Chi tiết

Việt Nam sẽ trở thành trung tâm thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn của khu vực

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thiết bị bán dẫn đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 3,8% kim ngạch xuất khẩu thế giới, top 3 Châu Á về xuất khẩu chất bán dẫn sang Mỹ.

Cơ hội vàng và vị thế của Việt Nam hiện nay

Công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Đây là ngành công nghiệp lõi, quan trọng cho sự phát triển các ngành công nghiệp khác như điện tử tiêu dùng, năng lượng tái tạo, thiết bị chiếu sáng, thiết bị y tế, quốc phòng, an ninh…

Theo Gartner – tập đoàn nghiên cứu và tư vấn công nghệ hàng đầu trên thế giới, dự kiến, ngành bán dẫn sẽ tạo ra doanh thu khổng lồ, với con số ước tính là hơn 620 tỷ USD trong năm 2024 và có khả năng tăng lên đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Việt Nam sẽ trở thành trung tâm thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn của khu vực
Ảnh minh họa

Nhận thức được tiềm năng to lớn của ngành bán dẫn, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo an ninh kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Thời gian qua, Việt Nam tham gia chuỗi bán dẫn toàn cầu với tư cách nhà sản xuất lắp ráp và kiểm định mới nổi. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thiết bị bán dẫn đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 3,8% kim ngạch xuất khẩu thế giới, top 3 Châu Á về xuất khẩu chất bán dẫn sang Mỹ.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong trung hạn Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn (OSAT) của khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, Việt Nam lại thiếu các khâu cơ bản của hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn như: công nghệ, chuỗi, nhân lực, vốn, dữ liệu và năng lượng.

Thậm chí, ông David Hoàng, Giám đốc công ty TNHH Alliance Global Service – công ty chuyên sản xuất gia công các chi tiết cơ khí chính xác cho hãng máy bay Boeing và các vật liệu máy bán dẫn cho rằng, trong khâu thiết kế, chế tạo chip bán dẫn thực chất Việt Nam chưa có gì. Chúng ta mới chỉ có thành quả trong khâu đóng gói và kiểm thử.

Chờ đợi sự đột phá từ chính sách

Trước những thách thức trên, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, để có thể phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cách tiếp cận của Việt Nam phải thực sự “đột phá” so với trước đây, phải tổng thể, đủ tầm để có thể thay đổi thời đại, đua tranh toàn cầu.

“Phát triển công nghiệp bán dẫn là cuộc đua toàn cầu, nếu chính sách của Việt Nam không vượt trội so với toàn cầu thì rất khó có công nghiệp bán dẫn. Cơ hội để chuyển sang công nghiệp bán dẫn là cơ hội lớn nhất, nhưng cũng là thách thức lớn nhất đòi hỏi những điều kiện thực thi và năng lực khác thường”, ông Thiên khẳng định.

Việt Nam sẽ trở thành trung tâm thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn của khu vực
Để có thể phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cách tiếp cận của Việt Nam phải thực sự “đột phá” so với trước đây, phải tổng thể, đủ tầm để có thể thay đổi thời đại, đua tranh toàn cầu.

Việt Nam phải biến thách thức quốc gia thành cơ hội của doanh nghiệp, người dân và phải trao quyền, tạo điều kiện, chịu trách nhiệm và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển ở lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Cùng với đó, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái công nghiệp mới, tăng cường chương trình quốc gia đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, nghiên cứu về chiến lược phát triển năng lượng tái tạo như năng hydrogen. Hơn hết, tất cả các địa phương trên cả nước cần mở rộng các chương trình tăng cường nội lực, năng lực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp quốc gia.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho rằng, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, mặc dù cơ hội để phát triển là rất lớn, tuy nhiên những thách thức, khó khăn cũng không nhỏ.

Để vượt qua những thách thức đồng thời hướng đến mục tiêu Việt Nam trở thành một trung tâm về thiết kế, dịch vụ thiết kế, đóng gói và kiểm thử, theo Thứ trưởng, Việt Nam phải có cách tiếp cận có tính đột phá, khai thác tối đa lợi thế của nước đi sau, cụ thể: xác định rõ mục tiêu để tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn giai đoạn đến năm 2030 và 2050; cần xây dựng hệ sinh thái công nghiệp vi mạch bán dẫn nhằm kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp.

Chúng ta cần hình thành một số trung tâm nghiên cứu mạnh về vi mạch bán dẫn; thu hút đầu tư theo hướng doanh nghiệp nước ngoài là cầu nối hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn toàn cầu, có đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam…; đi trực tiếp vào khâu nghiên cứu, thiết kế và sản xuất vi mạch tại Việt Nam trên cơ sở khai thác hiệu quả lực lượng chuyên gia, nhà khoa học là người Việt ở các nước có nền công nghiệp tiên tiến; nghiên cứu, hình thành một số sản phẩm quốc gia liên quan đến vi mạch bán dẫn để ưu tiên hỗ trợ phát triển, làm động lực để thu hút đầu tư cũng như dẫn dắt cả hệ sinh thái; đẩy mạnh hoạt động đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.



Nguồn tin