Chi tiết

Loạt đại gia tiêu dùng Mỹ gặp khó tại Trung Quốc

McDonald’s, Coca-Cola hay Apple – các đại tiêu dùng của Mỹ – đều ghi nhận doanh thu sụt giảm tại thị trường Trung Quốc trong quý II.

Hàng thập kỷ qua, nhờ thị trường có quy mô khổng lồ và kinh tế tăng trưởng nhanh, Trung Quốc thu hút nhiều doanh nghiệp đa quốc gia. Nhưng vài năm gần đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại, cạnh tranh gia tăng và căng thẳng thương mại với Mỹ đang gây sức ép lên lợi nhuận của doanh nghiệp ngoại.

“Tâm lý tiêu dùng tại Trung Quốc hiện khá yếu. Người dân thay đổi hành vi, họ săn khuyến mãi và mua ở nơi nào giá tốt nhất”, Chủ tịch kiêm CEO McDonald’s Christopher Kempczinskin nhận xét sau khi công bố báo cáo tài chính quý II.

McDonald’s cho biết doanh thu tại thị trường quốc tế giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mảng kinh doanh của hãng đồ ăn nhanh này tại Trung Quốc cũng sụt, nhưng họ không tiết lộ số liệu cụ thể.

Một cửa hàng McDonalds ở Hình Đài (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Một cửa hàng McDonald’s ở Hình Đài (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Apple cho biết doanh số tại Trung Quốc đại lục giảm 6,5% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Johnson and Johnson cũng đánh giá thị trường tỷ dân này rất biến động, “quy mô lớn nhưng kết quả dưới kỳ vọng”.

Sau khởi đầu năm mạnh mẽ, hãng thực phẩm General Mills ghi nhận sự đi xuống trong tâm lý tiêu dùng vào quý II. Việc này ảnh hưởng đến lượng khách ghé thăm các cửa hàng kem Haagen-Dazs và bánh bao Wanchai Ferry do hãng sở hữu, khiến doanh số giảm 2 chữ số trong quý trước.

Kết quả kinh doanh kém lạc quan đã tác động đến triển vọng của doanh nghiệp. “Chúng tôi không kỳ vọng quay về mức tăng hai con số như tiền đại dịch”, CFO P&G Andre Schulten cho biết tuần trước. Ông dự báo theo thời gian, doanh thu tại Trung Quốc sẽ cải thiện, nhưng chỉ quanh 5-6%, tương tự các nước phát triển. Quý trước, thu từ thị trường này của họ giảm 9%.

Hãng điều hành khách sạn Marriott International cũng hạ dự báo mức tăng trưởng doanh thu trên mỗi phòng về 3-4% năm nay, do thị trường còn yếu. Tính riêng quý II, doanh số trên mỗi phòng của Marriott giảm 4%, một phần vì người dân chọn đi du lịch nước ngoài.

Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng nhanh nhờ cải cách mở cửa, kinh tế Trung Quốc gần đây chậm lại. Trong quý II, GDP nước này tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn đầu năm và thấp hơn dự báo của giới phân tích.

Bắc Kinh đang tìm cách thúc đẩy nhu cầu nội địa trong bối cảnh thị trường bất động sản khủng hoảng 3 năm qua, nợ chính quyền địa phương tăng và chi tiêu của doanh nghiệp yếu. Tuy nhiên, các số liệu gần đây cho thấy mục tiêu này còn nhiều thách thức.

Hãng đồ uống Coca-Cola cho biết doanh thu của họ tại thị trường tỷ dân này giảm, trong khi số liệu này ở Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng. “Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chịu nhiều vấn đề cấu trúc, như bất động sản và giá cả”, Chủ tịch kiêm CEO Coca-Cola James Quincey nhận xét. Tuy nhiên, ông cho rằng doanh số giảm do công ty chuyển dần sang các sản phẩm nước khoáng có gas, trà và nước ép để thích nghi với khẩu vị địa phương.

CEO Starbucks Laxman Narasimhan thì cho biết họ phải đối mặt với “hành vi chi tiêu thận trọng và cạnh tranh tăng suốt năm qua”. Việc mở rộng số cửa hàng nhanh chóng và cuộc chiến giá trong lĩnh vực đồ uống tại Trung Quốc đã làm tăng chi phí, ăn mòn lợi nhuận của công ty này. Doanh số tại các cửa hàng của hãng giảm 14% trong quý II so với năm ngoái, trong khi ở Mỹ là 2%. Đối thủ lớn của họ tại Trung Quốc – Luckin Coffee – cũng ghi nhận mức doanh số sụt 21%

Cả hai công ty này đều chịu cạnh tranh lớn tại đây, từ Cotti Coffee thuộc phân khúc bình dân đến thị phần cao cấp như Peet. Hãng đồ uống này cho biết mảng kinh doanh ở thị trường tỷ dân mang về mức tăng hai con số trong nửa đầu năm.

Dù vậy, không phải thương hiệu hàng tiêu dùng nào cũng gặp khó. Hãng thời trang Canada Goose cho biết doanh số tăng 12,3% lên 15,9 triệu USD quý II.

Các hãng giày thể thao cũng ghi nhận tăng trưởng tốt. Nike tăng 7% doanh thu trong quý II. “Dù triển vọng trong ngắn hạn đang yếu đi, chúng tôi vẫn tự tin vào khả năng cạnh tranh của hãng về dài hạn”, Giám đốc Tài chính Nike Matthew Friend cho biết.

Tương tự, Adidas có doanh số tăng 9% trong quý II. Thị trường này hiện đóng góp 14% doanh thu ròng cho hãng. CEO Bjorn Gulden cho biết Adidas vẫn tăng thị phần tại Trung Quốc mỗi tháng. Tuy nhiên, các thương hiệu địa phương đang cạnh tranh gay gắt. “Nhiều công ty tự sản xuất và bán lẻ tại chính các cửa hàng của họ. Tức là tốc độ của họ rất nhanh và giá hấp dẫn với người tiêu dùng. Chúng tôi đang cố thích nghi với điều đó”, ông nói.

Skechers thì ghi nhận khoản thu tăng 3,4% ở thị trường tỷ dân này. Hãng này kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục phục hồi và tình hình khởi sắc hơn vào nửa cuối năm. “Dù vậy, chúng tôi vẫn theo dõi thận trọng”, Giám đốc Tài chính Skechers John Vandemore cho biết.

Hà Thu (theo CNBC, Reuters)


Nguồn tin: https://vnexpress.net/loat-dai-gia-tieu-dung-my-gap-kho-tai-trung-quoc-4778631.html