(ĐTCK) Trong lúc bí đề tài phục vụ bạn đọc, may thay vớ được anh bạn đồng môn – cũng là dân đầu tư chứng khoán để khai thác. Hôm nay, tôi kể chuyện bạn tôi chơi chứng khoán – “hệ báo”.
Tôi có ông bạn, dân phu chữ, nói thế cho văn hoa, chứ theo ngôn ngữ nhà quê “toạc móng lợn” ra thì hắn làm chân viết lách, phóng viên cho một tờ báo ngành.
Trong mắt cả đám bạn thì tay này “dốt đặc cán mai, dốt dài hai cán thuổng” các vấn đề về kinh tế, tài chính. Thời còn sinh viên, có lần hắn khởi sự bằng việc buôn bột sắn dây, rồi thuốc lào Tiên Lãng. Lần nào cũng lỗ mấy chục phần trăm, báo hại mấy thằng bạn phải tìm kênh tiêu thụ hộ. Sắn dây còn đỡ, chứ thuốc lào ế toàn để hút vặt, thành ra phòng lại thêm cái trò hút sách, thối phổi.
Sau mấy bận “buôn ngược”, hắn chuyển qua chạy xe ôm. Tối tối, hắn dựng con Wave Tàu ở cổng trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội trên phố Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy để bắt khách. Dần dà, hắn có một khách ruột là “ông chú làm nghề tài chính”.
Hồi những năm 2008 – 2009, chứng khoán còn là cái gì đó lạ hoắc với nhiều người và dù quen biết được một chứng nhân của thị trường là ông chú nọ – người gia nhập thị trường từ những ngày đầu tiên, ông bạn tôi vẫn lạnh nhạt với bảng điện lắm. Thế rồi, như các cụ hay nói, phần sau là lịch sử.
Một ngày đẹp trời, nhân chuyến “ship” khách ruột đến cơ quan, hắn cũng thử lê la lên sàn, ngó nghiêng xem cái bảng điện nó tròn méo thế nào. Dần dà, hắn tìm hiểu và trở thành chứng sĩ (từ đó tôi mới biết, trở thành chứng sĩ dễ hơn thành thi sĩ).
Sau vài bận đầu tư nhỏ, hắn “chuyển mình” mang tiền tiết kiệm mua cổ phiếu. Cũng chiến thắng vang dội lắm vì thấy hắn chuyển từ Wave Tàu sang Honda. Và rồi thành tựu ấy cũng khiến hắn rời xa xóm trọ tồi tàn khu Quan Hoa, Cầu Giấy để tiến sát hơn với cái lõi của Thủ đô.
Quả thật, hắn khấm khá lên nhờ chứng khoán, cũng hào sảng chia sẻ cơ hội và kiến thức đầu tư ở môn chơi mới này cho chúng tôi. Ấy vậy mà cả đám bạn quê mùa vẫn kiên định làm công ăn lương, chứ không tham gia vào lĩnh vực chuyên môn cao này.
Trong những cuộc bia hơi vỉa hè, khi mà bọt bia còn dính đầy mép, mỡ nhoe nhoét đầy bờ môi từ đĩa muống xào, đậu phụ tẩm hành, chúng tôi cũng mừng cho hắn “chuyển hóa” thành công từ ông buôn thuốc lào thành nhà đầu tư.
Nhưng rồi cũng có lần hắn ngã ngựa, thua nhiều, bán xe trả nợ. Rồi hắn lại mạnh mẽ đứng dậy, làm lại từ đầu. Có một điều mà cả đám chúng tôi phục hắn, đó là kể cả lúc kiếm nhiều tiền từ chứng khoán, hay những lần bị thị trường dập vùi, hắn vẫn lạc quan và đặc biệt, vẫn kiên định không bỏ nghề viết.
Hắn bảo, dù coi đầu tư là kênh kiếm tiền chính, nhưng cái nghiệp viết lách vẫn là niềm đam mê. Nghề viết không chỉ giúp hắn giữ được sự cân bằng, mà còn giúp hắn chống chịu lại những khi trượt chân, vồ ếch.
Hôm rồi gặp nhau nhân ngày “tổ nghề”, cả đám đua nhau hỏi độ này ra sao, hắn bảo, giờ thì việc đầu tư cũng vẫn duy trì, nhưng đã tém lại và không bao giờ tất tay như trước. Đó là giải pháp an toàn bảo vệ niêu cơm gia đình.
“Giờ có vợ con rồi, lại có tý tuổi nữa nên hèn hẳn các ông ạ. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ chứng khoán, vì nói thật, cũng nhờ chứng cổ mà mình có được ngày hôm nay. Nhưng kể cả khi có nhiều cơ hội, tôi vẫn chỉ xuống tiền một cách khiêm tốn, vừa phải. Bà xã tôi bảo, giờ cũng gọi là đủ ăn, đủ mặc, không dư thừa nhiều nhưng cũng chẳng thiếu thốn, anh đừng đánh cược với thị trường nữa. Tôi thấy đúng nên làm theo. Giờ chứng khoán vẫn là thứ đam mê, nhưng đã nhạt bớt, chỉ như kênh làm thêm các ông ạ”, hắn nói.
Trong lúc những tay phu chữ như chúng tôi đang định “quăng thân vào gió bụi”, hắn nói ra những điều này làm không ít anh em “tắt lửa lòng” với chứng khoán, dù ngọn lửa mới vừa được nhen lên. Nhưng tôi nghĩ rồi, có khi biết đủ như hắn lại hay, lại hiếm.
Lúc về, hắn bảo: “Tôi nói thật, nếu các ông thấy cuộc sống yên ả quá, muốn mặt hồ phẳng lặng có chút sóng sánh thì ‘chơi’ chứng khoán cũng được, nhưng nhớ là chỉ ‘chơi’ đúng nghĩa dạo chơi cho thêm màu sắc, gia vị, chứ đừng ham hố quá. Ném viên sỏi hay ném cả hòn đá vào mặt hồ là do các ông tự chọn mà thôi”.
Ừ, cũng đúng!
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-nha-dau-tu-la-phu-chu-post350702.html