Theo ngân hàng Citigroup Inc. của Mỹ, hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) đang trở lại, nhưng với một sự khác biệt quan trọng: thay vì vay đồng yên Nhật, các quỹ phòng hộ (hedge fund) đang vay đồng USD làm đồng tiền cấp vốn, đầu tư vào các thị trường mới nổi có lãi suất cao hơn.
Thị trường đang gia tăng đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất tổng cộng nhiều hơn 0,75 điểm phần trăm trong thời gian còn lại của năm nay. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã có hai đợt tăng lãi suất trong năm nay và có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Sự trái chiều chính sách tiền tệ này đang làm tổn hại mô hình đầu tư cũ là vay đồng yên với lãi suất siêu thấp ở Nhật Bản để đầu tư vào tài sản ở Mỹ và hưởng chênh lệch lãi suất.
“Chúng tôi đã nhận thấy tâm lý đối với triển vọng của đồng USD trở nên bi quan hơn nhiều. Trong một môi trường mà mọi người đồn đoán về việc Fed giảm lãi suất, tâm lý ham thích rủi ro đã tăng lên”, ông Kristjan Kasikov, trưởng bộ phận giải pháp đầu tư định lượng ngoại hối toàn cầu tại Citigroup, nói với hãng tin Bloomberg.
Bong bóng carry-trade yên Nhật đã vỡ tung vào đầu tháng này sau động thái tăng lãi suất của BOJ và báo cáo việc làm gây lo ngại ở Mỹ. Và giờ đây, các quỹ phòng hộ bắt đầu chọn USD thay vì yên để giao dịch carry-trade, xét tới triển vọng lãi suất ở Mỹ sẽ giảm mà lãi suất ở Nhật sẽ tăng – theo ông Kasikov.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD hiện đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm. Ông Kasikov cho biết từ hôm 5/8 tới nay, các quỹ phòng hộ đã bắt đầu dùng USD để mua đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi như đồng real của Brazil và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nửa đầu năm nay, đồng USD tăng giá đều đặn do giới đầu tư giảm bớt kỳ vọng liên quan đến việc Fed giảm lãi suất. Trong nửa đầu năm, bạc xanh đã tăng giá gần 5% so với một rổ tiền tệ chủ chốt, trong khi đồng yên rớt xuống mức thấp nhất gần 40 năm. Khi yên Nhật bất ngờ tăng giá mạnh vào đầu tháng này, các quỹ phòng hộ đã ồ ạt tháo chạy khỏi vị thế carry-trade dùng đồng yên làm đồng tiền cấp vốn, vị thế mà họ đã ra sức xây dựng từ năm 2021.
“Các khách hàng là quỹ phòng hộ của Citi đã có hoạt động giao dịch ngoại hối mạnh bất thường trong tháng 8 này, với lượng giao dịch đạt tới cận trên của vùng lịch sử”, ông Kasikov cho biết. Nguyên nhân ở đây là cấu trúc và phương thức hoạt động của các quỹ phòng hộ giúp các quỹ này có thể nhanh chóng thoát khỏi các vị thế carry-trade yên Nhật, trong khi các công ty quản lý tài sản chỉ có thể hành động chậm chạp hơn.
Với chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản được rút ngắn, một số nhà dự báo khác cho rằng đồng yên sẽ tiếp tục tăng giá. Một báo cáo của công ty Amundi AS kỳ vọng trong 12 tháng tới, đồng yên có thể tăng tới 140 yên đổi 1 USD, mức cao nhất kể từ tháng 7/2023.
“Chúng tôi không cho là từ nay trở đi, đồng yên sẽ trở nên yếu hơn”, Giám đốc đầu tư tại Nhật Bản của Amundi, ông Shinichiro Arie, nói với Bloomberg. Theo ông Arie, việc Fed bắt đầu hạ lãi suất là một cơ hội để xây dựng vị thế đầu cơ giá lên đồng yên, và BOJ có thể tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay. Tuy vậy, ông cho rằng nhà đầu tư không nên đặt cược lớn vào đồng yên ngay lập tức, bởi tỷ giá sẽ còn nhiều biến động.
Phiên ngày thứ Ba, đồng yên có lúc tăng giá tới 1,7% so với đồng USD. Sáng nay (21/8), yên tiếp tục tăng giá so với USD, đạt dưới 145 yên đổi 1 USD.
Dù vậy, Citigroup cho rằng hoạt động carry-trade trên toàn cầu sẽ gặp một số trở ngại trong thời gian tới, vì những bấp bênh liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể khiến biến động tỷ giá tăng mạnh. Một trong những điều kiện để carry-trade thành công là sự ổn định của thị trường ngoại hối.
“Chúng tôi cảm thấy lo lắng về giao dịch carry-trade. Bầu cử ở Mỹ sẽ khiến thị trường biến động nhiều hơn và tâm lý lo ngại rủi ro sẽ thắng thế”, ông Kasikov phát biểu.