Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các tổ chức tín dụng này từng bước phục hồi. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng hoàn thiện và triển khai quyết liệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 nhằm góp phần bảo đảm hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, hiệu quả, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG TÍCH CỰC TRIỂN KHAI PHƯƠNG ÁN CƠ CẤU LẠI
Đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng hoàn thành xây dựng phương án cơ cấu lại trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đang tích cực triển khai thực hiện.
Đối với 3 ngân hàng “0 đồng” mua bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển giao bắt buộc đối với Oceanbank và CB; đồng thời đang tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc và ngân hàng mua bắt buộc còn lại hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc.
Đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), theo báo cáo của SCB và Ban Kiểm soát đặc biệt SCB, hoạt động của SCB gặp nhiều khó khăn, phần lớn tài sản của SCB là tài sản xấu. Ngân hàng Nhà nước cho biết đã tích cực chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng phương án xử lý SCB. Trên cơ sở ý kiến các bộ, cơ quan liên quan và các thành viên Ban chỉ đạo liên ngành về ổn định hoạt động SCB và hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cơ cấu lại ngân hàng này.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5/2024, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là 833,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,94%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 5/2024 là 6,9% (cuối năm 2023 là 6,91%).
Đối với quỹ tín dụng nhân dân, hầu hết các quỹ tín dụng nhân dân đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại, còn 4 quỹ tín dụng nhân dân chưa được phê duyệt phương án, nguyên nhân chủ yếu do các quỹ tín dụng nhân dân này hoạt động yếu kém nhiều năm (đang thực hiện phương án phục hồi/đang triển khai phương án xử lý pháp nhân/đang hoàn thiện phương án theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố).
Để tiếp tục kiểm soát và xử lý nợ xấu, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra tại Đề án 689, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện 2 nhóm giải pháp chính.
Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt tín dụng, định giá và quản lý tài sản bảo đảm; thực hiện nghiêm các qui định về kiểm tra sử dụng vốn vay; đẩy mạnh các biện pháp xử lý, thu hồi nợ xấu nội, ngoại bảng nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu đã đề ra tại Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 của tổ chức tín dụng.
Thứ hai, các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu trên 3% (trên 5% đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng) cần xây dựng và nghiêm túc triển khai các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng tín dụng.
Trong đó: Thành lập Ban chỉ đạo xử lý, thu hồi nợ xấu tại tổ chức tín dụng và Tổ xử lý nợ xấu ở các đơn vị có tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức cao; xây dựng kế hoạch, lộ trình và quyết liệt tổ chức thực hiện nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 3% (dưới 5% đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng) vào 31/12/2025.
Đến cuối tháng 5/2024, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là 833,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,94%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 5/2024 là 6,9% (cuối năm 2023 là 6,91%). Nợ xấu tập trung chủ yếu tại một số tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống xử lý được 96,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro ở mức cao, chiếm 48,9% tổng nợ xấu được xử lý.
ĐẨY MẠNH THANH TRA, GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG RỬA TIỀN
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai 647 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện các vi phạm chủ yếu về điều kiện vay vốn; thẩm định và xét duyệt cho vay; hồ sơ cho vay, kiểm tra, giám sát sau cho vay; tài sản bảo đảm; phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro; tỷ lệ, giới hạn bảo đảm an toàn… Cơ quan thanh tra giám sát đã ban hành 127 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt khoảng 13,5 tỷ đồng. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và xử lý sau thanh tra tiếp tục được quan tâm thực hiện chặt chẽ, sát sao nhằm bảo đảm tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các kiến nghị tại các kết luận thanh tra, kiểm tra.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước nhận được hơn 1,4 nghìn báo cáo giao dịch đáng ngờ và xử lý trên 3,2 nghìn báo cáo (bao gồm các báo cáo nhận được từ kỳ trước; tiếp nhận, xử lý 15 văn bản liên quan đến cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan chức năng trong nước, 12/25 yêu cầu cung cấp thông tin từ các đơn vị tình báo tài chính nước ngoài.
Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giám sát kịp thời hơn tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng, nâng cao hiệu quả phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro. Trên cơ sở kết quả giám sát, Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản cảnh báo, chấn chỉnh một số nội dung liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng; trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động của tổ chức tín dụng, hoạt động tư vấn, đại lý bảo hiểm, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Cơ quan thanh tra giám sát chủ động đánh giá, nhận diện sớm, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát, hạn chế rủi ro phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng trên toàn hệ thống. Nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định của pháp luật. Chủ động thực hiện ngay các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát các hành vi vi phạm làm phát sinh nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.
Thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 10/5/2024 phê duyệt kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền giai đoạn 2018-2022, Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 15/5/2024 ban hành Kế hoạch sau đánh giá rủi ro quốc gia giai đoạn 2018-2022.
Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 05/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền; thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế và nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG)…