Chi tiết

Bị yêu cầu ngừng mô hình chia nhỏ bất động sản để bán, công ty chứng khoán nói gì?

Hơn 2 tuần sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu ngừng các hoạt động phân phối hay chia nhỏ bất động sản vốn từ 10.000 đồng để bán cho nhà đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS cho biết đã chủ động không hiển thị, kết nối các thông tin mới của FNEST trên ứng dụng VPS SmartOne từ ngày 7-6, trước khi có ý kiến của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại cuộc họp thường kỳ Bộ Tài Chính ngày 18-6.

“Trong thời gian tới, VPS sẽ phối hợp cùng FNEST cập nhật thông tin và đề nghị FNEST bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Về nguyên tắc, quyền lợi của khách hàng được bảo đảm, không có bất kỳ ảnh hưởng nào” – đại diện công ty chứng khoán này nêu.

Trước đó, Công ty Chứng khoán VPS hợp tác với Công ty CP FNEST triển khai hình thức đầu tư bất động sản chia nhỏ. Theo đó, giá trị bất động sản được chia thành các cổ phần đầu tư, được gọi là “FNEST”. Trong mỗi đợt mở bán, 1 FNEST có mệnh giá sơ cấp là 10.000 đồng.

Với hình thức này, 1 bất động sản được định giá 10 tỉ đồng sẽ được chia thành 1 triệu Fnest, nhà đầu tư tham gia mua vào từng phần nhỏ, từ đó có thể hưởng lợi từ sự tăng giá trị của bất động sản và các hoạt động khai thác, quản lý.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết pháp luật chứng khoán hiện chưa có quy định cụ thể nào về phương thức đầu tư bất động sản này nên đã yêu cầu VPS tạm ngừng.

Theo ghi nhận của phóng viên, vài tháng trước, một số nhà đầu tư mở tài khoản tại VPS đã được nhân viên môi giới của công ty quảng cáo, mời đầu tư. Một số nhà đầu tư đã tham gia mua bất động sản chia nhỏ trên ứng dụng SmartOne của VPS.

Tuy nhiên, đến nay, một nhân viên môi giới của VPS cho hay công ty đã ngừng mở bán các căn bất động sản mới. Trên ứng dụng SmartOne của VPS, các căn bất động sản thứ cấp cũng hiển thị “đã bán hết”.

Bị yêu cầu ngừng mô hình chia nhỏ bất động sản để bán, công ty chứng khoán nói gì?- Ảnh 1.

FNEST trên ứng dụng SmartOne của công ty chứng khoán VPS. Ảnh chụp màn hình chiều 5-7

Theo VPS, trên thế giới, hình thức đầu tư chung bất động sản là phổ biến, như mô hình của nền tảng Arrived.com ở Mỹ, các ứng dụng của Ấn độ như Strat, Propetyshare, của Newzealand như Miuwi, BrickX, Hatch…

Việc áp dụng ở từng quốc gia còn phải phụ thuộc vào chuyện tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia đó. Mô hình này rất phát triển trên thế giới và có nhiều yếu tố tích cực như: tạo cơ hội cho khách hàng được tiếp cận với nhiều loại hình đầu tư; mở ra cơ hội tiếp cận với đầu tư nói chung và đầu tư có yếu tố bất động sản nói riêng, đặc biệt cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân.

“Nếu phát triển được hình thức mua chung bất động sản này sẽ là cơ hội thúc đẩy phát triển cho nền kinh tế, mang lại lợi ích cho quốc gia và cơ hội cho nhà đầu tư. Do vậy, các cơ quan quản lý nên xem xét, thúc đẩy phát triển mô hình này để tạo động lực đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế nói chung và cho các doanh nghiệp nói riêng, bắt kịp xu hướng chung của thế giới” – đại diện VPS kiến nghị.

Source link