Chi tiết

Cổ đông Habeco sắp nhận gần 350 tỷ đồng cổ tức 2022

Cổ đông Habeco sắp nhận gần 350 tỷ đồng cổ tức 2022

Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HOSE: BHN) sẽ chốt danh sách trả cổ tức năm 2022 tỷ lệ 15% bằng tiền (1,500 đồng/cp), tương ứng chi 347.7 tỷ đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 15/08 và ngày thanh toán vào 15/10/2024.

Hưởng lợi lớn nhất là Bộ Công Thương – cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Habeco – nắm giữ 81.79% vốn điều lệ Habeco, theo sau là Carlsberg Breweries nắm 17.34%.

Như vậy, Habeco sẽ chi hơn 82% lợi nhuận sau thuế 2022 (hơn 422 tỷ đồng) để trả cổ tức tỷ lệ 15% bằng tiền, hoàn thành kế hoạch ĐHĐCĐ giao. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại chưa phân phối hơn 235 triệu đồng sẽ được Công ty cộng dồn trả cổ tức vào năm sau.

Thực tế, Habeco giữ thói quen chia cổ tức tiền mặt suốt 9 năm qua kể từ 2014, mức cao nhất là 75.57% năm 2017, các năm còn lại dao động từ 10-23.8%. Gần nhất, cổ tức năm 2021 là 12% bằng tiền, chỉ cao hơn năm 2015 mức 10%.

Năm 2023, Công ty dự kiến giảm tỷ lệ cổ tức về 11.5%, tương ứng chi gần 266.6 tỷ đồng, chiếm gần 80% lợi nhuận sau thuế năm 2023 (hơn 334 tỷ đồng). Tuy nhiên, Habeco sẽ lấy ý kiến cổ đông về nội dung này sau khi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính có ý kiến.

Công ty cũng lên kế hoạch giảm tỷ lệ cổ tức năm 2024 xuống còn 7.5%, tương đương cần chi gần 174 tỷ đồng, mức thấp nhất từ trước đến nay. Lưu ý, Habeco hạ tỷ lệ cổ tức trên cơ sở kỳ vọng lãi sau thuế năm 2024 đạt hơn 202 tỷ đồng, giảm 40% so với năm trước.

Sáu tháng đầu năm, Habeco có gần 151 tỷ đồng lãi sau thuế, thực hiện được 75% kế hoạch năm, song vẫn giảm 18% so với cùng kỳ, mặc dù doanh thu tăng 11% lên hơn 3,600 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận bán niên thấp nhất của Doanh nghiệp trong 4 năm qua kể từ 2021.



Lãi sau thuế bán niên của Habeco trong 5 năm qua

Nguyên nhân do chi phí tăng mạnh bào mòn lợi nhuận, tăng mạnh nhất là chi phí bán hàng 6 tháng ghi nhận hơn 570 tỷ đồng, cao hơn 29% so với cùng kỳ. Riêng chi phí quảng cáo, khuyến mãi và hỗ trợ tăng thêm 100 tỷ đồng lên 270 tỷ đồng, trung bình tiêu tốn gần 1.5 tỷ đồng/ngày.

*Toàn cảnh lợi nhuận ngành bia quý 2, trái chiều giữa hai “ông lớn”

Mặt khác, Habeco cũng chốt danh sách lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để bầu 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029, tuy nhiên nội dung chi tiết chưa được công bố. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 15/08/2024.

Hiện, danh sách HĐQT Habeco có 7 thành viên gồm Chủ tịch HĐQT Trần Đình Thành, ông Ngô Quế Lâm, ông Vũ Xuân Dũng, ông Trần Thuận An, ông Bùi Hữu Quang; bà Quản Lê Hà và ông Trần Danh Đáng. Trong đó, bà Hà và ông Đáng là 2 thành viên HĐQT độc lập.

Năm 2023, Chủ tịch Trần Đình Thành nhận thù lao cao nhất trong HĐQT với gần 1.2 tỷ đồng, tương đương bình quân 99.2 triệu đồng/tháng. Các thành viên còn lại cùng nhận mức thù lao 163.2 triệu đồng (trung bình 13.6 triệu đồng/người/tháng); riêng ông Trần Danh Đáng nhận thù lao 81.6 triệu đồng do mới trúng cử HĐQT từ cuối tháng 6/2023.

Về tình hình nhân sự, Habeco đã bổ nhiệm lại chức Phó Tổng Giám đốc với ông Phạm Trung Kiên từ ngày 29/07. Đồng thời, bổ nhiệm lại có thời hạn ông Vũ Xuân Dũng giữ chức Phó Tổng Giám đốc Công ty kể từ ngày 12/08/2024.

Ngoài 2 cá nhân trên, Ban điều hành Habeco hiện có ông Ngô Quế Lâm – Tổng Giám đốc và 2 Phó Tổng Giám đốc Bùi Trường ThắngTrần Thuận An.

Thế Mạnh

FILI



Source link