>>> Hóa giải nỗi lo lạm phát và lãi suất tăng của doanh nghiệp
6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP TP. Hồ Chí Minh cho thấy nền kinh tế tiếp tục duy trì được đà hồi phục tiệm tiến về mức tiềm năng, Báo cáo thường niên về kinh tế TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “Phục hồi và phát triển” của các nhà nghiên cứu Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) ghi nhận.
Theo báo cáo, các chỉ số cho thấy tốc độ hồi phục của tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TP. HCM phần lớn đến từ tiêu dùng và xuất khẩu. Cùng với đó, nhiều chỉ số cho thấy các doanh nghiệp nội địa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và chưa có dấu hiệu hồi phục vững chắc trong hoạt động đầu tư.
Cụ thể, tốc độ phục hồi của nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp của TP. HCM được phản ánh gián tiếp thông qua hoạt động sản xuất công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP. HCM trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; con số tương ứng của cả nước là 7,7%. Trong đó quý I/2024 tăng 4,98% và quý II/2024 tăng 6,21%. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng mức nền so sánh cùng kỳ của quý I/2024 là khá thấp. Các dữ liệu cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 và quý II/2024 của TP. HCM là những mức tăng tương đối cao so với quý I và quý II của các năm trong giai đoạn 2019-2022.
Trên địa bàn TP. HCM, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội (theo giá hiện hành) 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn của khu vực ngoài nhà nước chiếm 68,6% và tăng 3,8%; vốn của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 10,8% và giảm 10,3%. “Điều này phần nào phản ánh đầu tư của các doanh nghiệp nội địa trên địa bàn TP. HCM vẫn còn phục hồi chậm tương đối so với cả nước. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 cũng đang được giải ngân khá chậm. So với cùng kỳ năm trước, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP. HCM trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 10,9 nghìn tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Mức giải ngân này chỉ mới đạt 13,8% tổng kế hoạch vốn được giao. Tốc độ giải ngân đầu tư công chậm phần nào gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng khá khiêm tốn của khu vực xây dựng”, báo cáo nêu.
>>> Ngân hàng còn động lực và năng lực duy trì lãi suất thấp
Các chuyên gia dẫn một số chỉ số khác, cho rằng cũng phản ánh phần nào hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp là (1) số lượng doanh nghiệp ra vào thị trường và (2) số dự án FDI cấp mới. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động là 33.824, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và giải thể là 22.462, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường ròng trong 6 tháng đầu năm 2024 của TP. HCM tăng ở mức khiêm tốn so với 6 tháng đầu năm 2023. Trong khi đó, số dự án FDI cấp mới được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2024 là 597, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tiếp tục xu hướng hồi phục ổn định sau khi giảm sâu vào 6 tháng đầu năm 2021 và đã gần quay trở lại với con số của 6 tháng đầu năm 2019 và 2020.
Bên cạnh đó, các dữ liệu theo báo cáo cũng cung cấp một bức tranh chi tiết về các loại hình doanh nghiệp trong hai nhóm thành lập mới và tạm ngừng kinh doanh. Trong nhóm thành lập mới, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chiếm 74,4% tổng số doanh nghiệp và có mức tăng trưởng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn trên một thành viên chỉ chiếm lần lượt 7,8% và 17% tổng số doanh nghiệp thành lập mới và có mức tăng trưởng âm lần lượt là –4,9% và –2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trái lại trong nhóm ngừng kinh doanh, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn trên một thành viên chiếm lần lượt 12,8% và 30,7% tổng số doanh nghiệp và có mức tăng trưởng lần lượt là 23,7% và 15,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chiếm 54,6% tổng số doanh nghiệp ngừng kinh doanh và có mức tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Bức tranh này cảnh báo rằng các doanh nghiệp thành lập mới có quy mô nhỏ tương đối so với các doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh.
Theo đó, các dữ liệu cho thấy các doanh nghiệp nội địa trên địa bàn TP. HCM đang có dấu hiệu gặp khó khăn và có xu hướng tăng trưởng đầu tư khiêm tốn.
Ba nguyên nhân chính
Các chuyên gia cho rằng có ba nguyên nhân tiềm năng có thể giải thích cho vấn đề này.
Nguyên nhân đầu tiên là nhu cầu của thị trường vẫn chưa tăng trưởng mạnh và đối mặt với nhiều rủi ro. Cụ thể như phân tích, tiêu dùng trong nước đang phục hồi chậm, trong khi đó các doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM vẫn chưa tận dụng được cơ hội đến từ sự phục hồi của thị trường xuất khẩu. Điều này kết hợp với môi trường kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều rủi ro và bất định khiến các doanh nghiệp nội địa trì hoãn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Nguyên nhân thứ hai là tình hình nợ xấu có chiều hướng gia tăng khiến các ngân hàng khắt khe hơn với các tiêu chuẩn cho vay nhằm bảo toàn thanh khoản phòng ngừa cho các biến cố trong hệ thống. Các doanh nghiệp nội địa vừa và nhỏ không có nhiều tài sản cầm cố giá trị sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong khi đó, khu vực bất động sản với nhiều tài sản cầm cố giá trị sẽ dễ dàng tiếp cận tín dụng hơn, dẫn đến rủi ro vốn chảy vào đầu cơ bất động sản thay vì đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Theo thống kê của Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh TP. HCM, tín dụng bất động sản trên địa bàn TP. HCM tính đến hết tháng 5/2024 đạt mức dư nợ gần 993 nghìn tỷ đồng, chiếm 28% tổng dư nợ tín dụng và tăng 2,78% so với cuối năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn”, các chuyên gia dẫn số liệu minh chứng.
Nguyên nhân thứ ba là các ngân hàng gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi mặt bằng lãi suất xuống thấp. Từ đầu quý II/2024 đến nay, các ngân hàng đã liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi để huy động vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng. Trong bối cảnh đó thì các đợt tăng giá vàng đột biến vừa qua lại phản ánh một lượng tiền lớn đang chảy vào hoạt động đầu cơ vàng.
“Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn dự báo và mặt bằng lãi suất trong nước xuống khá thấp trong 6 tháng đầu năm 2024, việc các doanh nghiệp nội địa trên địa bàn TP. HCM đang có dấu hiệu gặp khó khăn và có xu hướng tăng trưởng đầu tư khiêm tốn là điều cần phải theo dõi thêm”, theo các chuyên gia UEH.
“Báo cáo Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh: Phục hồi và Thách thức” là ấn phẩm nghiên cứu khoa học do Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện. Nhóm tác giả là TS. Hồ Hoàng Anh – UEH (chủ biên); ThS. Nguyễn Văn Thắng – Cục Thống kê TP.HCM (đồng chủ biên); Lê Minh Hùng – Cục Thống kê TP. HCM; TS. Nguyễn Thanh Bình, Cục Thống kê TP. HCM; ThS. Võ Đức Hoàng Vũ – UEH. |
Đánh giá của bạn: