Diễn biến thị trường chứng khoán tuần qua
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua (1/7-5/7) chứng kiến sự phục hồi đáng kể về mặt điểm số nhưng thanh khoản sụt giảm. Cả 5 phiên giao dịch, VN-Index đều nghiêng trong sắc xanh và tăng 37,72 điểm (+3,03% so với tuần trước), trong đó, tăng cao nhất tại ngày 2/7 với 15,23 điểm và kết thúc tuần tiến tới mốc 1.283 điểm.
Tuy nhiên, giá trị giao dịch chứng khoán sụt giảm đã cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân ở sàn HoSE giảm gần 34,1% so với tuần trước đó; sàn HNX giảm 24,9% và UPCOM giảm 29,9%. Xét riêng khớp lệnh, khối lượng giao dịch đạt 14.962 tỷ đồng/phiên (giảm ngưỡng 26%).
Giúp chỉ số giữ sắc xanh là nhờ điểm tăng tích cực của các nhóm ngành. Đi sâu vào từng mảng, ngành bán lẻ có 1 tuần giao dịch ấn tượng với MSN (+2,68%), MWG (+5,13%), DGW (+5,39%),…Cũng không kém cạnh, nhóm cổ phiếu vận tải – kho bãi ghi nhận mức tăng tốt như HVN (+9,49%), VOS (+9,3%),…và tiêu biểu như các mã cổ phiếu họ dầu khí với PLX (+7,46%), BSR (+5,07%), OIL (+16,53%),…Nhưng nhìn chung, cổ phiếu vốn hoá lớn vẫn đang được dòng tiền đón nhận nhiều nhất, trở thành trụ cột nâng đỡ thị trường.
Ngoài ra, việc tiếp tục bán ròng không ngừng của khối ngoại đã khiến thị trường trở nên kém sôi động. Bán ròng cả 5 phiên liên tiếp với tổng giá trị hơn 2.267 tỷ đồng, nhà đầu tư ngoại mạnh tay xả ròng tập trung tại các mã VRE (-728,4 tỷ đồng), FPT (-463,1 tỷ đồng), VHM (-422,2 tỷ đồng), HPG (-214 tỷ đồng),… Phía ngược lại, DSE (+206,4 tỷ đồng), NLG (+194,4 tỷ đồng), BID (+188,2 tỷ đồng),… là các mã được khối này mua vào nhiều nhất. Tuy nhiên, dù chịu áp lực bị bán ròng của khối ngoại, cổ phiếu công nghệ FPT vẫn lọt TOP 3 cổ phiếu đóng góp tích cực đến VN-Index và vươn lên mức giá 138.700 đồng/cp (+6,28% so với tuần trước đó).
Đón nhận những thông tin tích cực như kết quả tăng trưởng tích cực GDP, dòng vốn FDI cùng các vấn đề vĩ mô liên quan 6 tháng đầu năm cùng kết quả kinh doanh quý II dần được công bố trở thành một trong điểm nhấn đã và đang được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường tuần tới.
Diễn biến cổ phiếu ngân hàng tuần qua
Tiếp tục giữ vững phong độ với vị trí dẫn dắt thị trường, BID (+9,36%), VCB (+3,29%), CTG (+5,48%) lần lượt là những cái tên quen thuộc trong nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường tăng điểm. Đứng ngay vị trí thứ nhất, mã cổ phiếu BID đóng góp tới 5,85 điểm, kế tiếp là VCB với vị trí thứ 2.
Bên cạnh đó, đại diện cho nhóm cổ phiếu “Vua” còn có sự góp mặt của LPB lọt TOP 10 cổ phiếu có tác động tích cực cho VN-Index. Tâm điểm phải kể đến đà tăng mạnh của mã LPB, đóng cửa ở mức đỉnh lịch sử tại 32.200 đồng/cp (+14,18% so với tuần trước đó), cổ phiếu này đã dẫn đầu biên độ tăng và đóng góp khoảng hơn 0,5 điểm cho chỉ số trong phiên cuối tuần ngày 5/7. Không chỉ vậy, các cổ phiếu khác như VPB (+2,68%), MBB (+2,7%), SHB (+3,07%), TPB (+2,9%), OCB (+3,9%),…cũng đứng ở vị thế tăng điểm tốt.
Ngoài ra, có 3 cổ phiếu ngân hàng bao gồm: HDB, EIB, VPB thuộc danh mục TOP 10 cổ phiếu có thanh khoản nhất sàn HoSE.
Đáng chú ý, trong khi một số mã như BID được mua ròng 4 phiên liên tiếp (188,2 tỷ đồng), MSB (38 tỷ đồng), SHB (28 tỷ đồng), TPB (27 tỷ đồng) thu hút được dòng tiền của nhà đầu tư ngoại mua vào thì TCB lại bị bán ròng (-141 tỷ đồng). Trái ngược với động thái bán ròng trong phiên thứ 6 (5/7) thì BID, VCB, STB, SHB là những cổ phiếu được dòng vốn ngoại chảy vào trong, riêng BID (hơn 56 tỷ đồng) chỉ xếp sau NLG và SSI về mặt giá trị.
Cổ phiếu ngân hàng khối quốc doanh và kỳ vọng từ “cuộc đua” tăng vốn
Trao đổi với chúng tôi về tiêm năng tăng giá của nhóm cổ phiếu khối quốc doanh, ông Trần Đức Hiền – Sáng lập Cộng đồng Đầu tư Go Invest cho biết, những năm gần đây, cuộc đua tăng vốn ở khối Ngân hàng TMCP tư nhân diễn ra khá sôi động.
Ông Hiền chia sẻ, nếu như đầu năm 2022, vốn điều lệ của VPBank (VPB) chỉ mới 45.056 tỷ đồng thì đến hết năm 2023, trải qua 2 giai đoạn tăng vốn đặc biệt sau thương vụ bán cổ phần cho SMBC, ngân hàng này đã vươn lên chiếm ngôi đầu toàn ngành với mức kỷ lục 79.339 tỷ đồng.
Tương tự, năm 2024 có nhiều đột phá đối với ngân hàng Techcombank. Chỉ trong đầu năm, Techcombank (TCB) đã có bước nhảy vọt nhờ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100%, đưa ngân hàng này từ vị trí top 8 lên ngay top 2 với mức vốn điều lệ 70.450 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số ngân hàng TMCP tư nhân khác cũng lên kế hoạch bám đuổi khá quyết liệt. MBBank (MBB) ngày 19/3 công bố nâng vốn điều lệ lên 52.871 tỷ đồng nhờ việc bán thành công 73 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho hai cổ đông lớn, là: Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Trong cuộc họp ĐHCĐ ngày 19/4, HĐQT ngân hàng tiếp tục trình phương án tăng vốn điều lệ lên 61.600 tỷ đồng thông qua phương án chia cổ tức và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Ngân hàng ACB mới đây cũng đã thực hiện tăng vốn nhờ hoạt động chia cổ tức bằng cổ phiếu 15%, đưa vốn điều lệ của ngân hàng lên mức 44.667 tỷ đồng. Chính thức vượt qua Agribank để trở thành ngân hàng có quy mô vốn lớn thứ 6 toàn ngành.
Trái ngược với khối tư ngân, hoạt động tăng vốn của khối ngân hàng quốc doanh những năm gần đây diễn ra khá chậm chạp. Điều đó gây cản trở đến khả năng chống chịu các cú sốc kinh tế cũng như việc mở rộng quy mô tín dụng của các ngân hàng trong những năm tới.
Tuy nhiên, các hành động mới đây cho thấy nhóm ngân hàng này đang gấp rút hơn để lấy lại vị thế của mình.
Vietcombank (VCB) thông báo dự kiến ngày 19/8 sẽ họp ĐHCĐ bất thường năm 2024 nhằm thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ 6.5% cổ phần tăng vốn điều lệ. Dự kiến kế hoạch này sẽ được thực hiện trong năm 2024 và hoàn thành trước quý 1/2025. Một nguồn tin từ Bloomberg: nếu phát hành thành công, thương vụ này có thể giúp VCB thu về 1 tỷ USD (khoảng 25.000 tỷ đồng). Ngoài ra tại ĐHCĐ 2024 diễn ra vào ngày 27/04, Ngân hàng cho biết vẫn đang tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn khoảng 27.700 tỷ đồng từ lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước 2018.
BIDV (BID) cũng không chịu kém cạnh. Mới đấy nhất tại cuộc họp ĐHCĐ 2024 diễn ra vào ngày 27/04, ngân hàng này đã được cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn lên 70.624 tỷ đồng tăng 23.9% so với cuối năm 2023 nhờ hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ.
Vietinbank (CTG) trong cuộc họp ĐHCĐ ngày 27/4 cũng đề xuất giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tính cả kế hoạch đã được phê duyệt giữ lại lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn, tổng vốn điều lệ của ngân hàng có thể tăng lên đến 79.148 tỷ đồng.
Về phân tích kỹ thuật VCB, BID, CTG
VCB
Cổ phiếu VCB đã có một nhịp giảm mạnh 15.3% kể từ vùng đỉnh ngày 29/02, giá cao nhất tại đỉnh: 100.500 đồng/cổ phiếu. Hiện tại cổ phiếu đang phục hồi và tích lũy quanh vùng giá: 87.000 – 89.000 đồng/cổ phiếu (Vùng mua hợp lý).
Mục tiêu 3-6 tháng:
Sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật Fibonacci Extension:
Mục tiêu thận trọng: 100.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với Fibo Ext 100%
Mục tiêu tích cực: 118.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với Fibo Ext 168,1%
Diễn biến cổ phiếu VCB thời gian gần đây |
CTG
Cổ phiếu CTG đã có một nhịp giảm mạnh 16,85% kể từ vùng đỉnh ngày 23/2, giá cao nhất tại đỉnh: 37.150 đồng/cổ phiếu. Hiện tại cổ phiếu đang phục hồi và tích lũy quanh vùng giá: 32.000 – 33.000 đồng/cổ phiếu (Vùng mua hợp lý).
Mục tiêu 3-6 tháng:
Sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật Fibonacci Extension:
Mục tiêu thận trọng: 37.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng với Fibo Ext 100%
Mục tiêu tích cực: 45.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với Fibo Ext 168,1%
Diễn biến cổ phiếu CTG thời gian gần đây |
BID
Cổ phiếu BID đã có một nhịp giảm mạnh 24,45% kể từ vùng đỉnh ngày 22/03, giá cao nhất tại đỉnh: 56.700 đồng/cổ phiếu. Hiện tại cổ phiếu đang phục hồi và tích lũy quanh vùng giá: 46.000 – 48.000 đồng/cổ phiếu (Vùng mua hợp lý).
Diễn biến cổ phiếu BID thời gian gần đây |
Mục tiêu 3-6 tháng:
Sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật Fibonacci Extension:
Mục tiêu thận trọng: 54.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với Fibo Ext 100%
Mục tiêu tích cực: 65.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với Fibo Ext 168,1%.
>> Mùa nhận cổ tức, top ngân hàng có mức chi trả ‘mát lòng’ nhà đầu tư