Chi tiết

Khối ngoại miệt mài bán ròng cổ phiếu: Đáng lo?

Tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) hơn 3 năm, anh Khánh Minh (ngụ quận 10, TP HCM) thường chọn cổ phiếu có nền tảng tốt để nắm giữ dài hạn. Một trong những tiêu chí mà anh tham khảo để đầu tư là quan sát động thái của khối ngoại. “Thấy khối ngoại bán ròng từ đầu năm tới nay, tôi cũng lo vì danh sách cổ phiếu đều là của doanh nghiệp lớn, có kết quả kinh doanh tốt” – anh băn khoăn.

Tạo sức ép lên VN-Index

Một thống kê cho thấy trong nửa đầu năm 2024, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng lượng cổ phiếu trị giá hơn 2 tỉ USD (hơn 50.000 tỉ đồng) trên TTCK Việt Nam. Riêng tuần giao dịch vừa qua (từ ngày 8 đến 12-7), khối này tiếp tục bán ròng gần 4.500 tỉ đồng, trong đó tâm điểm rơi vào mã FPT với giá trị bán ròng 1.334 tỉ đồng. Tiếp đó là 2 mã MWG và VHM, bị bán lần lượt 551 tỉ đồng và 467 tỉ đồng.

Các chuyên gia nhìn nhận chính sức ép bán ròng của khối ngoại suốt thời gian qua là một trong những rào cản lớn nhất khiến VN-Index chưa thể vượt qua mốc 1.300 điểm. Ông Nguyễn Quang Hưng, chuyên gia kinh tế cao cấp của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, cho rằng có rất nhiều nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài giảm tỉ trọng ở TTCK Việt Nam.

“Những bất ổn kinh tế, chính trị toàn cầu và lo ngại về chính sách tiền tệ của các cường quốc, điển hình là Mỹ, đã tác động mạnh đến dòng vốn đầu tư ngoại, làm tăng áp lực bán ròng cổ phiếu. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, VN-Index có hiệu suất trên 16%, nằm trong tốp 5 chỉ số có hiệu suất tốt nhất châu Á. Việc chốt lời của khối ngoại để bảo toàn lợi nhuận là điều dễ hiểu và hợp lý. Có thể thấy rõ qua việc trong số gần 2 tỉ USD bán ròng, gần 20% tập trung vào các mã tăng trưởng mạnh như FPT và Diamond ETF” – ông Hưng dẫn chứng.

Động thái bán ròng cổ phiếu liên tục của khối ngoại ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư trong nước và đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Động thái bán ròng cổ phiếu liên tục của khối ngoại ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư trong nước và đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư – Quỹ đầu tư VinaCapital, việc nổi lên của các cổ phiếu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn đã phần nào hút dòng tiền của khối ngoại đổ về Mỹ. Ngoài ra, dòng tiền còn đổ về các TTCK Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc – những nơi có nhiều cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và AI. Việc các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở hầu hết thị trường mới nổi khác.

Việc đầu tư vào thị trường cận biên đang dần kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi các cổ phiếu ở thị trường Mỹ vẫn liên tục có mức tăng ấn tượng. Việc quỹ Ishares Frontier and Select EM ETF giải thể và thanh lý toàn bộ hơn 100 triệu USD cổ phiếu Việt Nam trong tháng 6 đã phản ánh điều này.

Nhà đầu tư nội “cân hết”

Chuyên gia của Dragon Capital nhận xét động thái bán ròng cổ phiếu từ khối ngoại đã và đang tạo áp lực lên VN-Index.

Tuy nhiên, lượng cổ phiếu khối ngoại bán ra được hấp thụ bởi các nhà đầu tư trong nước, không ảnh hưởng quá lớn đến đà tăng trưởng của thị trường. Thực tế cho thấy trong một số phiên giao dịch, khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn nhiều hơn bình thường, thị trường biến động mạnh nhưng sau đó đà rơi được chặn đứng, giá cổ phiếu và các chỉ số nhanh chóng tìm được điểm cân bằng và đảo chiều đi lên.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư – Công ty Chứng khoán Maybank, nhận định động thái của khối ngoại không ảnh hưởng quá lớn đến TTCK Việt Nam, chủ yếu mang tính chất tâm lý. Giai đoạn 2010-2019, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm tới 20% toàn thị trường, song hiện chỉ còn chưa tới 10% nên tác động không quá mạnh. Nhà đầu tư cá nhân hiện chiếm tỉ trọng lớn trên thị trường nên áp lực bán ròng của khối ngoại đều được nhà đầu tư trong nước “cân hết”.

Theo các chuyên gia, rất khó dự đoán chính xác thời điểm khối ngoại ngừng bán ròng cổ phiếu. Tuy nhiên, áp lực này có thể giảm bớt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu về khả năng cắt giảm lãi suất hoặc triển vọng nâng hạng TTCK Việt Nam rõ nét hơn.

Về triển vọng nâng hạng TTCK Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hưng cho rằng nếu chúng ta xử lý được vấn đề ký quỹ trước giao dịch (prefunding) cho các nhà đầu tư nước ngoài và đáp ứng tiêu chí tăng hạng vào năm 2025 như mục tiêu đã đề ra thì khối ngoại chắc hẳn sẽ cân nhắc lại. Quan trọng là nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết đang phục hồi, thị trường sẽ có mức định giá hấp dẫn hơn vào cuối năm. Đây là thời điểm hợp lý để đầu tư dài hạn vào thị trường Việt Nam.

“Danh mục cổ phiếu mà VinaCapital theo dõi chiếm khoảng 90% vốn hóa thị trường. Dự báo tăng trưởng tổng lợi nhuận cả năm của các doanh nghiệp này có thể đạt khoảng 20%. Dù TTCK vẫn có thể chịu ảnh hưởng bởi tỉ giá và lãi suất nhưng áp lực này sẽ giảm bớt trong thời gian tới” – ông Đinh Đức Minh nhìn nhận. 

Theo báo cáo chiến lược vĩ mô tháng 7-2024, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) thống kê trong quý II, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trên diện rộng, nâng tổng giá trị rút ròng nửa đầu năm tới gần 47.000 tỉ đồng – cao hơn gấp đôi giá trị bán ròng năm 2023. Tính cả giao dịch thỏa thuận, giá trị rút ròng là hơn 52.000 tỉ đồng (hơn 2 tỉ USD).

Quý II/2024, khối ngoại tập trung bán ròng nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản dân cư, thực phẩm đồ uống, dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin. Các nhóm cổ phiếu dòng bán lẻ, phụ tùng ô tô và bất động sản khu công nghiệp được mua ròng…

“Hiện tỉ trọng đóng góp vào tổng giá trị giao dịch của khối ngoại khoảng 9,6%. Trong khi đó, khối nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn giao dịch sôi động trong bối cảnh lãi suất tiền gửi neo ở mức thấp và hấp thụ tốt lượng cung từ khối ngoại” – chuyên gia SSI Research phân tích.

Source link