Chi tiết

DAG: 20 năm làm không bằng 1 năm lỗ, giá cổ phiếu “đội sổ” sàn HOSE

DAG: 20 năm làm không bằng 1 năm lỗ, giá cổ phiếu “đội sổ” sàn HOSE

Mãi đến tháng 7/2024, DAG mới công bố BCTC kiểm toán năm 2023 và gây bất ngờ với khoản lỗ khổng lồ hơn 600 tỷ đồng. Giá mỗi cổ phiếu đến ngày 14/08 chỉ còn quanh 1,430 đồng, thấp nhất sàn HOSE.

Trích lập dự phòng hàng trăm tỷ đồng sau kiểm toán

Ngày 02/08, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) gửi văn bản nhắc nhở CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (HOSE: DAG) do chậm công bố thông tin khi xảy ra các sự kiện khác có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể là BCTC kiểm toán năm 2023 của doanh nghiệp nhựa lỗ ròng 606 tỷ đồng, mất thêm 349 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó; chủ yếu do dự phòng giảm giá hàng tồn kho tăng mạnh đột ngột – từ 34 tỷ đồng lên 404 tỷ đồng, làm “đội” giá vốn hàng bán khiến lỗ gộp 372 tỷ đồng, giảm thêm 307 tỷ đồng.

Điểm khác biệt so với các năm trước là năm 2023 xuất hiện lô hàng gửi bán 682 tỷ đồng nhưng trích lập dự phòng giảm giá 307 tỷ đồng. Nhiều nhất nằm tại Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Vĩnh Trường, số tiền 99 tỷ đồng và Công ty TNHH Liên doanh Shide Việt Nam, 95 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 30%, lên 148 tỷ đồng, do Công ty trích lập thêm dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi, từ 87 tỷ đồng lên 118 tỷ đồng, hầu hết từ khách hàng nước ngoài mà theo DAG đều không thể liên lạc để đối chiếu công nợ.



Nguồn: DAG

Sau kiểm toán, tổng tài sản của DAG “bay màu” 732 tỷ đồng, còn hơn 1.4 ngàn tỷ đồng. Ngoài hàng tồn kho, tổn thất nhiều nhất là các khoản phải thu ngắn hạn khi giảm hơn nửa, còn 230 tỷ đồng. Riêng trả trước cho người bán ngắn hạn và phải thu ngắn hạn khác chỉ còn hơn 50 tỷ đồng, trong khi con số DAG tự lập là 331 tỷ đồng.

Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn lần lượt 721 tỷ đồng và 489 tỷ đồng, giảm 300 tỷ đồng và 234 tỷ đồng.

Ghi nhận lỗ lớn kéo tụt vốn chủ sở hữu của DAG về 80 tỷ đồng từ mức đỉnh 687 tỷ đồng năm 2022 – được tích lũy trong hơn 2 thập niên hoạt động của Doanh nghiệp.

Một điểm nữa, Kiểm toán và Tư vấn UHY là đơn vị kiểm toán cho DAG trong năm 2022 và 2023, nhưng báo cáo năm 2022 được chấp nhận toàn phần lại không cho thấy Công ty có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến hàng tồn kho, các khoản phải thu cũng như nợ khó đòi.

Trong phần giải trình mới đây, DAG nói do kiểm toán UHY là đơn vị lần đầu thực hiện kiểm toán nên cần nhiều thời gian để tìm hiểu, rà soát lại hồ sơ – là một trong các nguyên nhân khiến Doanh nghiệp chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2023 quá 45 ngày.



Diễn biến vốn chủ sở hữu và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của DAG từ năm 2007

Ý kiến kiểm toán dài 3 trang A4, bị loạt ngân hàng khởi kiện

Đi kèm với điều chỉnh một loạt khoản mục trên BCTC, đơn vị kiểm toán UHY dành 3 trang đưa ra cơ sở ý kiến kiểm toán ngoại trừ và vấn đề cần nhấn mạnh.

Về nợ xấu, kiểm toán nói đã gửi thư xác nhận độc lập cho các đối tác này, nhưng không nhận được phản hồi và cũng không thu thập được các biên bản đối chiếu xác nhận công nợ của Công ty với các đối tượng này. Phía DAG cho biết cũng đã liên lạc, nhưng tỷ lệ xác nhận nợ đang ở mức thấp. Tình hình khó khăn nên các đối tác mua hàng cũng chưa thu xếp được tiền để trả nợ.

Liên quan đến giảm giá hàng tồn kho, kiểm toán đã áp dụng các thủ tục thay thế để xác định số lượng, giá trị nguyên vật liệu, hàng hóa nhưng vẫn không đủ cơ sở để đánh giá tính hiện hữu, giá trị của thành phẩm. DAG cũng chưa áp dụng nhất quán phương pháp tính giá thành cho các loại thành phẩm trong năm 2023.

Đối với hàng gửi bán gần 682 tỷ đồng, UHY không thực hiện được việc chứng kiến kiểm kê thực tế, còn gửi thư xác nhận độc lập về giá trị và số lượng hàng gửi bán với đối tác liên quan thì không có phản hồi.

Trong văn bản giải trình, DAG thừa nhận sẽ rút kinh nghiệm và củng cố hệ thống cán bộ, phần mềm kế toán theo dõi sổ sách, kiểm soát hàng tồn kho.

Ngoài ra, kiểm toán UHY còn lo ngại về khả năng hoạt động liên tục khi tài sản ngắn hạn thấp hơn nợ ngắn hạn khoảng 72 tỷ đồng.

Một số khoản vay ngân hàng đã quá hạn thanh toán và chưa được gia hạn bổ sung, số tiền gần 348 tỷ đồng. Đến thời điểm phát hành BCTC cuối tháng 7, DAG vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận tài chính thay thế đối với các khoản nợ này.

DAG còn đang bị WooriBank Việt Nam, VPBank, Eximbank, HDBank, công ty cho thuê tài chính Chailease khởi kiện liên quan đến việc thanh toán gốc, lãi các khoản vay và nợ thuê tài chính.

Tháng 9 năm ngoái, DAG bị Cục thuế TP. Hà Nội cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng để thi hành thông báo tiền thuế nợ và tiền nộp chậm. Cục thuế tỉnh Hà Nam cũng có hành động tương tự để cưỡng chế đối với công ty con Nhựa Đông Á.

Phải phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ

Nửa đầu năm 2024, DAG  lỗ ròng 67 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn hơn 27 tỷ đồng. Công ty chỉ kiếm được 55 tỷ đồng doanh thu, tương đương 6% so với con số cùng kỳ năm ngoái. DAG đặt kế hoạch lãi sau thuế 9.5 tỷ đồng, doanh thu 642 tỷ đồng, nhưng đến nay thực hiện chưa đến 10% kế hoạch doanh thu.

Trước đó, doanh nghiệp nhựa vẫn tăng trưởng doanh thu đều đặn kể từ năm 2007 và đạt đỉnh hơn 2.2 ngàn tỷ đồng năm 2022, nhưng “đột ngột” mất gần một nửa vào năm 2023. Biên lãi gộp giai đoạn này lùi dần, từ mức 25% ở năm 2009 đến năm 2022 chỉ còn gần 5%.

Thời điểm Công ty rơi mạnh lợi nhuận là vào năm 2020, giai đoạn mở màn của COVID-19, dù doanh thu vẫn tiếp tục đi lên. Lãi ròng cao nhất 59 tỷ đồng là vào năm 2017.



Diễn biến doanh thu và lãi ròng của DAG giai đoạn 2007 – 2023

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Tổng Giám đốc Đường Ngọc Diệu cho biết 2 nguyên nhân chính khiến DAG đi lùi là do đại dịch và vòng đời sản phẩm giảm, như thanh profile, tấm trần thả,… Giai đoạn 2015-2019, doanh thu cao nhờ sản phẩm thanh profile cao, còn năm 2022 có sự cạnh tranh từ các sản phẩm nhôm trên thị trường nên doanh thu thấp.

Khó khăn những năm gần đây một phần do áp lực lãi vay ngày càng gia tăng, khiến lợi nhuận lùi sâu. Đến năm 2020, lãi vay 56 tỷ đồng, chiếm một nửa lãi gộp. Năm 2023 tăng lên 90 tỷ đồng.

Tiền mặt của DAG đến cuối quý 2/2024 vỏn vẹn 843 triệu đồng. DAG còn vay dài hạn nhiều lãnh đạo; như vay Thành viên HĐQT Phạm Ngọc Hinh 100 tỷ đồng, vay cựu Chủ tịch HĐQT Trần Việt Thắng 40 tỷ đồng; vay Thành viên HĐQT Nguyễn Bá Hùng 184 tỷ đồng.

Để tái cơ cấu các khoản nợ, DAG có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho các chủ nợ hơn 28.3 triệu cp để hoán đổi 283 tỷ đồng nợ vay thành vốn cổ phần (tỷ lệ 10,000:1, cứ 10,000 đồng nợ hoán đổi 1cp phát hành thêm). Theo đó, ông Phạm Ngọc Hinh sẽ nhận 10 triệu cp và ông Nguyễn Bá Hùng 18.3 triệu cp. Hiện ông Hùng đang sở hữu 5.99%.

Ông Hùng từng chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 rằng, vì ông là cổ đông sáng lập, cổ đông lớn nên sẵn sàng chịu thiệt khi cho DAG vay với lãi suất 0% để Công ty có thể phát triển đến ngày hôm nay.

Theo lãnh đạo DAG, năm nay sẽ tiếp tục khó khăn, do các ngân hàng đồng loạt hạ nhóm tín dụng xuống nhóm 5 nên việc tiếp cận vốn vay khó có thể khôi phục để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Được biết, năm 2023, DAG có phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhưng do tình hình biến động của thị trường, nhà đầu tư quyết định chưa tham gia.


Số lượng nhân viên của DAG giảm theo thời gian (Đvt: người)


Nguồn: Người viết tổng hợp

Ảnh hưởng của cổ đông sáng lập dần nhạt?

DAG tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Nhựa Đông Á, thành lập năm 2001 với vốn điều lệ 2.5 tỷ đồng, được góp bởi Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hùng Phát và CTCP Nhựa Đông Á. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa phục vụ ngành xây dựng, trang trí nội – ngoại thất.

Sau một thời gian, toàn bộ phần vốn góp của CTCP Nhựa Đông Á được ông Nguyễn Bá Hùng mua lại. Năm 2006, DAG chuyển sang mô hình công ty cổ phần.

Ông Hùng là một trong số cổ đông sáng lập của DAG. Năm 2010, ông cùng Công ty Hùng Phát sở hữu lần lượt 36.42% và 28.9%. Ngoài ra còn có quỹ Japan Vietnam Growth Fund LP giữ 5%.


Ông Nguyễn Bá Hùng – Ảnh: DAG

Vợ ông Hùng là bà Trần Lê Thị Hải, lúc này đang giữ vai trò Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DAG, Chủ tịch HĐTV kiêm đại diện pháp luật Công ty Hùng Phát. Thành viên HĐQT Nguyễn Thị Tính (chị ông Hùng) cũng là một cổ đông sáng lập, sở hữu 0.15%.

Năm 2016, ông Hùng giảm tỷ lệ sở hữu xuống 6.9% và bán sạch trong năm 2017. 3 năm sau, ông mua lại 5.99%. Đến nay, Công ty Hùng Phát còn nắm 5%. Một cổ đông lớn khác là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển NBH giữ 10% DAG và cũng do ông Hùng làm Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.

Ông Hùng (sinh năm 1971) làm Chủ tịch HĐQT DAG từ năm 2006. Đến năm 2013, ông kiêm thêm vai trò Tổng Giám đốc thay vợ và giữ đến cuối năm 2022, sau đó ông Đường Ngọc Diệu lên nắm đến hiện tại. Năm 2020, ông Hùng nhường lại ghế Chủ tịch cho ông Vương Trí Dũng. Còn bà Hải cũng rút khỏi Thành viên HĐQT từ năm 2018.

Năm 2024, DAG cần tới 3 lần mới tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên và cũng là năm đầu tiên ông Hùng không còn ngồi trong thành phần đoàn chủ tọa.

Thời điểm đỉnh cao 2021-2022, mỗi cổ phiếu DAG từng có giá hơn 18,000 đồng, nhưng nhanh chóng về dưới mệnh giá trong chưa đầy 1 năm, đến nay chỉ còn hơn 1,400 đồng/cp, mất đến 90%. Riêng năm 2024, mức giảm gần 50%, nhưng với tình hình hiện tại, chưa thể nói đây là đáy của cổ phiếu này.



Diễn biến giá cổ phiếu DAG từ đầu năm 2024

Tử Kính

FILI



Source link