Chi tiết

Mối đe dọa mới với kinh tế Mỹ

Vài năm qua, rủi ro lớn nhất với kinh tế Mỹ là lạm phát, nhưng gần đây thất nghiệp đang trở thành thách thức mới.

Ngay khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, thị trường việc làm vốn sôi động lại phát tín hiệu cảnh báo. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đứng trước nguy cơ mắc sai lầm chính sách khi giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài.

CNN nhận định đó là lý do vì sao một số nhà kinh tế học muốn Fed “nới tay” trong cuộc chiến chống lạm phát. Họ cho rằng nếu làm quá, kinh tế Mỹ có thể bị đẩy vào suy thoái. “Đã đến lúc giảm lãi suất rồi. Lạm phát đang dần không còn là mối bận tâm chính nữa. Rủi ro đang nghiêng về phía thị trường lao động”, Joe Brusuelas, kinh tế trưởng tại RSM cho biết.

Mark Zandi – kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics cho rằng thị trường việc làm Mỹ đang chịu sức ép do lãi vay cao. “Fed đã giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian rất dài. Hiện tại, họ ra tín hiệu sẽ giảm lãi vào tháng 9 là hợp lý. Nhưng nếu đợi lâu hơn, tôi sợ rằng sẽ là quá đà”, ông nói.

Kể cả Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận cán cân rủi ro đang có sự thay đổi lớn. “Lạm phát tăng tốc không phải rủi ro duy nhất chúng tôi đối mặt nữa. Thị trường lao động cũng đang hạ nhiệt”, ông cho biết trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 9/7.

Người Mỹ xếp hàng bên ngoài một trung tâm việc làm ở Kentucky (Mỹ). Ảnh: Reuters

Người Mỹ xếp hàng bên ngoài một trung tâm việc làm ở Kentucky (Mỹ). Ảnh: Reuters

Mỹ vẫn đang tạo thêm việc làm mới hàng tháng với tốc độ ổn định, thậm chí tốt hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế học cách đây một năm. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi. Bên dưới, các vết nứt đã bắt đầu xuất hiện.

Tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn ở mức thấp. Nhưng 3 tháng qua, số liệu này tăng đáng kể. Đây là dấu hiệu thị trường lao động sắp đến bước ngoặt, các nhà kinh tế học tại hãng kiểm toán KPMG cho biết.

Hoạt động tuyển dụng trong các ngành giải trí, khách sạn đã chậm lại đáng kể. Đây là lĩnh vực được người dân chi tiền vào nhiều nhất. Tốc độ nghỉ việc cũng giảm mạnh, kéo theo tuyển dụng đi xuống.

Trong cuộc điều trần hôm 9/7, Powell đã nhấn mạnh các thay đổi này. Ông nói với các nghị sĩ Mỹ rằng những số liệu gần đây “gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng thị trường đang hạ nhiệt đáng kể trong 2 năm qua” và “nền kinh tế không còn quá nóng”. Dù vậy, đây chính là mục tiêu Fed hướng tới khi bắt đầu chiến dịch nâng lãi chưa từng có tiền lệ đầu năm 2022. Cơ quan này đã tăng lãi suất 11 lần liên tiếp để ghìm lạm phát sau đại dịch.

Hiện tại, rủi ro là Fed vẫn cho kinh tế Mỹ “uống thuốc chống lạm phát” khi không cần thiết nữa. Việc này có thể khiến thị trường lao động chuyển từ hạ nhiệt sang đóng băng, gây ra tình trạng thất nghiệp. Trong tháng 6, Mỹ có thêm 206.000 việc làm. Powell nhận định con số này cho thấy thị trường hiện “cân bằng”.

Tuy nhiên, Brusuelas cho rằng việc Fed giữ lãi suất ở mức cao “sẽ khiến thị trường lao động không giữ được trạng thái cân bằng lâu”. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng. Dù điều này không đồng nghĩa các doanh nghiệp sẽ sớm sa thải hàng loạt, rủi ro suy thoái có thể nhen nhóm nếu Fed không giảm lãi suất sớm.

Trong một báo cáo đầu tuần này, Ken Kim – nhà kinh tế học tại KPMG cho biết lĩnh vực dịch vụ – cỗ máy tăng trưởng của kinh tế Mỹ – đang đột ngột yếu đi. “Lạm phát không còn là mối lo chính nữa. Fed nên lo ngại về thị trường lao động và kinh tế đang giảm tốc nhanh. Hạ cánh mềm là mục tiêu, nhưng hạ cánh cứng đang là rủi ro”, ông nói.

Dù vậy, vẫn còn nhiều yếu tố có thể khiến lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trở lại. Đó là chiến sự tại Trung Đông và Ukraine, có nguy cơ khiến giá năng lượng tăng vọt.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới cũng có thể tác động đến kinh tế nước này. Một số nhà kinh tế lo ngại chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump, như giảm thuế cho doanh nghiệp, siết nhập cư và tăng thuế nhập khẩu sẽ thổi bùng lạm phát.

Hiện tại, Fed đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu cơ quan này giảm lãi suất quá sớm, lạm phát có thể tăng trở lại, khiến tình hình càng tệ. Họ không muốn lặp lại sai lầm trước đây. Thập niên 70 của thế kỷ trước, Fed tăng lãi suất nhanh để ghìm lạm phát, sau đó giảm trước khi kiểm soát được hoàn toàn tình hình. Giá cả nhanh chóng leo thang, buộc họ áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn.

Nhưng nếu giảm lãi chậm, họ có thể khiến tình hình càng tệ hơn, thậm chí đẩy Mỹ vào suy thoái, Zandi cảnh báo.

Hà Thu (theo CNN, Reuters)


Nguồn tin: https://vnexpress.net/moi-de-doa-moi-voi-kinh-te-my-4768872.html