(ĐTCK) Dù giá nông sản neo cao, nhưng kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu của các doanh nghiệp nông nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán lại có sự phân hóa và chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Giá nông sản tăng cao do biến đổi khí hậu
Sau khi điều chỉnh giảm giai đoạn cuối năm 2023, trong nửa đầu năm 2024, chỉ số giá lương thực thế giới đã tăng trở lại, bật tăng 2,73%, từ 117,4 điểm lên 120,6 điểm.
Trong đó, tác động tới đà tăng chủ yếu do giá đường tăng 1,9%, giá sữa tăng 1,2%, giá dầu thực vật tăng 3,1% và ngược lại, giá ngũ cốc giảm 3% sau khi neo ở vùng giá cao một thời gian dài (Xem đồ thị).
Biến đổi khí hậu trong những năm qua, đặc biệt là hiện tượng EI Nino đã tác động mạnh tới lĩnh vực nông nghiệp, gây suy giảm sản lượng, đẩy giá lượng thực tăng cao ở nhiều lĩnh vực như gạo, cao su, mía đường… trong nửa đầu năm 2024.
Tuy nhiên, việc hiện tượng này có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian qua mang tới kỳ vọng tăng sản lượng gạo, cao su, mía đường… ở nhiều khu vực, khiến giá một số loại lương thực điều chỉnh giảm nhẹ trở lại.
Bà Beth Bechdol – Phó tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết: “Biến đổi khí hậu và xung đột địa chính trị là những vấn đề nghiêm trọng nhất, đòi hỏi phải hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.
Các bằng chứng khoa học rõ ràng và định hướng chính sách chỉ rõ, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến an ninh lương thực và tác động của nó là mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế”.
Theo Cục Bảo vệ môi sinh Mỹ (EPA), ngành nông nghiệp rất nhạy cảm với thời tiết và khí hậu. Những thay đổi về khí hậu (chẳng hạn nhiệt độ, lượng mưa và thời gian băng giá) có thể kéo dài mùa sinh trưởng hoặc cho phép trồng nhiều loại cây trồng khác nhau ở một số vùng, nhưng nó cũng sẽ làm cho hoạt động nông nghiệp trở nên khó khăn hơn ở những vùng khác.
Chỉ số giá lương thực thế giới bật tăng từ đầu năm 2024 tới nay (Nguồn: FAO). |
Hiện tại, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư trên thế giới quan tâm trước lo ngại biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng tới năng lực sản xuất nông nghiệp toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn chính trị đang diễn ra ở nhiều nơi.
Tại Việt Nam, mặc dù chịu nhiều yếu tố khách quan khi giá nông sản biến động không đồng đều, nhưng nông nghiệp vẫn là lĩnh vực đóng góp đáng kể tới giá trị xuất khẩu trong nửa đầu năm 2024.
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; xuất khẩu lâm sản chính đạt 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; xuất khẩu thủy sản đạt 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi đạt 240 triệu USD, tăng 3,8%…
Phân hóa
Cũng theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong nửa đầu năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu gạo đạt 2,9 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tình hình kinh doanh và giá cổ phiếu một số doanh nghiệp trong ngành lại diễn biến trái chiều.
Thống kê từ ngày 2/1/2024 đến ngày 16/7/2024, giá cổ phiếu trung bình của 6 doanh nghiệp xuất khẩu gạo gồm Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã TAR), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã AGM), Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã PAN), Tổng công ty Lương thực Miền Nam – Công ty cổ phần (Vinafood II, mã VSF), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (Afiex, mã AFX) và Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) đã giảm trung bình 15,4%. Trong đó, 5/6 cổ phiếu giảm trung bình tới 23,7% và chỉ cổ phiếu PAN tăng 26,1%.
Tại Tập đoàn PAN, doanh nghiệp này duy trì được kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2024 nhờ vào hệ sinh thái nông nghiệp, từ giống cây trồng, gạo đóng gói, khử trùng và nông dược, tới tôm xuất khẩu, bánh kéo, hạt đóng gói, cá tra xuất khẩu… Riêng quý I/2024, PAN ghi nhận lợi nhuận tăng 57% lên 168 tỷ đồng.
Ngược lại, 2 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong quý đầu năm 2024 là Angimex (lỗ 14,94 tỷ đồng) và Lộc Trời (lỗ 96,28 tỷ đồng); 2 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm là Trung An (giảm 68,1% về 2,71 tỷ đồng) và Afiex (giảm 12,4% về 4,11 tỷ đồng). Với Vinafood II, dù ghi nhận lãi tăng đột biến gần 17 lần, lên 10,03 tỷ đồng, nhưng chủ yếu nhờ doanh thu tài chính, trong khi lợi nhuận cốt lõi vẫn là âm 18,21 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, việc giá thịt heo tăng đã giúp cổ phiếu nhóm này nổi sóng trong nửa đầu năm 2024 khi nhà đầu tư kỳ vọng điều này sẽ giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tích cực.
Việc giá cổ phiếu nhóm chăn nuôi heo nổi sóng nửa đầu năm 2024 chủ yếu đến từ kỳ vọng thời điểm khó khăn nhất đã qua. Tuy nhiên, từ giữa tháng 6/2024 tới nay, giá cổ phiếu nhóm này có dấu hiệu thoái trào khi định giá không còn rẻ.
Ông Lâm Văn Vân Quỹ đầu tư ECI Capital
Thống kê từ ngày 2/1 đến 16/7 cho thấy, giá cổ phiếu trung bình của 3 công ty là Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC), Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã BAF) và Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) đã tăng trung bình 8,5%. Trong đó, đà tăng chủ yếu đến từ cổ phiếu DBC khi tăng 26,8%.
Trong quý I/2024, Dabaco ghi nhận lãi trở lại 72,61 tỷ đồng so với mức lỗ 320,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, trong khi BAF ghi nhận lãi 118,65 tỷ đồng, tăng 29,3 lần cùng kỳ.
Thực tế, trong năm 2023, giá thịt heo duy trì ở mức thấp, gây khó khăn cho các doanh nghiệp chăn nuôi. Từ đó, một số doanh nghiệp và người dân hạn chế tái đàn và kết quả là nguồn cung suy giảm trong nửa đầu năm 2024, dẫn tới giá tăng lên.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1, Điều 12 – Luật Chăn nuôi năm 2018 (có hiệu lực từ đầu năm 2020), chăn nuôi trong khu vực dân cư bị nghiêm cấm và trong 5 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực, tức muộn nhất là đầu năm 2025, các cơ sở chăn nuôi vi phạm phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp.
Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nguồn tài chính và quỹ đất phát triển trang trại quy mô lớn, trong khi người dân với quy mô chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ gặp khó khăn trong việc tuân thủ Luật.
Ông Lâm Văn Vân – đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital chia sẻ: “Việc giá cổ phiếu nhóm chăn nuôi heo nổi sóng nửa đầu năm 2024 chủ yếu đến từ kỳ vọng thời điểm khó khăn nhất đã qua, khi giá heo neo ở vùng giá cao, đồng thời Luật Chăn nuôi năm 2018 giúp hạn chế việc sản xuất quy mô nhỏ, tăng cơ hội sản xuất quy mô lớn.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 6/2024 tới nay, giá cổ phiếu nhóm này có dấu hiệu thoái trào khi định giá không còn rẻ, nhà đầu tư quay trở lại bán mạnh cổ phiếu và áp lực này dự báo sẽ còn duy trì trong thời gian tới”.
Có thể thấy, dù có những con sóng theo kết quả kinh doanh, nhưng cổ phiếu nhóm nông nghiệp vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư khi thanh khoản nhóm này thường ở mức thấp và các đợt sóng cũng qua khá nhanh.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-nong-nghiep-lech-pha-post351252.html