này.

Theo đó, ông Dũng cho rằng, lợi nhuận ròng toàn ngành bất động sản nhiều khả năng đi ngang, chủ yếu nhờ Vinhomes (mã VHM) khi doanh nghiệp có dự án đang bàn giao, có tình trạng pháp lý rõ ràng, đi kèm với sự phát triển của các cơ sở hạ tầng xung quanh. Một số doanh nghiệp có thể ghi nhận tăng trưởng tốt trong quý II/2024 theo MBS là DIC Corp, Hà Đô (mã HDG), Nam Long (mã NLG)… Trong khi đó, một số doanh nghiệp có thể giảm tăng trưởng như Khang Điền (mã KDH), Đất Xanh (mã DXG)…

Sự phân hóa cũng được dự báo ở nhiều nhóm ngành khác, đặc biệt như nhóm doanh nghiệp ngành dầu khí. Nhóm thượng nguồn, gồm Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (mã PVD), Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (mã PVS) có thể ghi nhận lợi nhuận tăng tốt so với cùng kỳ khi khối lượng công việc tăng. Trong đó, Tổng công ty cổ phần Kỹ thuật Dầu khí ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi. Lợi nhuận của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí không có nhiều đột biến so với quý trước đó, khi giá thuê các giàn JU ổn định và chưa ghi nhận đóng góp của các giàn thuê mới.

Theo chuyên gia MBS, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp trung nguồn như Tổng công ty Khí Việt Nam (mã GAS), Tổng công ty Vận tải Dầu khí Việt Nam – PV Trans (mã PVT) sẽ đi ngang so với cùng kỳ khi quý II là thời điểm huy động điện khí nhiều hơn, hay cước vận tải dầu khí nhìn chung không tăng đột biến so với cùng kỳ, trong khi đội tàu chưa được mở rộng nhanh như dự kiến.

Ở khu vực hạ nguồn, MBS dự báo lợi nhuận của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (mã PLX) và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) phân hóa rõ rệt khi Petrolimex có thể ghi nhận lợi nhuận đi ngang từ mức nền cao của cùng kỳ, còn BSR bị ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng và lợi nhuận khi Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn tiến hành bảo dưỡng tổng thể trong quý II.

Thông tin từ PV Trans cho thấy, ước tính doanh thu quý II/2024 của Tổng công ty đạt 2.664 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận trước thuế giảm tới 22% so với cùng kỳ, còn 354 tỷ đồng. Theo ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PV Trans, lợi nhuận quý II/2024 của công ty mẹ ghi nhận giảm là do trong tháng 4 và tháng 5 tiến hành bảo dưỡng và điều này đã nằm trong tính toán. Sáu tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của PV Trans ước đạt 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 740 tỷ đồng.

Ông Việt Anh cho biết, nửa cuối năm 2024, triển vọng kinh doanh của PV Trans tiếp tục ở mức tích cực trong bối cảnh giá thuê tàu dầu duy trì ở mức cao. Với PV Trans, các hợp đồng thuê tàu chở dầu thô và xăng dầu thành phẩm với giá thấp trong giai đoạn trước đây của Tổng công ty cũng chuẩn bị hết hạn, mở ra cơ hội có các hợp đồng mới với mức giá cao hơn.

Giá thịt lợn phục hồi từ đầu quý II/2024 được cho là giúp một số doanh nghiệp chăn nuôi như Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (mã DBC) hay Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã BAF) hưởng lợi. Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dabaco cho biết, giá lợn hơi dự kiến tiếp tục duy trì ở mức cao bởi nguồn cung giảm mạnh hơn nhu cầu và phải mất tối thiểu 18 tháng mới có thể khắc phục được tình trạng thiếu cung.

Với đà phục hồi của giá thịt lợn, lợi nhuận quý II/2024 của Dabaco nhiều khả năng đạt khoảng 250 tỷ đồng (quý I/2024, Dabaco đạt lợi nhuận 73 tỷ đồng). Năm 2024, Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 25.380 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 730 tỷ đồng, cao gấp 29 lần so với năm 2023.

Ông Nguyễn Tiến Dũng nhận định, lợi nhuận toàn thị trường niêm yết trong quý II/2024 có thể tăng trưởng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa giữa các ngành. Trái với nhóm bất động sản nhà ở, MBS cho rằng, nhóm bất động sản khu công nghiệp có lợi nhuận suy giảm trên mức nền cao cùng kỳ. Nhìn chung, kết quả kinh doanh quý II/2024 của nhóm bất động sản khu công nghiệp có sự suy giảm do cùng kỳ năm ngoái các công ty ghi nhận lợi nhuận cao (SZC, KBC, IDC, PHR). Trong khi đó, lợi nhuận của BCM nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trên mức nền thấp của quý II/2023.

Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng ABBank

Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng ABBank

Hoạt động ngân hàng trong quý II/2024 đã có những thuận lợi và chuyển động tích cực hơn so với quý I. Khách hàng trả được nợ và tiếp cận tín dụng nhiều hơn so với trước kia. Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, ABBank xác định đặt trọng tâm phát triển ổn định, bền vững, không đặt mục tiêu tăng trưởng làm ưu tiên. Chiến lược tập trung vào nền tảng vững chắc của Ngân hàng cũng được các cổ đông lớn như Maybank ủng hộ.

Bên cạnh các sản phẩm hướng tới đối tượng khách hàng đại chúng, gần đây, ABBank phát triển các sản phẩm mang tính chuyên biệt. Ví dụ, các doanh nghiệp dược phẩm và trang thiết bị y tế sẽ được ABBANK cung cấp gói giải pháp đáp ứng đa dạng các nhu cầu, mục đích cấp tín dụng (cho vay, phát hành bảo lãnh, L/C, cam kết cấp tín dụng…) với tỷ lệ tài trợ cao, thời gian vay linh hoạt và các điều kiện vay tùy chỉnh để đáp ứng yêu cầu đặc thù của từng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được áp dụng chính sách lãi suất cho vay cạnh tranh từ 5%/năm; được hỗ trợ tới 50% phí thanh toán quốc tế, phí bảo lãnh trong nước /cam kết thu xếp tài chính và được tham gia các chương trình ưu đãi phí khác. Cùng với đó là ưu đãi tỷ giá ngoại tệ hấp dẫn so với tỷ giá niêm yết.

Ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH)

Ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH)

Quý II/2024, doanh thu và lợi nhuận của TNH đều đạt kế hoạch đề ra và tăng trưởng 15 – 20% so với quý trước đó. Hiện Bệnh viện Việt Yên (Bắc Giang) đã hoàn thành việc xây dựng, chỉ chờ Bộ Y tế cấp phép vận hành. Khi bệnh viện này đi vào hoạt động sẽ giúp tăng doanh thu của cả hệ thống TNH thêm 20%. Chúng tôi kỳ vọng trong quý III sẽ nhận được giấy phép này.

Thời gian qua, TNH đã nhận được giấy phép khám bệnh nghề nghiệp ở các khu công nghiệp. Công ty mở thêm ngành nghề kinh doanh là phòng khám, nha khoa, tiêm chủng… Đây là những lĩnh vực bổ sung vào hệ sinh thái bệnh viện mà TNH đang tập trung. Thời gian tới, Công ty cũng chú trọng đầu tư chuyên sâu, gia tăng các dịch vụ hiện có để tăng nguồn thu dịch vụ.

Trong chiến lược phát triển của TNH đến năm 2030, Công ty dự kiến sẽ đầu tư 10 bệnh viện trên khắp cả nước, trong đó có bệnh viện chuyên khoa u bướu, mắt, phụ sản, đột quỵ… Các bệnh viện ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng là trung tâm đào tạo nhân lực, cung cấp nhân lực cho hệ thống.

Cùng với mở rộng quy mô, TNH đặt mục tiêu gia tăng năng lực quản trị doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu hiệu quả hoạt động. Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên cuối tuần qua, đại diện cho các quỹ đầu tư nước ngoài giới thiệu đã trúng cử thành viên Hội đồng quản trị TNH. Đây là những nhân tố mới bổ sung vào đội ngũ lãnh đạo, quản trị cho Công ty.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/mang-sang-loi-nhuan-quy-ii-post348477.html