Ngày 17-7, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo “Luật Đất đai 2024: Giải pháp thực thi hiệu quả cho nhà đầu tư”.
Nhiều điểm mới, tích cực
Nói về những điểm tích cực của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1-8 tới, luật sư Nguyễn Văn Hải, Công ty Luật TNHH YKVN, cho biết luật mới đã nới rộng quyền tiếp cận đất đai thông qua các phương thức đấu giá đối với đất đã được nhà nước thu hồi theo điều 79; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất hoặc thỏa thuận. Nhờ vậy, doanh nghiệp (DN) có thể thỏa thuận với chủ đất để nhận chuyển nhượng và có đất phát triển nhà ở thương mại nếu đáp ứng các thủ tục, quy hoạch và quy định khác tại địa phương.
Ngoài ra, Luật Đất đai 2024 đã chuyển hình thức trả tiền thuê đất đối với dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao từ hằng năm sang trả tiền một lần đối với toàn bộ hoặc từng phần diện tích kinh doanh. Từ đó, chủ đầu tư có quyền cho thuê lại đất với hình thức trả tiền thuê đất một lần hoặc hằng năm. Điều này giúp mang lại nguồn thu ổn định từ đất đai cho nhà nước, chủ đầu tư và giúp người thuê đất phát triển ổn định.
Luật cũng quy định người sử dụng đất chỉ được chuyển đổi hình thức trả tiền thuê đất từ hằng năm sang trả tiền một lần nếu đất đang sử dụng thuộc dự án sản xuất nông – lâm nghiệp, thủy sản; đất khu công nghiệp, khu công nghệ cao, đất thương mại dịch vụ để hoạt động kinh doanh du lịch, văn phòng… “Các vụ tranh chấp có thể sẽ được xử lý dễ dàng và nhẹ nhàng hơn bằng Trọng tài thương mại Việt Nam sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, ngoài các hình thức cũ là UBND hoặc tòa án” – luật sư Hải kỳ vọng.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết Luật Đất đai mới cho phép nhà đầu tư nước ngoài, Việt kiều được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao; nhà đầu tư ngoại cũng được nhận chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ… “Những điểm mới này sẽ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh, đồng thời thổi làn gió mới làm cho thị trường bất động sản (BĐS) sôi động trở lại, mang lại nguồn thu và thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh” – ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, các DN và tổ chức cần lưu ý tìm hiểu luật mới một cách toàn diện, tránh tra cứu theo từng điều khoản. Việc này sẽ hỗ trợ DN vận dụng luật một cách hiệu quả và đánh giá đúng các yếu tố đang gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của DN.
Là đơn vị đang hỗ trợ các nhà đầu tư là người Việt định cư ở nước ngoài, ông Hoàng Minh Thắng, Trưởng Phòng Phát triển kinh doanh TMA Innovation, cho rằng các quy định trên không chỉ giúp các nhà đầu tư Việt kiều thuận lợi rót tiền về Việt Nam mà còn giúp DN có thêm cơ hội đẩy nhanh việc thực hiện các dự án xây dựng công viên công nghệ, tòa nhà văn phòng… “Với những quy định trên, các thủ tục liên quan đến đất đai đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được cắt giảm khá nhiều, gần như tương đương DN trong nước. Hy vọng khi Luật Đất đai mới được triển khai, các quy định sẽ được thực thi hiệu quả, sẽ là động lực to lớn giúp DN vươn tầm” – ông Thắng chia sẻ.
Theo lãnh đạo một công ty kinh doanh BĐS có tiếng tại TP HCM, sự phát triển của DN địa ốc ngoài đầu ra là căn hộ, nhà phố… thì đầu vào là đất đai đóng vai trò then chốt, quyết định sự sống còn của DN. Với những quy định mới của Luật Đất đai 2024, ông dự báo những đơn vị có quỹ đất đẹp, có pháp lý tốt, sắp tới sẽ hưởng lợi rất lớn. “Để cụ thể và chi tiết, rõ ràng hơn, tôi đề xuất cơ quan chức năng ban hành sớm các nghị định, thông tư hướng dẫn trong trường hợp gặp vướng, gặp khó sau khi Luật Đất đai 2024 được triển khai” – lãnh đạo này nói.
Những việc cần làm ngay
Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp nghe báo cáo hoàn thiện dự thảo 2 Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh BĐS và quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp thu, thể chế hóa thời gian thực hiện các bước, thủ tục điều tiết thị trường BĐS, bảo đảm tính khả thi, kịp thời, phù hợp.
Ở góc độ chuyên gia, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, kiến nghị bổ sung quy định xác định ngưỡng biến động của thị trường BĐS đến mức phải thực hiện các giải pháp điều tiết.
Trong khi đó, PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng để thị trường BĐS Việt Nam thực sự ổn định và phát triển trở lại, rất cần một chữ “thông”, trong đó đặc biệt cần thiết phải “thông cầu, thông cung” – để cung và cầu BĐS bị tắc nghẽn hiện nay có thể gặp nhau, thị trường mới “đổi sắc”. Ông Thiên đề xuất một số việc cần phải làm ngay.
Thứ nhất, các vướng mắc thể chế phải được giải quyết nhanh và dứt điểm, để không kìm hãm nhịp phục hồi của thị trường.
Thứ hai, thông các nguồn lực và có biện pháp thúc đẩy, tạo cơ hội để cả DN kinh doanh BĐS và khách hàng/nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận nguồn vốn thuận lợi với mức lãi suất thật sự hỗ trợ, tạo động cơ tăng trưởng và phát triển mới.
Thứ ba, xem xét các giải pháp cải thiện mức lương tối thiểu để người dân có cơ hội tăng thu nhập, từ đó thúc đẩy nhu cầu tăng lên.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện các giải pháp thu hút dòng đầu tư để duy trì và thúc đẩy phân khúc BĐS công nghiệp, thương mại và du lịch, nghỉ dưỡng.
Quan trọng nhất, PGS-TS Trần Đình Thiên lưu ý các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ, nút thắt nào có cơ hội được giải tỏa thì cần làm ngay để tránh mất đà phục hồi của thị trường. “Khơi thông vốn cho thị trường BĐS chính là khâu trọng yếu đó” – ông Thiên nhấn mạnh.
Quy định rõ thế nào là “gốc Việt”
Ông Phan Đức Hiếu cho biết Luật Đất đai 2024 đã quy định cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và thay khái niệm “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” bằng “người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Cả hai đối tượng này được quyền sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Mã Xuân Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư BĐS TP HCM (HOREC), cần quy định rõ ràng về từ “gốc” trong trường hợp này. “Ví dụ, hai ông bà người Việt Nam có người con đi qua Mỹ và lấy vợ quốc tịch Mỹ, sinh ra con và có quốc tịch Mỹ. Vậy đứa con đó có xem là gốc Việt Nam hay không? Hoặc người Việt nhưng định cư ở nước ngoài đã lâu, không còn chứng minh thư, giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam có được xem là gốc Việt?” – ông Tuấn đặt vấn đề.