Chi tiết

Người Nhật bỏ túi cổ tức cao kỷ lục từ chủ thương hiệu Wonderfarm

Người Nhật bỏ túi cổ tức cao kỷ lục từ chủ thương hiệu Wonderfarm

CTCP Thực phẩm Quốc tế (Interfood, UPCoM: IFS), chủ thương hiệu trà bí đao Wonderfarm, có 2 năm liên tiếp dốc toàn bộ lợi nhuận giữ lại để trả cổ tức. Sắp tới, Interfood sẽ chi hơn 209 tỷ đồng trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 24% bằng tiền.

Interfood vừa thông báo chốt danh sách nhận cổ tức năm 2023 tỷ lệ 24% bằng tiền (sở hữu 1 cp được nhận 2,400 đồng), mức cao nhất từ khi niêm yết năm 2006. Với 87.14 triệu cp đang lưu hành, Doanh nghiệp cần chi hơn 209 tỷ đồng trả cổ tức. Đây là toàn bộ số tiền lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2023.

Ngày giao dịch không hưởng quyền là 01/08 và ngày thanh toán là 09/09/2024.

Sau khi xóa hết lỗ lũy kế năm 2021, Interfood đã có 2 năm liên tiếp dốc toàn bộ lợi nhuận giữ lại để trả cổ tức. Gần nhất, mức cổ tức 2022 là 17.8% bằng tiền, tương ứng chi gần 156 tỷ đồng.

Phần lớn cổ tức chảy về túi của cổ đông nước ngoài – Kirin Holdings Singapore Pte. Ltd, công ty con 100% vốn đầu tư của Kirin (Tập đoàn sản xuất thực phẩm lớn tại Nhật Bản). Tổ chức này đang sở hữu 95.66% vốn điều lệ của Interfood.

Trước đó, Kirin trở thành cổ đông lớn của Interfood vào năm 2011 sau khi nhận chuyển nhượng cổ phần từ cổ đông Malaysia.

Về tình hình kinh doanh, quý 1/2024, Interfood đạt doanh thu thuần 447 tỷ đồng và lãi ròng 50 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 69% so với cùng kỳ năm 2023; thực hiện được 22% chỉ tiêu doanh thu và 26% mục tiêu lợi nhuận năm.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu IFS đã tăng hơn 13% trong gần 2 tháng qua và đóng cửa phiên 16/07 tại mức 34,100 đồng/cp, chỉ cách 10% từ đỉnh lịch sử 37,700 đồng/cp lập vào phiên 13/03/2024. Thanh khoản không cao, bình quân từ đầu năm đạt hơn 8,200 cp/ngày.



Diễn biến giá cổ phiếu IFS từ đầu năm 2024

Trong diễn biến khác, ngày 06/05, Interfood nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Cục thuế tỉnh Đồng Nai cho công ty con là Công ty TNHH Thực phẩm AVA (được sáp nhập vào IFS từ năm 2020).

Quyết định nêu rõ Thực phẩm AVA bị phạt, truy thu và tiền chậm nộp gần 4.6 tỷ đồng do có hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số thiếu phải nộp trên hồ sơ kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2018-2020; đồng thời kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp trên hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 1/2020.

Thế Mạnh

FILI



Source link