Bộ Công Thương được giao trình Thủ tướng điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với năng lượng mặt trời mái nhà trong tháng 9.
Nội dung được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu tại Thông báo 387 ngày 16/8 về dự thảo Nghị định khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Theo dự thảo mới nhất của Bộ Công Thương, tổ chức, cá nhân lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không nối với hệ thống điện quốc gia sẽ không bị giới hạn công suất. Các hệ thống nối lưới sẽ chỉ được phát triển tối đa tổng công suất 2.600 MW tại Quy hoạch điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII).
Song, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các hệ thống điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc hiện chỉ chiếm khoảng 2,5% nhưng khả năng huy động lên đến 25-30%. Do vậy, Phó thủ tướng cho rằng cần điều chỉnh quy mô công suất với khu vực này, có thể lên tới 7.000 MW. Mức này gấp gần 3 lần so với giới hạn phát triển 2.600 MW cho cả nước. Cùng đó, ông cũng cho rằng khả năng huy động cho khu vực TP HCM cần được tính toán lại.
Bộ Công Thương, EVN và các bên liên quan được giao tính toán nhu cầu phụ tải, khả năng bảo đảm an toàn hệ thống, lưới truyền tải tại địa phương, vùng miền khi huy động điện mặt trời mái nhà tự dùng nối lưới. “Việc này là căn cứ để đề xuất nâng công suất, trình Thủ tướng quyết định điều chỉnh quy hoạch với năng lượng mặt trời mái nhà trong tháng 9”, thông báo nêu.
Hiện cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ nhiều lần chỉ đạo Bộ Công Thương hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. “Tinh thần chỉ bàn làm, không lùi thời gian, thời điểm, mục tiêu”, ông Hà cho biết, yêu cầu Bộ Công Thương trình dự thảo Nghị định trước ngày 22/8 để Chính phủ xem xét, quyết định.
Để khuyến khích người dân lắp đặt, ông Hà cũng nhắc lại yêu cầu cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính với hệ thống trên công trình hiện hữu. Đồng thời, cơ quan quản lý phải thực hiện hậu kiểm thay cho tiền kiểm, thông báo cho cơ quan chức năng biết lượng điện phát lên lưới.
Trong đó, về phương án mua bán điện dư, Bộ Công Thương quy định theo hướng cho tổ chức, cá nhân bán lên lưới lượng điện không quá 20% tổng công suất lắp đặt. Trường hợp hệ thống công suất trên 100 kW đến dưới 1 MW, nếu muốn bán điện dư lên hệ thống, người dân phải đăng ký với cơ quan điện lực địa phương để đấu nối với hệ thống điều khiển từ xa. Các hệ thống có công suất từ 1 MW trở lên sẽ phải đăng ký kinh doanh. Phó thủ tướng lưu ý kiểm soát chặt hộ kinh doanh, sản xuất có bán điện dư lên lưới, truyền tải ra ngoài vùng sản xuất.
Với trường hợp lắp đặt kèm hệ thống lưu trữ điện năng, theo Phó thủ tướng, người dân có thể bán 100% công suất điện dư. Cơ quan quản lý có thể nghiên cứu cho phép mua điện theo giá từng thời điểm.
Với các cơ quan, công sở, cơ quan quản lý cần có quy định nghiệm thu hệ thống đo đếm, giám sát, điều khiển tại chỗ và kết nối thông tin với cấp điều độ phân phối. Đồng thời, họ phải nghiên cứu quản lý, giám sát, điều khiển theo hình thức chuyển đổi số với nguồn điện không sử dụng vào thứ 7, Chủ nhật hoặc nghỉ lễ. Việc này nhằm đảm bảo an toàn trong vận hành hệ thống điện.
Phương Dung
Nguồn tin: https://vnexpress.net/room-cho-dien-mat-troi-mai-nha-co-the-duoc-noi-trong-thang-9-4782704.html