Chi tiết

Bất lợi đủ đường, Quốc Cường Gia Lai có quý lỗ nặng nhất từ 2012

Bất lợi đủ đường, Quốc Cường Gia Lai có quý lỗ nặng nhất từ 2012

Theo BCTC quý 2/2024 vừa công bố, CTCP Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) lỗ ròng hơn 16 tỷ đồng, mức lỗ nặng nhất trong 12 năm qua.



Kết quả kinh doanh hàng quý của QCG từ năm 2019 đến nay

Doanh thu quý 2 chỉ hơn 26 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ. Giá vốn 32 tỷ đồng, làm lỗ gộp gần 6 tỷ đồng.

Theo QCG, doanh thu giảm do thị trường bất động sản nói chung còn nhiều khó khăn. Mặt khác, thời điểm quý 2 hàng năm vẫn chưa bước vào mùa mưa nên sản lượng điện khai thác còn thấp. Cùng với đó, cao su chỉ được đưa vào khai thác từ cuối tháng 5 dẫn đến doanh thu giảm so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu bán điện gần 15 tỷ đồng, giảm hơn một nửa; bán hàng hoá mang về gần 10 tỷ đồng, giảm 15%. Còn bất động sản chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không ghi nhận.

Doanh nghiệp bất động sản cho biết khó khăn còn do chi phí khấu hao và lãi vay hàng tháng không phụ thuộc vào sản lượng khai thác, dẫn đến giá vốn cao hơn doanh thu. Chi phí lãi vay trong kỳ là 8.4 tỷ đồng, giảm 24%; chi phí quản lý doanh nghiệp 3.5 tỷ đồng, giảm 61%.

Kết quả, QCG lỗ ròng 16.4 tỷ đồng, nặng hơn mức lỗ 11.4 tỷ đồng cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng, Doanh nghiệp lỗ ròng 15 tỷ đồng; còn doanh thu giảm 69%, ghi nhận hơn 65 tỷ đồng.

Về kế hoạch năm nay, QCG kỳ vọng lãi trước thuế 100 tỷ đồng. Doanh thu mục tiêu 1.3 ngàn tỷ đồng, gấp 3 lần thực hiện năm 2023, nhưng sau nửa năm mới thực hiện được 5%.

Để đạt kế hoạch lợi nhuận đề ra, Công ty có lẽ sẽ trông cậy vào việc hoàn tất chuyển nhượng 3 nhà máy thủy điện trong 2 quý cuối năm; bên cạnh tiếp tục hoàn thành điều chỉnh quy hoạch 1/500 đối với dự án Marina Đà Nẵng và triển khai thủ tục kịp bán hàng vào quý 4 này.


Đến ngày 30/06/2024, tổng tài sản QCG giảm 192 tỷ đồng so với đầu năm, ở mức 9.3 ngàn tỷ đồng. Hàng tồn kho gần như không “xê dịch”, vẫn còn hơn 7 ngàn tỷ đồng. Trong đó, bất động sản dở dang duy trì mức 6.5 ngàn tỷ đồng. Khoản trả trước cho bên thứ ba 146 tỷ đồng, tăng 126 tỷ đồng; riêng quý 2 thêm 122 tỷ đồng.

Quy mô đầu tư vào công ty liên doanh liên kết giảm 135 tỷ đồng, còn 547 tỷ đồng. Biến động trong nửa đầu năm là khoản thoái vốn CTCP Quốc Cường Liên Á.

Cuối quý 2, QCG vẫn còn khoản phải trả ngắn hạn khác hơn 4.1 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 90% tổng nợ phải trả. Số này bao gồm hơn 2.8 ngàn tỷ đồng nhận từ Sunny Island cho dự án Phước Kiển; 791 tỷ đồng phải trả bên thứ ba và 476 tỷ đồng phải trả bên liên quan.

Theo thuyết minh BCTC, Doanh nghiệp đang mượn 272 tỷ đồng từ CTCP Bất động sản Hiệp Phúc (công ty liên kết); mượn Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Phạm Gia (công ty liên kết) gần 153 tỷ đồng. Riêng mượn Chủ tịch HĐQT Lại Thế Hà gần 24 tỷ đồng, tăng hơn 5 tỷ đồng trong quý 2. Công ty còn mượn bà Nguyễn Thị Như Loan 2 tỷ đồng, giảm từ 78 tỷ đồng cuối quý 1.

Nợ vay ngắn hạn 188 tỷ đồng, giảm gần một nửa, chủ yếu giảm vay cá nhân 132 tỷ đồng. Hiện, QCG còn vay ngắn hạn Ngân hàng Liên doanh Việt Nga – chi nhánh Đà Nẵng số tiền gần 110 tỷ đồng để tài trợ vốn lưu động. Công ty trả lãi 8.5%/năm đến ngày đáo hạn 25/05/2025 và được đảm bảo bởi quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên các lô đất thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Nợ vay dài hạn 246 tỷ đồng, giảm khoảng 20 tỷ đồng. Đây là tiền vay Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) – chi nhánh Gia Lai để tài trợ cho 2 dự án thủy điện Iagrai 2 và Ayun Trung, sẽ đáo hạn vào năm 2029.



Tình hình nợ phải trả hàng quý của QCG từ năm 2019 đến nay

Tử Kính

FILI



Source link