Thay vì phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính kiểu truyền thống, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Luật TP HCM khuyến nghị nên tập trung vào Fintech.
Từ đầu những năm 2000, TP HCM đã định hướng phát triển thị trường tài chính, xem đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Từ đó, ý tưởng về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế được hình thành.
Việc phát triển trung tâm tài chính khu vực và từng bước thành trung tâm tài chính quốc tế là định hướng quốc gia. Trong kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của TP HCM, Fintech là một trong 4 trụ cột đã được xác định. Tuy nhiên, theo PGS TS Hoàng Công Gia Khánh, nên tập trung phát triển trụ cột này để có khả năng cạnh tranh với các trung tâm tài chính khác.
Chia sẻ tại buổi công bố chuỗi sự kiện thường niên “Ho Chi Minh City Fintech Road 2025” chiều 7/8, ông Khánh cho biết công nghệ tài chính (Fintech) đã phát triển trong 15 năm trở lại đây và góp phần định hình lại sự phát triển của ngành tài chính thế giới. Fintech tạo ra thách thức cho các trung tâm tài chính truyền thống trên thế giới nhưng đồng thời mở ra cơ hội cho các trung tâm tài chính non trẻ phát triển.
Năm 2024, TP HCM đứng 108 trên 133 thành phố được xếp hạng về “Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI)” của Z/Yen Partners (Anh) và Viện Phát triển Trung Quốc. Tại Đông Nam Á, Singapore đứng thứ ba, trong khi Kuala Lumpur, Bangkok và Jakarta vị trí cao hơn, lần lượt hạng 77, 93 và 102.
Báo cáo Global Fintech Hub nhiều năm đưa TP HCM vào danh sách các trung tâm Fintech mới nổi (Emerging Fintech Hub). Vào 2018, TP HCM thuộc top 25 này, được xếp hạng bởi nhóm tổ chức gồm: Viện Tiên phong Bắc Kinh về Quy định và Công nghệ giám sát (FIRST), Học viện Internet Fintech và Trường Kinh doanh Quốc tế (cùng thuộc Đại học Chiết Giang), Hiệp hội Fintech Chiết Giang.
Đến 2024, TP HCM chưa vào top 50 chung cuộc của Global Fintech Hub của nhóm tổ chức này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng địa phương có nhiều triển vọng phát triển khi là nơi đặt trụ sở của khoảng 50% trong khoảng 190 công ty Fintech đang hoạt động tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng, ĐHQG-HCM (IBT).
Theo PGS TS Hoàng Công Gia Khánh, kinh nghiệm thế giới cho thấy 6 yếu tố lớn ảnh hưởng đến sự hình thành một Fintech Hub gồm: cộng đồng Fintech sôi động, sự tham gia của các công ty uy tín lâu đời, khả năng thu hút nhà đầu tư, chính sách thuận lợi, nguồn lao động chất lượng cao và xây dựng được thương hiệu. Trong đó, TP HCM đã có vài điểm mạnh để thành một Fintech Hub khu vực.
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển TP HCM (HIDS) cho rằng điểm thuận lợi là TP HCM có định hướng phát triển nền kinh tế số. Thời gian qua, thương mại điện tử tại địa phương này tăng trưởng khoảng 37% mỗi năm, đi cùng với sự phát triển của các nền tảng thanh toán đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, về thách thức, Fintech đã được thảo luận nhiều nhưng hiện vẫn chưa có quy định thí điểm chính sách (sandbox) cho lĩnh vực này.
Đồng tổ chức “Ho Chi Minh City Fintech Road 2025” cùng UEL và IDG Việt Nam, HIDS dự kiến tiến hành diễn đàn đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu để đóng góp xây dựng chính sách, song song với các cuộc thi học thuật, đào tạo để tìm kiếm ý tưởng, chuẩn bị nhân lực cho ngành.
Viễn Thông
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chuyen-gia-trung-tam-tai-chinh-tp-hcm-nen-chon-the-manh-fintech-4778899.html