Theo báo Lao Động, ngày 5/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường có buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương và dự Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 của Ban Nội chính Trung ương.
Theo đó, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nhấn mạnh nhiệm kỳ XIII của Đảng sẽ kết thúc sau hơn 1 năm nữa. Do vậy, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Ban Nội chính Trung ương nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Đáng chú ý, Thường trực Ban Bí thư đề nghị tập trung tham mưu chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo đúng kế hoạch.
“Ban Nội chính Trung ương tập trung tham mưu chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn Đại Ninh (Lâm Đồng), Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An… và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng”, ông Lương Cường nhấn mạnh.
>> Những con số ‘khủng’ trong vụ án Trịnh Văn Quyết
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường phát biểu tại buổi làm việc (Nguồn: báo Lao Động) |
Cập nhật thông tin các dự án, vào ngày 22/7 tới, TAND TP. Hà Nội dự kiến sẽ đưa ông Trịnh Văn Quyết cùng 49 người khác ra xét xử trong vụ nâng khống vốn điều lệ của CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) từ con số ban đầu là 1,5 tỷ đồng lên tận 4.300 tỷ đồng về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, Trịnh Văn Quyết còn có tội danh khác là “Thao túng thị trường chứng khoán” với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC và ART.
Đối với dự án Vạn Thịnh Phát, vào ngày 29/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Bản Kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2), đồng thời đề nghị truy tố đối với 34 bị can về 3 tội danh bao gồm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Trước đó, trong giai đoạn 1 của vụ án, vào ngày 11/4, TAND TP. HCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tử hình về tội “Tham ô tài sản” và 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt cho cả 3 tội là tử hình.
Ngoài ra, đối với những sai phạm tại Tập đoàn Phúc Sơn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 23 bị can về các tội danh vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; nhận hối lộ; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi xảy ra tại CTCP phần Tập đoàn Phúc Sơn, CTCP Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan.
Đối với vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 8 bị can và thu giữ 40 tỷ đồng. Hiện tại, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ dấu hiệu sai phạm trong việc đấu thầu, triển khai các dự án, đồng thời, tập trung lực lượng để điều tra, mở rộng vụ án, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, đề xuất xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm.