Ngày 3/7/2024, VnDirect (VND) vừa đưa ra khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP với tiềm năng tăng giá 15%. Công ty chứng khoán này đã tăng mức giá mục tiêu 24,8% từ 108.300 đồng/cp lên 136.200 đồng/cp khi giá cổ phiếu đã tăng 55,8% từ báo cáo gần nhất.
Theo VND, một trong những nguyên nhân tăng trưởng của ACV là nhờ tăng trưởng quốc tế vượt kỳ vọng bù đắp sự suy giảm của thị trường nội địa.
Theo đó, số lượng hành khách quốc tế năm 2024 sẽ đạt khoảng 94% so với mức trước đại dịch, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ nhờ sự phục hồi của thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc cùng với các chính sách miễn thị thực giúp thu hút khách Châu Âu. Tuy nhiên, VND cũng đưa ra dự báo lượng hành khách nội địa sẽ giảm 10% trong 2024 do tạm thời giảm quy mô đội bay khả dụng.
Nguồn: VnDirect Research |
>> Nếu chuyển sàn thành công, ACV và BSR sẽ lọt rổ VN30?
Đồng thời, các dự án của ACV đều đang tiến triển tích cực như sân bay Long Thành, T3 Tân Sơn Nhất và T2 Nội Bài sẽ hoàn thành trước kế hoạch vài tháng. VND ước tính rằng ACV sẽ nâng tổng công suất thiết kế lên 139/174 triệu hành khách mỗi năm vào 2026/27, tăng lần lượt 43% và 80% so với 2023. Việc mở rộng kịp thời sẽ giúp ACV bắt kịp tăng trưởng nhu cầu di chuyển bằng đường không của Việt Nam.
Bên cạnh đó, những biến động về tỷ giá cũng khá thuận lợi khi giữa năm 2024, ACV đã ký hợp đồng vay tổng cộng 1,8 tỷ USD cho dự án LTIA. Dự kiến đồng VND sẽ mạnh lên so với JPY và USD sẽ mất giá vào cuối năm sẽ giúp ACV tạo ra lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá tới 1.000 tỷ đồng trong 2024.
Tuy nhiên, theo VND việc ACV đang đồn lực đầu tư cho tài sản cổ định dẫn tới suy giảm thu nhập tài chính ròng, do đó lợi nhuận tài chính ròng sẽ ở mức 2.400 tỷ đồng, tương đương với 15,9% LNTT.
Về kết quả kinh doanh năm 2024, VND kỳ vọng doanh thu của ACV năm 2024 sẽ tăng 14,8% lên 22.998 tỷ đồng, lợi nhuận ròng cũng tăng 46,4% so với cùng kỳ. Thu nhập tài chính ròng năm 2024 sẽ đạt 2.400 tỷ đồng.
Các sân bay thuộc sở hữu của ACV. Nguồn: VnDirect Research |
Được thành lập vào năm 2012, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là công ty cổ phần Việt Nam với 95,4% cổ phần nhà nước. Công ty quản lý và vận hành 21 sân bay dân dụng tại Việt Nam, trong đó có 8 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Với mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng hàng không Việt Nam, ACV đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hành khách và hàng hóa trong nước và quốc tế, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế.
Lĩnh vực kinh doanh chính của ACV: Dịch vụ hàng không bao gồm dịch vụ cất cánh và hạ cánh, dịch vụ mặt đất, dịch vụ vận tải hành khách và dịch vụ an ninh hàng không. Ngoài ra còn có các dịch vụ phi hàng không bao gồm cho thuê mặt bằng, cho thuê quảng cáo, bãi đậu xe, tiện ích và khu vực VIP. Đồng thời, có các dịch vụ thương mại, trong đó dịch vụ hành khách chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu. Lợi nhuận ròng từ dịch vụ cất cánh và hạ cánh thuộc về Nhà nước.
Hiện, ACV có 2 công ty con và 10 công ty liên kết, đồng thời sở hữu 9 sân bay quốc tế và 12 sân bay nội địa
>> ‘Cá mập’ liên tục gia tăng tỷ trọng tại doanh nghiệp nhà ACV