Chi tiết

BOT Trung Lương – Mỹ Thuận có doanh thu tăng vọt

Nhờ tăng lợi nhuận ròng từ thu phí BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, CII báo lãi 323 tỷ đồng trong quý đầu năm, gấp hơn 9 lần cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo tài chính mới đây cho thấy, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) ghi nhận doanh thu thuần quý I đạt 878 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2023. Tiết giảm giá vốn bán hàng giúp công ty lãi gộp hơn 471 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 37% lên 54%.

Trong đó, nổi bật nhất là doanh thu thu phí giao thông với gần 679 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ 2023. Mảng này đóng góp hơn ba phần tư doanh thu thuần CII. Trong khi doanh thu tăng mạnh, giá vốn chỉ nhích nhẹ giúp công ty có gần 500 tỷ đồng lãi gộp từ hoạt động thu phí giao thông.

Trong quý I, doanh thu hoạt động tài chính của CII tăng 2,5 lần lên hơn 532 tỷ đồng. Giá trị dôi dư chủ yếu đến từ lãi đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào công ty liên kết khi nắm quyền kiểm soát.

Nhóm các chi phí cố định của doanh nghiệp này cũng tăng lên đáng kể. Trong đó, chi phí tài chính nhiều hơn 32% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là lãi vay. Trung bình mỗi ngày, CII tốn hơn 4 tỷ đồng để trả lãi khi doanh nghiệp này đang có hơn 20.100 tỷ đồng nợ vay tài chính.

Tổng lại, CII ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 323 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần cùng kỳ. Đây là mức lãi cao nhất gần hai năm qua. Sau ba tháng, công ty mới hoàn thành 22% chỉ tiêu doanh thu nhưng đạt hơn 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Ban lãnh đạo giải thích kết quả kinh doanh kể trên đến từ việc tăng lợi nhuận ròng từ hoạt động thu phí ở dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận. Từ quý IV/2023, Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã trở thành công ty con của CII nên kết quả kinh doanh dự án này được hợp nhất vào doanh nghiệp. Ngoài ra, việc hợp nhất lợi nhuận từ công ty con Năm Bảy Bảy (NBB) cũng đóng góp vào kết quả kinh doanh kể trên.

CII đang sở hữu danh mục các dự án BOT lớn ở khu vực phía Nam gồm cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, mở rộng Xa lộ Hà Nội, mở rộng Quốc lộ 60 và cầu Cổ Chiên, tỉnh lộ ĐT741 Bình Dương, mở rộng tuyến tránh TP Phan Rang – Tháp Chàm và Quốc lộ 1 qua Ninh Thuận.

Mảng thu phí giao thông mang về gần 1.700 tỷ đồng doanh thu trong năm vừa qua, tương đương 4,6 tỷ đồng mỗi ngày. Trong đó, dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận chiếm gần một nửa. Gần đây, hai trạm thu phí Cà Ná trên Quốc lộ 1 (Ninh Thuận) và cầu Cổ Chiên (Trà Vinh) được chấp thuận tăng giá vé thêm 18%.

Trạm thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Hoàng Nam

Trạm thu phí cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Ảnh: Hoàng Nam

Thời gian qua, doanh nghiệp này đang tập trung tái cơ cấu tài chính khi tỷ lệ đòn bẩy luôn ở mức cao suốt nhiều năm. Đến cuối tháng 3/2024, tổng nợ phải trả của CII gần 26.700 tỷ đồng, tăng 8% chủ yếu do vay dài hạn ở các ngân hàng để đầu tư các dự án. Tổng nợ đang vượt 2,8 lần vốn chủ sở hữu.

Để tái cơ cấu tài chính, CII chọn phát hành tổng cộng 7.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Mục tiêu là chuyển từ việc phụ thuộc vào nợ vay bên ngoài sang vốn chủ sở hữu từ các cổ đông. Từ đó, tiền thu được từ các dự án BOT sẽ được dùng trả cổ tức, trái tức cho cổ đông và trái chủ, thay vì mang trả ngân hàng như trước đây.

Trong tài liệu họp cổ đông gần đây, CII cho rằng việc tăng vốn chủ sở hữu và giảm nợ là bước chuẩn bị năng lực tài chính cần thiết và quan trọng để công ty có thể tham gia đầu tư vào các dự án mới với quy mô lớn từ 10.000-30.000 tỷ đồng trong giai đoạn sau năm 2024.

Song song đó, công ty bắt đầu chia cổ tức đều đặn 16% mỗi năm. Đầu năm nay, họ chi hơn 227 tỷ đồng, chia làm hai đợt, để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 4%, tức một cổ phiếu sẽ nhận 400 đồng. Đây là những đợt cổ tức tiền mặt đầu tiên của CII sau hơn 3 năm công ty ưu tiên dùng tiền trả nợ ngân hàng.

Tất Đạt


Nguồn tin: https://vnexpress.net/bot-trung-luong-my-thuan-giup-cii-lai-dam-4741486.html