Chi tiết

Giãn tiến độ để doanh nghiệp kịp thích ứng

Trước thế khó của ngành rượu – bia, nhiều ý kiến kiến nghị xem xét lại lộ trình tăng thuế hợp lý và giãn tiến độ đã được đưa ra để các doanh nghiệp tránh bị “sốc” và có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp cần thời gian chuẩn bị

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia. Với phương án 2 của dự thảo Hồ sơ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), các sản phẩm rượu, bia lại đang có nguy cơ phải đối mặt với đề xuất tăng thuế lớn chưa từng có trong lịch sử.

Theo đó, nếu được thông qua, dự kiến mức thuế sẽ tăng liên tục bắt đầu từ năm 2026 đến năm 2030, từ mức 65% lên đến 100%.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Giãn tiến độ để doanh nghiệp kịp thích ứng

Doanh nghiệp cần thời gian chuẩn bị.

Trước đề xuất này, nhiều doanh nghiệp rượu – bia cũng đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại. Tăng mạnh và nhanh thuế TTĐB có thể khiến doanh nghiệp bị “sốc”, rơi vào cảnh “khó chồng khó”. Bên cạnh đó, hàng triệu lao động trong và ngoài ngành cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, trong trường hợp doanh nghiệp phải cắt giảm lao động hay thậm chí là đóng cửa.

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngành đồ uống hiện đang gặp khó khăn liên tiếp. Các doanh nghiệp lớn trong ngành đều giảm doanh thu, lợi nhuận từ một đến hai con số.

Thêm vào đó, việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp cũng như lối sống, hành vi người tiêu dùng có sự thay đổi, bồi thêm khó khăn.

“Ngành đồ uống đã chứng kiến thực trạng lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm từ năm 2021, thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2020-2023. Lượng hàng tồn kho riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 29% so với cùng kỳ năm trước”, bà Vân Anh chia sẻ.

Trước thế khó của ngành, vị lãnh đạo VBA kiến nghị cân nhắc xem xét lộ trình tăng thuế hợp lý và giãn tiến độ.

“Năm đầu tăng 5%, hai năm sau tăng 5% nữa để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn cũng như đảm bảo hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể”, bà Vân Anh đề xuất.

Còn theo quan điểm của ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lộ trình đánh thuế nên giãn 2-3 năm tính từ khi luật thuế có hiệu lực, có thể năm 2027- 2028, để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Về mức thuế suất, Chính phủ phải thuyết phục Quốc hội ngưỡng tối đa đánh đến 2030, mức cao nhất là 80% hay 100% để tạo sự chuyển biến ngay.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng cần cân nhắc đánh thuế suất với bia phải khác với rượu, dựa trên cơ cấu, thị trường và tác động. Trong đó bia 0 độ không nên đánh thuế vì đạt mục tiêu chính sách (hạn chế đồ uống có cồn) và doanh nghiệp có cơ hội tái cơ cấu sản xuất.

Tăng thuế không giúp thay đổi hành vi của người tiêu dùng

Ở một góc nhìn khác, việc tăng thuế đột ngột là một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng chuyển sang sử dụng sản phẩm giá rẻ tự sản xuất, chất lượng thấp. Thực tế, ngoài thị trường bia rượu chính thức, đã và đang tồn tại một thị trường bia rượu không chính thức vốn đã phát triển rất mạnh trong suốt nhiều thập niên qua.

5200-bia

Tăng thuế không giúp thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vào đầu năm 2022, rượu từ khu vực phi chính thức, cụ thể là rượu thủ công và rượu lậu, ước tính khoảng 385 triệu lít/năm, trong đó rượu thủ công chiếm 70 đến 90% con số này. Và tất nhiên với hơn 380 triệu lít rượu này, Nhà nước không thu được một đồng thuế.

Khi thuế với các sản phẩm bia rượu chính thức được điều chỉnh tăng quá nhanh, việc người tiêu dùng chuyển sang dùng nhiều hơn các sản phẩm rượu phi chính thức. Hơn nữa, nhìn từ các dữ liệu lịch sử, việc tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt cũng không giúp thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), từ năm 2003 đến năm 2016 dựa trên số liệu của Hiệp hội đồ uống và hiệp hội rượu bia và Tổng Cục thuế cho thấy trong 13 năm nay, từ lúc tiêu thụ bia/rượu bình quân đầu người 3,8 lít/người/năm tăng lên 6,6 lít/người/năm vào giai đoạn từ năm 2008 – 2010.

Đến năm 2016, thời kỳ kinh tế tăng trưởng đỉnh cao của giai đoạn vừa qua, mức tiêu thụ này lên đến 8,3 lít/người/năm. Như vậy, rõ ràng từ năm 2003 đến năm 2016, mức độ tiêu thụ bia rượu bình quân đầu người đã tăng gấp hơn 2 lần.

Trong khi đó thuế tiêu thụ rượu, bia ở giai đoạn 2010-2012 là 45%, đến năm 2013 tăng lên 50%, năm 2016 tăng lên 55%, năm 2017 là 60% và từ năm 2018 đến nay là 65%. Thuế tăng liên tục, nhưng tác động nghịch là tỉ lệ người lạm dụng rượu bia có hành vi bạo hành cũng tăng từ mức 1,4% dân số năm 2010 lên mức 14% vào năm 2016, tức là gấp 10 lần.

“Có thể thấy tăng thuế TTĐB không giúp làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Hành vi của người tiêu dùng thực chất thay đổi do Nghị định 100. Như vậy, rõ ràng các biện pháp hành chính có tác dụng mạnh mẽ hơn thuế. Do đó, các biện pháp hành chính cần tiếp tục được kéo dài.” ông Phụng khẳng định.

Ngoài ra, ông Phụng nhấn mạnh, khi tăng thuế TTĐB, các cơ quan chức năng cần có các chiến dịch truyền thông để người tiêu dùng chấp nhận mức giá, đồng thời để doanh nghiệp chấp nhận những tác động đến quá trình sản xuất kinh doanh.



Nguồn tin