Với kết quả dẫn đầu cả nước, tỉnh này đã đặt ra mục tiêu thu hút khoảng 7 tỷ USD vốn FDI trong năm 2024.
Theo số liệu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7, có 1.816 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn hơn 10,76 tỷ USD. So với cùng kỳ, số dự án tăng 11,6%, tổng vốn đăng ký tăng 35,6%. Các dự án FDI đã giải ngân được khoảng 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, có 734 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn. Tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 4,97 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ.
Giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục sụt giảm. Tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,27 tỷ USD (giảm 45,2% so với cùng kỳ). Riêng tháng 7, tổng lượng vốn đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD.
Các nhà đầu tư FDI đã rót vốn vào 48 tỉnh, thành. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,2 tỷ USD, chiếm gần 17,8% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Đây cũng là địa phương duy nhất trong cả nước ghi nhận đầu tư ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký vượt mốc 3 tỷ USD trong 7 tháng.
Bắc Ninh vượt lên dẫn đầu cả nước do có dự án điều chỉnh vốn lớn 1,07 tỷ USD từ dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư Amkor Technology Singapore Holding Pte.Ltd tại khu công nghiệp Yên Phong II-C.
Sau khi điều chỉnh đăng ký đầu tư, Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm.
Ngày 23/7, tại Phiên họp thường kỳ tháng 7/2024, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đặt ra mục tiêu thu hút khoảng 7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2024.
TP Bắc Ninh
Quảng Ninh đứng thứ 2 với hơn 1,56 tỷ USD, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước. Kết quả này cũng gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ.
TP. HCM đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,55 tỷ USD, chiếm gần 8,6% tổng vốn đầu tư cả nước. Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng lần lượt ở các vị trí tiếp theo.
Xét về số dự án, TP. HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 39,1%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm gần 70,1%). Hà Nội dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 14%).
Hơn 70% vốn FDI đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (12,65 tỷ USD). Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,87 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chất lượng các dự án đầu tư có sự cải thiện đáng kể. Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn.
Có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng . Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,52 tỷ USD, chiếm gần 36,2% tổng vốn đầu tư, tăng 79,1% so với cùng kỳ 2023.
Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ hai với hơn 2,19 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ; tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Lũy kế đến ngày 20/7, cả nước có 40.777 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 487 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt khoảng 309,7 tỷ USD, bằng 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.