Chi tiết

Thị trường trái phiếu “ấm” lại

Các doanh nghiệp bất động sản phát hành gần 38.700 tỷ đồng trái phiếu trong 7 tháng đầu năm 2024

(ĐTCK) Kênh trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu “ấm” trở lại, với các đợt phát hành mới gia tăng, trong đó trái phiếu bất động sản chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, nhưng tập trung vào một số doanh nghiệp.

Lãi suất trái phiếu bất động sản dẫn đầu thị trường

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong tháng 7/2024, có 56 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công, với khối lượng khoảng 45.000 tỷ đồng, giảm 15% so với tháng 6/2024, nhưng tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, có 174 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công, với khối lượng 161.500 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổ chức tín dụng phát hành hơn 109.000 tỷ đồng trái phiếu (chiếm 67,5%), doanh nghiệp bất động sản phát hành gần 38.700 tỷ đồng trái phiếu (chiếm 24%).

Thống kê của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, nhóm trái phiếu bất động sản có kỳ hạn ngắn và lãi suất ở mức cao nhất. Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2024, lãi suất trung bình của trái phiếu bất động sản là 12%/năm, kỳ hạn bình quân 2,7 năm. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu bình quân của nhóm ngân hàng là 5,4%/năm, kỳ hạn bình quân 4 năm.

7 tháng đầu năm 2024, có 174 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công, với khối lượng 161.500 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm 2023.

Một số đợt phát hành trái phiếu đáng chú ý như lô trái phiếu THBCH2328001 trị giá 800 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thiên Hà – Băng Dương (Thiên Hà – Băng Dương) phát hành ngày 29/12/2023, hoàn tất phát hành ngày 29/1/2024, kỳ hạn 5 năm (đáo hạn ngày 29/12/2028) có lãi suất 12%/năm. Mới đây, công ty này phát hành lô trái phiếu THBCH2429001 trị giá 600 tỷ đồng ngày 29/6/2024, cũng có kỳ hạn 5 năm và lãi suất 12%/năm.

Thiên Hà – Băng Dương được thành lập ngày 26/12/2014 tại Bình Dương, vốn điều lệ 980 tỷ đồng. Công ty là chủ đầu tư dự án The Esme Dĩ An, có diện tích 4,3 ha. Dự án được thiết kế xây dựng với 3 block căn hộ, cung cấp ra thị trường khoảng 1.139 căn hộ và 42 căn nhà phố thương mại. Về kết quả kinh doanh, năm 2022, Thiên Hà – Bình Dương lỗ sau thuế 1,4 tỷ đồng và năm 2023 lỗ thêm 793 triệu đồng.

Công ty cổ phần Phát triển tổng hợp Hưng Thịnh Phát phát hành lô trái phiếu HTPCH2428001 trị giá 412 tỷ đồng ngày 17/7, kỳ hạn 4 năm, lãi suất cho 2 kỳ thanh toán đầu tiên là 12%/năm.

Trái phiếu có lãi suất thấp hơn là lô trái phiếu HDRCB2426003 trị giá 2.850 tỷ đồng do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng (Bất động sản Hải Đăng) phát hành ngày 26/7/2024 , kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 9,8%/năm.

Trước đó, ngày 12/3, Bất động sản Hải Đăng phát hành lô 2 trái phiếu gồm 1.200 tỷ đồng trái phiếu HDRCB2427002, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10%/năm; 1.300 tỷ đồng trái phiếu HDRCB2425001, kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 9,8%/năm.

Như vậy, trong vòng hơn 5 tháng, Bất động sản Hải Đăng đã huy động được tổng cộng 5.350 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, dù hoạt động chưa được 2 năm.

Tình hình chậm trả lãi/gốc trái phiếu gia tăng

Lãi suất trung bình của trái phiếu bất động sản phát hành trong 7 tháng đầu năm 2024 là 12%/năm, kỳ hạn bình quân 2,7 năm.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần khởi sắc trở lại, nhưng số liệu của MBS cho thấy, tình trạng chậm trả trái phiếu gia tăng, khi nhiều doanh nghiệp đối mặt với gánh nặng đáo hạn lớn. Tháng 7/2024 ghi nhận thêm 3 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán tiền gốc trái phiếu, nâng tổng số doanh nghiệp chậm trả lên tới 116.

Hiện tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả các nghĩa vụ thanh toán là gần 210.000 tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ trái phiếu toàn thị trường, trong đó nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 68%.

Trong những tháng còn lại của năm nay, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn là gần 131.000 tỷ đồng, hơn 41% số này thuộc nhóm bất động sản, theo sau là ngân hàng với 14,6%.

“Trong 12 tháng tới (kể từ tháng 7/2024), khoảng 18% trái phiếu đang lưu hành với tổng trị giá là 207.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn. Chúng tôi ước tính, 27% trái phiếu có rủi ro không trả được nợ gốc đúng hạn, chủ yếu ở các ngành bất động sản dân cư và xây dựng. 65% trong số trái phiếu này đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó”, VIS Rating cho biết.

Theo VIS Rating, trong tháng 7 vừa qua, ước tính khoảng 60% trong số 9.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn không trả được nợ gốc đúng hạn. Trong số 5.400 tỷ đồng trái phiếu không trả được nợ gốc đúng hạn, có 5.200 tỷ đồng trái phiếu của các công ty thuộc nhóm ngành xây dựng và bất động sản dân cư như Nova Land, Nam Land, Big Gain, Đại Thịnh Phát, Kita Invest trước đây đã không trả lãi đúng hạn vào năm 2023.

Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Đại Thịnh Phát (Đại Thịnh Phát) đã xin ý kiến trái chủ gia hạn thời hạn lưu hành của 2 gói trái phiếu bao gồm gói trái phiếu DPJCH2224001 giá trị 500 tỷ đồng đáo hạn ngày 29/7/2024 và gói trái phiếu DPJCH224002 giá trị 471,7 tỷ đồng đáo hạn ngày 9/8/2024. Theo đó, kỳ hạn trái phiếu DPJCH224001 sẽ được kéo dài từ 2 năm lên 3 năm, tức đáo hạn vào ngày 29/7/2025.

Trước đó, năm 2023, Đại Thịnh Phát chỉ thanh toán được hơn 10,3 tỷ đồng tiền lãi cho 2 lô trái phiếu mã DPJCH2224001 và DPJCH2224002. Cả 2 lô trái phiếu đều có kỳ trả lãi 1 tháng 1 lần. Mỗi lô trái phiếu hiện đã chậm 11 kỳ trả lãi, với tổng số tiền 111 tỷ đồng. Đại Thịnh Phát cho biết, lý do chậm thanh toán lãi là do Công ty đang sắp xếp nguồn vốn và đã thông báo kế hoạch trả nợ cho trái chủ.

Về tình hình kinh doanh, năm 2022, Đại Thịnh Phát lỗ sau thuế 4,8 tỷ đồng. Năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế 10,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với số lãi trái phiếu chậm trả cho tới nay và việc 2 lô trái phiếu trị giá gần 1.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 7 và tháng 8/2024, con số lợi nhuận năm 2023 không đủ sức khiến các trái chủ yên tâm.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-trai-phieu-am-lai-post351378.html