Chi tiết

Động lực mới cho nhóm năng lượng

Tâm lý thị trường được cải thiện tích cực đối với một số cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ cơ chế DPPA như PC1, GEG, BCG, REE, HDG…

(ĐTCK) Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) được kỳ vọng tạo ra động lực mới đối với nhiều cổ phiếu nhóm ngành năng lượng, mang lại lợi ích cho nhiều bên.

Cơ hội rộng mở

Ngày 3/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Với cơ chế mới, việc mua bán điện sẽ được thực hiện thông qua 2 hình thức: một là, mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng lớn (giá bán điện hai bên tự thoả thuận); hai là, mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia.

Ông N.V, một chuyên gia đang công tác trong ngành năng lượng tái tạo cho biết, cơ chế DPPA được thông qua là một quyết định rất tích cực và hợp lý của Nhà nước với nhiều bên; đồng thời giúp giảm tải áp lực lên hệ thống điện quốc gia.

Ở phía người bán điện, với số lượng các dự án năng lượng tái tạo quá lớn và tràn lan hiện nay, DPPA sẽ giúp các chủ đầu tư sớm được giải phóng nguồn điện dư thừa. DPPA cũng là các hợp đồng dài hạn, nhà sản xuất điện sẽ chủ động được về sản lượng điện bán ra, có nguồn thu nhập ổn định và dự báo được doanh thu trong dài hạn.

Đối với kế hoạch tài chính, các hợp đồng DPPA giúp nhà sản xuất điện dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư nhờ hợp đồng cố định với khách hàng. Chưa kể, việc bán điện thông qua DPPA giúp nhà sản xuất điện tránh được sự biến động giá cả trên thị trường điện.

Ở phía người mua điện, theo cơ chế mới, nhóm đối tượng được tham gia vào thị trường mua bán điện trực tiếp được quy định mức tiêu thụ điện hàng tháng là từ 200.000 kWh (quy định trước đó là 500.000 kWh), giúp nhiều đối tượng được tiếp cận hơn với nguồn điện sạch.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, DPPA là cơ hội lựa chọn nguồn điện sạch đầu vào – yếu tố vô cùng quan trọng, giúp doanh nghiệp sớm nhận được chứng chỉ giảm phát thải carbon và đảm bảo tuân thủ ESG, tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu hàng hoá ra thị trường quốc tế.

Từ góc độ các doanh nghiệp tham gia sân chơi bán điện, doanh nghiệp điện tái tạo sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ cơ chế DPPA, giúp tăng trưởng về kết quả kinh doanh trong dài hạn.

Ông Trịnh Văn Hà, chuyên gia tài chính nhận định, các doanh nghiệp được hưởng lợi tốt nhất với các dự án mới chưa thực hiện, chưa có khách hàng và chưa ký kết hợp đồng mua bán điện. Doanh nghiệp có dự án chuyển tiếp chưa chốt giá bán điện có cơ hội tìm kiếm cơ hội tốt hơn trên thị trường. Lúc này, hai bên mua và bán sẽ tự thoả thuận giá điện.

Trên thị trường chứng khoán, tâm lý thị trường được cải thiện tích cực đối với một số cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ cơ chế DPPA như PC1, GEG, BCG, REE, HDG…

Trong đó, Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã GEG) là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Ở mảng điện mặt trời, Công ty đang có 6 dự án với tổng công suất hơn 342 MWp; 34 hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất 32 MWp, chưa kể các dự án điện gió khác. Do đó, GEG là doanh nghiệp sớm nhận được chú ý sau khi cơ chế DPPA được thông qua.

Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã BCG) có công ty con là Công ty cổ phần BCG Energy – phụ trách mảng năng lượng, hiện vận hành khoảng 600 MW điện mặt trời, với các nhà máy BCG Long An 1, BCG Long An 2, BCG Vĩnh Long, BCG Phù Mỹ, Krong Pa 2. Ngoài ra, BCG Energy đang phát triển các hệ thống điện mặt trời khác. Theo Quy hoạch Điện VIII, BCG Energy sở hữu danh mục gần 1 GW đã được phê duyệt. Công ty chuẩn bị đưa cổ phiếu lên thị trường UPCoM với mã chứng khoán BGE.

Với Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (mã PC1), doanh nghiệp có mục tiêu đầu tư và quản lý 350 MW năng lượng tái tạo vào năm 2025, vận hành thành công 1 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2035. Từ năm 2021, PC1 đã cho vận hành cụm nhà máy điện gió Liên Lập, Phong Lập, Phong Nguyên tại Quảng Trị, với tổng công suất 144 MW và đủ điều kiện bán điện giá FIT.

Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã REE) hay Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) là các doanh nghiệp đa ngành, có mục tiêu tăng tỷ trọng đầu tư vào các nhà máy điện tái tạo.

Khâu thực thi có thể khó khăn

Ngành điện có thêm động lực từ cơ chế DPPA, nhưng cơ chế này không dễ thực hiện. Nếu thực hiện một cách dễ dàng thì các nước phát triển đã sử dụng hết điện tái tạo mà không cần nhiệt điện.

Cơ chế DPPA mang đến kỳ vọng cải thiện mạnh mẽ thị trường điện vốn đang có nhiều thách thức. Tuy nhiên, theo một chuyên gia, chính sách là một chuyện, nhưng thực thi chính sách là một chuyện câu chuyện khác.

Vấn đề lớn nhất được chỉ ra là việc vận hành phải đảm bảo ổn định. Các nguồn điện tái tạo phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, đặc biệt điện mặt trời chỉ đạt tối đa công suất vào cao điểm buổi trưa, đến buổi tối không còn nguồn năng lượng tự nhiên, có nghĩa cần có bộ lưu trữ điện năng (BESS) với chi phí đầu tư rất lớn. Phương án khác là cần một nguồn điện bù đắp vào thời điểm không thể huy động điện từ năng lượng tái tạo. Hiện nay, hai nguồn điện chạy nền quan trọng nhất vẫn là điện than (miền Bắc) và điện khí (miền Nam).

Chuyên gia N.V phân tích, bình thường, các nhà máy điện chạy 100% công suất để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt, nhưng nếu đẩy mạnh điện mặt trời hay điện gió thì buộc phải cắt giảm công suất của nhiệt điện. Trong khi đó, khởi động một nhà máy nhiệt điện cần từ 48 – 60 giờ.

“Doanh nghiệp mua điện tái tạo dùng cho sản xuất khi thiếu thì phải mua điện từ Nhà nước, nhưng làm sao Nhà nước bù đắp kịp được trong thời gian ngắn, điều này rất khó. Do đó, việc phát triển cơ chế mua bán điện cần phải đi cùng yếu tố ổn định và bền vững”, vị chuyên gia nói.

Còn phía các doanh nghiệp nhiệt điện với nhiệm vụ chạy nền đảm bảo nguồn điện ổn định, chi phí để các nhà máy khởi động cũng rất lớn, chưa kể giá khí đầu vào hiện ở mức cao nên cần tính toán để doanh nghiệp bù đắp được sản lượng hao hụt (khi tăng điện tái tạo) và chi phí vận hành lớn.

Khó khăn thứ hai là việc truyền tải điện từ người bán đến người mua. Trong trường hợp đơn vị phát điện muốn bán điện qua đường dây kết nối riêng thì chi phí bỏ ra để xây dựng đường dây là rất lớn và phức tạp, bao gồm vấn đề pháp lý, công tác giải phóng mặt bằng, chi phí đền bù, chi phí xây dựng…

Phương án khả thi hơn là bán điện thông qua lưới điện quốc gia. Đặc biệt, với các khách hàng lớn miền Bắc muốn mua điện tái tạo thì buộc phải thông qua hệ thống điện chung vì các dự án tập trung chủ yếu ở phía Nam, việc muốn làm một lưới điện riêng gần như là không thể.

Ông Trịnh Văn Hà khẳng định, phương án để các doanh nghiệp tự xây dựng đường dây riêng là rất khó, không thể làm được do không khả thi cả về kỹ thuật lẫn tài chính, nên cần thông qua hệ thống của EVN và chấp nhận chi phí coi như thuê đường dây bán điện đến khách hàng.

Bên mua mua được điện cũng có cái khó riêng. Nhiều doanh nghiệp đặt nhà máy sản xuất trong các khu công nghiệp muốn mua nguồn điện khác hệ thống thì cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, cần thông qua ban quản lý khu công nghiệp, giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy…

“Nếu thực hiện một cách dễ dàng thì các nước phát triển đã sử dụng hết điện tái tạo mà không cần nhiệt điện. Dù tôi đánh giá cao việc Nhà nước cởi trói cho cơ chế DPPA, nhưng rất khó để biết chính xác thời gian Việt Nam có thể thực hiện được. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm”, ông Hà nhấn mạnh.

Theo ông Hà, về nguyên tắc, doanh nghiệp được tham gia cơ chế DPPA, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thì không dễ để làm.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/dong-luc-moi-cho-nhom-nang-luong-post349395.html