>>> Vốn cho bất động sản: Không chỉ từ tín dụng ngân hàng
Theo Luật các TCTD 2024, kể từ ngày 1/7/2024, giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với khách hàng và người có liên quan sẽ giảm xuống mức 14% và 23% vốn tự có của một ngân hàng (thay vì mức 15% và 25% như quy định tại Luật các TCTD 2010) và sẽ giảm tiếp theo lộ trình về còn 10% và 15% vốn tự có từ 1/1/2029.
Cũng có ý kiến lo ngại việc siết chặt giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng sẽ làm giảm khả năng cung ứng tín dụng của các ngân hàng thương mại, từ đó ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung. Luồng ý kiến này càng tỏ ra quan ngại hơn với bối cảnh năm nay khi mà tín dụng vẫn đang tăng trưởng ì ạch.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng, những lo ngại này là không có cơ sở. Bởi vì, hiện nay số lượng các khoản vay vượt quá giới hạn vốn tự có của một ngân hàng thương mại là không nhiều, nhất là khi hiện quy mô của các ngân hàng đã tăng lên đang kể trong thời gian qua.
>>> Kỳ vọng nợ xấu giảm nhẹ, tín dụng tăng 3,7% trong quý III/2024
Còn với những khoản vay vượt quá giới hạn cấp tín dụng của một ngân hàng thương mại thì ngân hàng có thể thu xếp để cho vay hợp vốn cùng với các ngân hàng khác. Chẳng hạn, 3 ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV cho vay hợp vốn tới 1,5 tỷ USD cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thực hiện dự án thành phần 3 sân bay Long Thành. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp phải vay hợp vốn, thì có thể sẽ chịu chi phí vay vốn cao hơn, vì phải qua thẩm định của nhiều ngân hàng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng khá thấp trong những tháng đầu năm nay không phải là do khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng, mà bởi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang rất yếu. Bằng chứng là thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua dư thừa khá nhiều, và để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phải phát hành tín phiếu để hút bớt lượng thanh khoản dư thừa này.
Lãnh đạo các ngân hàng cũng cho biết, việc siết giới hạn cấp tín dụng không ảnh hưởng tới hoạt động cho vay của họ. Hơn nữa, trong tương lai khi vốn điều lệ, vốn tự có của các ngân hàng thương mại tăng lên thì mức cho vay đối với một khách hàng cũng sẽ tăng lên tương ứng.
Đặc biệt, việc siết giới hạn cấp tín dụng sẽ giúp các ngân hàng thương mại có cơ hội đa dạng hóa danh mục tín dụng, phân tán rủi ro tín dụng cho nhiều đối tượng vay khác nhau. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nhỏ sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Ngăn ngừa rủi ro hệ thống
Còn nhớ khi giải trình về lý do mà NHNN đề xuất siết giới hạn cấp tín dụng tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV trong phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Dự thảo Luật các TCTD quy định giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng; đồng thời có cơ chế để các TCTD đồng tài trợ với nhau. Bởi vì, nếu một ngân hàng cho vay một doanh nghiệp có nhu cầu vốn rất lớn thì mức độ tập trung rủi ro tín dụng cũng sẽ rất lớn. Việc đồng tài trợ sẽ là chia rủi ro đối với các ngân hàng. Khi doanh gặp vấn đề thì các ngân hàng cũng chia sẻ rủi ro”. Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng, quy định này còn có tác dụng ngăn ngừa tình trạng cho vay “sân sau”, sở hữu chéo…
Giới chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm nói trên và cho rằng, việc siết giới hạn cấp tín dụng là cần thiết để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, quy định giới hạn cấp tín dụng cho một và một nhóm khách hàng được điều chỉnh giảm dần sẽ giúp giảm rủi ro tập trung tín dụng cho các TCTD.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ khiến các ngân hàng hạn chế tình trạng tập trung vốn tín dụng vào một khách hàng hay nhóm khách hàng, khuyến khích đồng tài trợ, từ đó giảm rủi ro, tăng cường minh bạch. Việc giảm giới hạn cấp tín dụng cũng sẽ thúc đẩy phát triển thị trường vốn, tránh doanh nghiệp quá phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng.
Đặc biệt, giảm giới hạn cấp tín dụng, khuyến khích các ngân hàng đồng tài trợ sẽ góp phần giảm rủi ro cho các ngân hàng. Hơn nữa, khi nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia tài trợ vốn, thì sẽ nhiều người tham gia thẩm định, kiểm tra, xét duyệt tín dụng. Khi đó, sẽ đảm bảo tính khách quan, minh bạch hơn rất nhiều.
Đánh giá của bạn: