Giá vàng thế giới đi xuống trong lúc nhà đầu tư đợi Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 7 vào ngày thứ Sáu. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm và khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hạ lãi suất vào tháng 9 hỗ trợ giá vàng, nhưng đồng USD tăng giá gây áp lực giảm lên thị trường kim loại quý.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm (1/8), giá vàng giao ngay tại thị trường New York giảm 1,2 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương giảm gần 0,05%, chốt ở mức 2.447,1 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Lúc gần 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 3,5 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, tương đương giảm 0,14%, còn 2.443,6 USD/oz. Mức giá này tương đương xấp xỉ 74,8 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Giá vàng đuối khi đồng USD tăng giá. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ngày thứ Năm ở mức hơn 104,4 điểm, từ mức dưới 104 điểm của phiên trước.
Vàng được định giá bằng USD, nên bạc xanh tăng giá khiến giá vàng giảm.
Tuy nhiên, giá vàng không giảm nhiều do được hỗ trợ bởi xu hướng giảm của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và khả năng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2023. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (ISM) ngành sản xuất – một thước đo về hoạt động của các nhà máy – chỉ đạt 46,8 điểm, một mức điểm thấp hơn dự báo và được xem là một tín hiệu của suy thoái kinh tế.
Sau khi những báo cáo trên được công bố, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới mức 4% lần đầu tiên kể từ tháng 2.
Lợi suất giảm mạnh phản ánh mối lo kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái. Trong trường hợp suy thoái xảy ra, Fed có thể phải hạ lãi suất nhanh và mạnh để cứu tăng trưởng. Một môi trường lãi suất giảm và kinh tế bất định sẽ rất có lợi cho giá vàng.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn đang chờ một báo cáo thống kê quan trọng nữa để xác định rõ hơn về tình trạng của nền kinh tế Mỹ. Dự kiến, báo cáo việc làm tổng thể tháng 7 sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu.
“Thị trường đang đặt cược khả năng 100% Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9. Đã có những người cho rằng Fed có thể hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm”, trưởng chiến lược Bart Melek của công ty TD Securities phát biểu.
Tuy nhiên, các kỳ vọng về lãi suất có thể biến động sau báo cáo việc làm sắp công bố.
Bên cạnh đó, lực mua vàng của các ngân hàng trung ương và nhu cầu vàng vật chất của khu vực châu Á đang có dấu hiệu yếu đi. Một số ngân hàng trung ương đang giảm mua ròng vàng, hoặc thậm chí ngừng mua như trường hợp Trung Quốc, sau một thời gian dài liên tục mua. Giá vàng cao cũng khiến người tiêu dùng và nhà đầu tư ở Trung Quốc và Ấn Độ – hai nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới – dè dặt hơn.
“Bởi vậy, thị trường vàng hiện tại chưa thể vận hành hết tốc lực. Nhưng chúng tôi cho rằng sẽ đến lúc điều đó sẽ xảy ra. Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương sẽ còn cao trong năm 2024/2025 dù Trung Quốc đã tạm ngừng mua ròng”, một báo cáo của Citi nhận định.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) là ngân hàng trung ương mua ròng vàng nhiều nhất thế giới trong năm 2023, nhưng đã tạm dừng mua trong 2 tháng liên tiếp là tháng 5 và tháng 6.